1. Dòng sự kiện:
  2. Xung đột leo thang tại Trung Đông
  3. Ukraine tấn công tỉnh Kursk
  4. Xung đột leo thang ở Trung Đông

Việt Nam sẽ có thêm 2 tàu hộ vệ

Nhà máy đóng tàu Zelenodolsky mang tên Gorky sẽ hoàn thành việc chế tạo và chuyển giao cho Hải quân Việt Nam 2 tàu hộ vệ lớp Gepard 3.9 trước khi kết thúc năm 2017.

Theo tờ An ninh Thủ đô, hãng thông tấn Nga ITAR-TASS cho biết, ban lãnh đạo nhà máy Zelenodolsky thông báo là họ sẽ hoàn tất việc thực hiện hợp đồng đóng loạt 4 tàu thuộc dự án này cho Hải quân Việt Nam vào năm 2017, 2 tàu hộ vệ lớp Gepard 3.9 thuộc loạt thứ 2 sẽ được bàn giao trước thời hạn này.

Tàu hộ vệ HQ-011 Đinh Tiên Hoàng khi còn thử nghiệm ở Nga mang số hiệu 415 (Ảnh: ANTĐ

Tàu hộ vệ HQ-011 Đinh Tiên Hoàng khi còn thử nghiệm ở Nga mang số hiệu 415 (Ảnh: ANTĐ)

Hai tàu hộ vệ Gepard 3.9 đầu tiên của dự án đã được chuyển giao cho Hải quân Việt Nam trong các năm 2010 và 2011. Kế hoạch đóng 4 tàu hộ vệ thuộc dự án này được thực hiện theo 2 phần hợp đồng, mỗi hợp đồng liên quan đến việc đóng 2 chiến hạm, có những sự điều chỉnh nhất định theo yêu cầu của người sử dụng.

Hợp đồng cho 2 chiếc đầu tiên đã được ký kết vào năm 2006 và đã hoàn tất trong năm 2011. Hai tàu hộ vệ này về Việt Nam được gọi là HQ-011 Đinh Tiên Hoàng và HQ-012 Lý Thái Tổ. Lô 2 chiếc kế tiếp được ký kết vào tháng 2/2013. Hiện nay, hợp đồng thứ hai đang được thực hiện theo đúng tiến độ.

Trong khi đó, báo Đất Việt dẫn tin theo tiết lộ của Zelenodolsky Gorky, hiện tại, hai tàu hộ tống Gepard 3.9 mới của Hải quân Việt Nam đang trải qua giai đoạn chế tạo cuối cùng, bao gồm việc hình thành phần cấu trúc khung thân và lắp đặt hệ thống hỗ trợ sự sống. Trong những tháng tới, Zelenodolsky Gorkys sẽ tiếp tục lắp đặt các hệ thống thông tin liên lạc, dẫn đường, hệ thống điện tử và các thiết bị khác lên 2 con tàu mới.

Kế hoạch thử nghiệm 2 tàu Gepard 3.9 thứ ba và thứ tư dự kiến sẽ diễn ra trên biển Baltic vào đầu năm 2017.

Giữa tháng 12/2013, một phái đoàn các quan chức Bộ Quốc phòng Việt Nam, dẫn đầu là Phó chủ nhiệm kỹ thuật Quân chủng Hải quân Hoàng Thiên Tùng, cùng phái đoàn quan chức Rosoboronexport, đại diện công ty cổ phần nhà máy đóng tàu Zelenodolsky Gorky và đại diện Cục Thiết kế Zelenodolskoye (Tatarstan) đã tiến hành buổi nghiệm thu giai đoạn 1.

Cặp tàu Gepard 3.9 mới được nhà máy đóng tàu Zelenodolsky Gorky khởi đóng cho Hải quân Việt Nam vào tháng 9/2013.
Tàu hộ vệ HQ-011 Đinh Tiên Hoàng khi còn thử nghiệm ở Nga mang số hiệu 415 (Ảnh: ANTĐ
2 tàu hộ vệ lớp Gepard 3.9 HQ-011 Đinh Tiên Hoàng và HQ-012 Lý Thái Tổ của hải quân Việt Nam (Ảnh ANTĐ)

Tàu hộ vệ lớp Gepard 3.9 có nhiệm vụ săn tìm, theo dõi, tác chiến hiệu quả chống các mục tiêu tàu nổi, tàu ngầm và máy bay, rải lôi, chi viện hỏa lực cho lực lượng đổ bộ. Ngoài ra, nó còn đảm nhận chức năng bảo vệ, tuần tra đường biên giới, vùng đặc quyền kinh tế quốc gia, chống buôn lậu, đánh bắt thủy sản trái phép và chống cướp biển trên biển và hỗ trợ các tàu gặp nạn.

Tàu có thể hoạt động tác chiến độc lập hoặc trong đội hình biên đội tàu mặt nước chiến thuật hoặc trong đội hình tác chiến hỗn hợp tàu mặt nước - tàu ngầm hoặc trong đội hình tác chiến hiệp đồng quân, binh chủng hải quân - không quân và bảo vệ bờ biển.

Tàu hộ vệ lớp Gepard 3.9 có chiều dài 102,4 mét, rộng 14,4 mét, trọng lượng giãn nước toàn tải 2.200 tấn, tốc độ tối đa 29 hải lý/giờ (53 km/giờ), bán kính tác chiến 4.000 km, thời gian hoạt động liên tục trên biển 15 ngày và thủy thủ đoàn 98 người.

Vũ khí chủ lực của tàu là 8 quả tên lửa hạm đối hạm Kh-35 Uran E, dẫn đường bằng quán tính và rađa chủ động, với tầm bắn tối đa 130 km và tốc độ bắn tối đa là 0,9 Mach (gần 1.100 km/giờ). Ngoài ra, nó còn được trang bị hệ thống pháo hạm, phòng không, chống ngầm… tiên tiến.

Hai tàu hộ vệ tên lửa lớp Gepard 3.9 thuộc hợp đồng thứ 2 được trang bị hệ thống vũ khí chống ngầm thế hệ mới, động cơ đẩy và hệ thống tên lửa phòng không hiện đại. Với những tính năng được bổ sung trên, hai chiếc Gepard 3.9 mới sẽ giải quyết phần nào bài toán chống ngầm trên tàu mặt nước của Hải quân Việt Nam.

Theo Hồng Nhì
VietnamNet

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm