VN ủng hộ vai trò của LHQ trong vấn đề hạt nhân Iran
Ngày 3/3, các thành viên của Hội đồng Bảo an (HĐBA) Liên Hợp Quốc đã bỏ phiếu thông qua dự thảo Nghị quyết do Anh và Pháp bảo trợ về vấn đề hạt nhân của Iran, với lý do nước này không đáp ứng yêu cầu của HĐBA ngừng chương trình làm giàu urani.
Đây là Nghị quyết thứ ba của HĐBA LHQ về vấn đề hạt nhân của Iran sau khi Cơ quan Năng lượng Nguyên tử quốc tế (IAEA) trong báo cáo trình HĐBA ngày 23/2 xác nhận Iran đã hợp tác tích cực với IAEA để làm sáng tỏ các vấn đề nổi cộm mà thế giới hoài nghi về chương trình hạt nhân của mình.
Trước cuộc bỏ phiếu, một số nước thành viên HĐBA đã nêu bật những lo ngại về một số vấn đề, trong đó có việc liệu có cần thêm một nghị quyết thứ ba trừng phạt Tehran hay không, trong khi Iran, dù chưa ngừng chương trình làm giàu urani của mình, song đã và đang hợp tác với IAEA.
IAEA cũng nhấn mạnh mặc dù Tehran vẫn phải tiếp tục làm sáng tỏ một số vấn đề trong quá khứ và hiện tại liên quan đến chương trình hạt nhân của nước này nhưng khẳng định đến nay không có bằng chứng cụ thể nào về một chương trình phát triển vũ khí hạt nhân đang tồn tại ở Iran, cũng như không hề có cơ sở hạt nhân bí mật chưa công bố nào tại Iran. Không những thế, báo cáo tình báo quốc gia mới của Mỹ, công bố ngày 3/12/2007, cũng khẳng định Iran đã ngừng hoạt động chế tạo vũ khí hạt nhân từ cuối năm 2003. Tuy nhiên, IAEA vẫn tuyên bố chưa xác định được rõ ràng ''tính chất chương trình hạt nhân của Iran''.
Trong nhiều năm qua, chương trình hạt nhân của Iran luôn được coi là chủ đề ''nóng'' trên bàn nghị sự của HĐBA khi Tehran trước sau vẫn khẳng định phát triển năng lượng hạt nhân vì mục đích hòa bình, trong khi Mỹ và một số nước phương Tây luôn cáo buộc Iran phát triển vũ khí hạt nhân.
Sau 2 nghị quyết về trừng phạt Iran, nghị quyết vừa được HĐBA thông qua đã ghi nhận và hoan nghênh thỏa thuận giữa Iran và IAEA nhằm giải quyết các bất đồng liên quan tới chương trình hạt nhân của Tehran, cũng như những tiến triển đạt được trong tiến trình này, nhưng vẫn cho rằng Iran ''tiếp tục thách thức yêu cầu của HĐBA về ngừng hoạt động làm giàu hạt nhân''.
Vì vậy, Nghị quyết cũng áp đặt những biện pháp trừng phạt bao gồm siết chặt các biện pháp hạn chế về đi lại, mở rộng danh sách các quan chức Iran bị phong tỏa tài sản, cấm buôn bán với Iran các hàng hóa có thể sử dụng cả cho mục đích dân sự và quân sự, quy định việc giám sát tài chính đối với hai ngân hàng của Iran bị nghi ngờ có liên quan tới hoạt động phổ biến hạt nhân, và kêu gọi tất cả các nước cảnh giác trong việc cung cấp tín dụng cho hoạt động xuất khẩu của Iran. Mặc dù vậy, Nghị quyết cũng nhấn mạnh mong muốn của các nước thành viên thường trực HĐBA (Trung Quốc, Pháp, Nga, Anh và Mỹ) tiếp tục tăng cường các nỗ lực ngoại giao, thông qua những cuộc đối thoại giữa Iran với IAEA hay Đại diện cấp cao phụ trách chính sách đối ngoại và an ninh của Liên minh châu Âu (EU).
Tại các diễn đàn quốc tế, đặc biệt tại HĐBA LHQ, Việt Nam luôn nhấn mạnh cần tiếp tục phát huy vai trò của LHQ và IAEA trong vấn đề hạt nhân của Iran và cần tạo điều kiện thuận lợi để giải quyết hòa bình vấn đề này. Việt Nam ủng hộ việc sử dụng năng lượng hạt nhân vì mục đích hòa bình, chống phổ biến và tiến tới thủ tiêu hoàn toàn vũ khí hạt nhân trên toàn cầu. Việt Nam luôn khẳng định phát triển năng lượng hạt nhân vì mục đích hòa bình là một quyền chính đáng của mọi quốc gia, trong đó có Iran. Tuy nhiên, việc phát triển năng lượng hạt nhân vì mục đích hòa bình cần minh bạch trên cơ sở tuân thủ nghiêm ngặt Hiệp ước cấm phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT) với sự giám sát chặt chẽ của quốc tế. Đây là yêu cầu tối quan trọng bởi nguyên liệu hạt nhân có nguy cơ rơi vào tay các phần tử khủng bố.
Tranh cãi xung quanh chương trình hạt nhân của Iran, rằng đây là chương trình phục vụ mục đích dân sự, hay nhằm phát triển vũ khí hạt nhân, vẫn chưa có hồi kết. Trong khi phải đương đầu với những biện pháp cô lập mạnh mẽ hơn sau khi HĐBA thông qua nghị quyết mới, Tehran tuyên bố sẽ có biện pháp trả đũa cần thiết nếu nước này tiếp tục bị trừng phạt.
Nhiều nhà phân tích thời sự quốc tế cho rằng tăng cường trừng phạt chống Iran ẩn chứa nhiều rủi ro, bởi thực tế đã cho thấy hai lệnh trừng phạt trước đó của HĐBA, cũng như các biện pháp gây sức ép và cấm vận chống Iran mà Mỹ áp đặt gần 30 năm qua, đã không giúp giải quyết vấn đề này, thậm chí có thể khiến Tehran ngừng đối thoại mà quay sang thế ''đối đầu''.
Đàm phán và đối thoại vẫn là chìa khóa để giải quyết cuộc khủng hoảng xung quanh vấn đề hạt nhân của Iran. Kết quả các cuộc thương lượng gần đây giữa Iran và IAEA cho thấy hai bên có thể tiến gần hơn tới các thỏa thuận được cả hai chấp nhận nếu tiếp tục các nỗ lực ngoại giao đúng hướng.
Theo TTXVN