1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Việt Nam tham gia Sáng kiến An ninh chống phổ biến vũ khí hủy diệt

(Dân trí) - Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Hải Bình cho biết, Việt Nam đã tuyên bố tham gia Sáng kiến An ninh chống phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt (PSI).

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình

Ngày 21/05/2014, liên quan đến việc Việt Nam tham gia Sáng kiến An ninh chống phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt (PSI), Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình cho biết:

“Sau khi nghiên cứu kỹ lưỡng các khía cạnh của PSI, Việt Nam tuyên bố tham gia Sáng kiến này, trên cơ sở ủng hộ Tuyên bố ngày 04/09/2003.
Quyết định này phản ánh lập trường nhất quán của Việt Nam ủng hộ hợp tác quốc tế vì mục tiêu chung là ngăn ngừa nguy cơ phổ biến các loại vũ khí hủy diệt hàng loạt, các hệ thống chuyên chở và vật liệu liên quan, nhằm góp phần bảo đảm hòa bình và an ninh quốc tế, phù hợp với luật pháp quốc tế, luật pháp quốc gia, quyền lực và nguồn lực của mỗi nước.

Ông Lê Hải Bình cho hay, "Việt Nam sẽ tham gia các hoạt động thực hiện PSI trong phạm vi khả năng thực tiễn của mình”.

Phát biểu tại phiên họp toàn thể của Hội nghị Thượng đỉnh về an ninh hạt nhân lần thứ 3 được tổ chức tại La Hay, Hà Lan, vào hồi tháng 3 vừa qua, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết. 

“Việt Nam đã từng bước hoàn thiện hệ thống luật pháp về an ninh hạt nhân, bảo đảm kiểm soát an ninh hầu hết các nguồn phóng xạ cường độ cao, bắt đầu triển khai các biện pháp kiểm soát xuất nhập khẩu nguồn phóng xạ tại một số sân bay và cảng biển, đào tạo đội ngũ cán bộ và xây dựng văn hóa an ninh cho các cơ quan có liên quan, đồng thời tích cực tham gia các công cụ pháp lý và các sáng kiến quốc tế có liên quan đến an ninh hạt nhân”.

Thủ tướng cũng nhấn mạnh: “Trên cương vị thành viên và là Chủ tịch Hội đồng Thống đốc IAEA nhiệm kỳ 2013-2014, Việt Nam sẽ nỗ lực hết sức mình để cùng các đối tác đóng góp tích cực cho việc bảo đảm an ninh hạt nhân trên toàn cầu.”


Nam Hằng