1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Vòng vây siết chặt phiến quân IS

Cả 3 thành phố quan trọng nhất mà IS từng chiếm giữ là Raqqa, Palmyra, Mosul trên đất Syria và Iraq đều đã và đang chịu những đòn tấn công mạnh mẽ. Ngày tàn của IS đã được định đoạt.

Ngày 1/6, Hãng tin CNN và truyền thông Nga đồng loạt đưa tin tên lửa hành trình được phóng từ tàu chiến của Hải quân Nga đã bắn xuống nhiều cứ điểm của các phiến quân IS tại Palmyra (Syria).

Như vậy, cùng với thành phố Mosul thuộc Iraq, nơi phiến quân IS đang phải chịu những đòn đánh tổng lực của quân đội Chính phủ, thì những thành lũy cuối cùng của IS đang bị công phá.

Vòng vây siết chặt phiến quân IS - 1

Cuộc tấn công bằng tên lửa đạn đạo

Hãng tin Sputnik dẫn lời Bộ Quốc phòng Nga cho biết, Hải quân Nga đã phóng hàng loạt tên lửa đạn đạo xuống phía Đông thành phố Palmyra. Đây là căn cứ lớn của IS với các kho chứa khí tài quân sự hạng nặng. Đây cũng là nơi tập trung quân IS sau khi rút chạy khỏi Raqqa (thuộc Syria). Raqqa từng được coi như “thủ đô” của IS.

Vẫn theo Sputnik, như vậy cả 3 thành phố quan trọng nhất mà IS từng chiếm giữ là Raqqa, Palmyra, Mosul trên đất Syria và Iraq đều đã và đang chịu những đòn tấn công mạnh mẽ. Ngày tàn của IS đã được định đoạt.

“Tàu khu trục Đô đốc Esen và tàu ngầm Krasnodar của Hải quân Nga đã tiến hành phóng 4 tên lửa hành trình Kalibr từ phía Đông Địa Trung Hải nhằm vào các phần tử khủng bố IS tại khu vực Palmyra”- Sputnik dẫn thông cáo của Bộ Quốc phòng Nga cho hay. Theo đó, tất cả các mục tiêu đều đã bị tiêu diệt.

Thực chất, cuộc tấn công này từ phía Nga cũng không phải quá bất ngờ, vì trước đó nó đã được thông báo tới Mỹ, Thổ Nhĩ Kỳ và Israel.

Nhìn lại, thành phố Palmyra là nơi phiến quân IS nắm quyền kiểm soát từ năm 2015. Và cũng từ đó thường xuyên xảy ra giao tranh giữa quân Chính phủ với IS. Cuộc tấn công lớn từ phía quân đội Syria với sự hỗ trợ của máy bay Nga tháng 3 vừa qua được cho là làm suy yếu một cách cơ bản lực lượng chiếm đóng bất hợp pháp. Vào thời điểm đó, khoảng 1.000 phiến quân IS bị giết chết trong chiến dịch tấn công này.

Thành phố Palmyra được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới, được cả Chính phủ Syria và tổ chức IS coi là một địa điểm chiến lược trong cuộc chiến. Nằm tại tỉnh Homs, thuộc miền Trung Syria, Palmyra cách thành phố Raqqa 225km và được coi là một cửa ngõ để đánh vào “thủ đô” của IS.

Mosul hấp hối

Trong một thế trận dồn ép và tiêu diệt, cùng với Palmyra (thuộc Syria) thì tàn quân IS tại Mosul (thuộc Iraq) cũng đang hấp hối.

Cuộc chiến tại đây đã kéo dài 7 năm, tuy nhiên trong những ngày qua quân đội chính phủ đã gây sức ép một cách toàn diện. Thủ tướng Iraq Haider al-Abadi tuyên bố, quân chính phủ “hầu như” đã giành lại được Mosul, phiến quân IS còn sót lại đang tìm cách tháo chạy sang Syria.

Khalfaf Badran - Chỉ huy lực lượng cảnh sát liên bang Iraq cho biết, những gì đang diễn ra tại Mosul chỉ là sự giãy giụa cuối cùng của nhóm phiến quân IS tại đây.

Còn Phát ngôn viên quân đội chính phủ Iraq cho biết, trong những ngày qua, các lực lượng chống khủng bố Iraq tiến vào Mosul theo 3 hướng: Bắc, Đông và Tây. Được biết, số quân chính phủ tham gia cuộc tổng tấn công đông gấp 10 lần phiến quân IS. Tuy nhiên, do địa hình phức tạp, cộng thêm việc IS dùng khoảng 200.000 dân thường làm con tin, làm “bia sống” nên cuộc chiến buộc phải kéo dài.

Tuy nhiên, thực tế chiến trường cho thấy tàn quân IS hầu như đã mất sức chiến đấu.

Nhưng một cảnh báo được đưa ra khiến không ít quốc gia lo ngại, đó là việc không ít phiến quân IS đã trà trộn vào dòng người di tản rút khỏi khu vực chiến sự, để hoạt động theo lối “sói đơn độc”- có nghĩa là thực hiện những vụ khủng bố dã man một cách bất ngờ và độc lập.

Cùng với những vụ khủng bố ở một số nước châu Âu, tới nay nhóm chống đối thân IS cũng đang gây rối tại Philippines.

Lính thủy đánh bộ Philippines tới Marawi

Tại Marawi (Philippines), cuộc chiến giữa quân đội chính phủ với phiến quân Maute vẫn chưa thực sự kết thúc, cho dù thắng lợi rõ ràng đã thuộc về quân đội chính phủ.

Trong một diễn biến mới nhất, ngày 31-5 và 1-6, quân đội Philippines đã điều thêm lính thủy đánh bộ tới Marawi. Tổng thống Rodrigo Duterte cũng đã tuyên bố hủy đề nghị đàm phán với phiến quân Maute thân IS.

Ngày 1-6, lực lượng thủy quân lục chiến Philippines đã tới thành phố Iligan, cách Marawi gần 40km. Theo Chuẩn đô đốc Rene Medina, chỉ huy lực lượng hải quân ở phía Tây Mindanao, lực lượng chi viện này sẽ trợ giúp các binh lính lục quân và thủy quân lục chiến hiện đang giao tranh với các phiến quân Maute và Abu Sayyaf ở miền Nam Philippines.

Như vậy, sức ép quân sự đang gia tăng từng giờ tại điểm nóng này. Những dấu hiệu tan rã của phiến quân Maute đã lộ rõ.

Đáng chú ý, ngày 31-5, Tổng thống Rodrigo Duterte đã quyết định rút lại lời mời đối thoại mà ông đưa ra trước đó với các nhóm phiến quân đang cố thủ ở Marawi. Ông Duterte tuyên bố, Chính phủ của ông sẽ chỉ đàm phán với các nhóm phi bạo lực, có nghĩa là đã gạt phiến quân Maute ra một bên.

“Tôi sẽ không đàm phán với bất kỳ ai. Tôi sẽ không đàm phán với những kẻ khủng bố”- ông Duterte phát biểu tại Davao. Ông Duterte nhấn mạnh, Chính phủ của ông sẽ không chấp nhận, không thỏa hiệp với chủ nghĩa cực đoan thông qua các nhóm khủng bố.

Thông báo mới nhất từ Bộ An sinh xã hội và phát triển Philippines cho biết, cuộc giao tranh kéo dài 1 tuần tại Marawi đã ảnh hưởng tới hơn 92.000 người. 11.200 người đang trú ngụ tại các trung tâm sơ tán. Bộ này cũng hy vọng, phiến quân Maute thân IS tại Marawi sẽ sớm bị tiêu diệt, trật tự sẽ được vãn hồi và người dân cũng sẽ sớm xây dựng lại cuộc sống.

Theo Ngọc Quang

Đại đoàn kết