1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Việt Nam nêu thông điệp giải quyết tranh chấp trên biển tại WEF Đông Á

(Dân trí) - Tại Diễn đàn Kinh tế thế giới về Đông Á lần thứ 24, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, tranh chấp lãnh thổ là thách thức lớn ở khu vực Đông Á và nêu rõ mọi tranh chấp trên biển cần được giải quyết bằng biện pháp hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế.

Chiều 20/4/2015, tại Jakarta, Indonesia, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã bắt đầu tham dự các hoạt động tại Hội nghị Diễn đàn Kinh tế thế giới về Đông Á (WEF Đông Á) lần thứ 24.

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc (Ảnh: Chính phủ)

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc (Ảnh: Chính phủ)

Tham dự Hội nghị  Diễn đàn Kinh tế thế giới về Đông Á (WEF Đông Á) lần này có hơn 500 đại biểu, bao gồm lãnh đạo cấp cao của nhiều nước như Tổng thống Indonesia, Thủ tướng Campuchia, Phó Thủ tướng Liên bang Nga, lãnh đạo nhiều tập đoàn kinh tế lớn của khu vực và thế giới.

Phát biểu tại Phiên khai mạc với chủ đề “Đông Á trong bối cảnh toàn cầu mới”, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh việc các nước Đông Á tăng cường hợp tác làm sâu sắc và sống động hơn kết nối giữa các nền kinh tế và giữa các khu vực đi đôi với đẩy mạnh cải cách là cần thiết để xây dựng một nền kinh tế có khả năng thích ứng tốt hơn với bối cảnh toàn cầu mới.

Phó Thủ tướng khẳng định Việt Nam đang nỗ lực đẩy mạnh tái cơ cấu nền kinh tế và chuyển đổi mô hình tăng trưởng, hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, đồng thời đóng góp có trách nhiệm vào xây dựng Cộng đồng ASEAN và các cơ chế hợp tác khu vực, tích cực đàm phán nhiều FTA lớn.

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng Đông Á đang đứng trước nhiều cơ hội lớn trong hợp tác và phát triển, nhưng sự ổn định và phát triển của khu vực cũng đang gặp nhiều thách thức do tác động của biến đổi khí hậu, cạnh tranh chiến lược, tranh chấp lãnh thổ, an ninh, an toàn hàng hải, hàng không…

Phó Thủ tướng nêu rõ mọi tranh chấp trên biển cần được giải quyết bằng biện pháp hòa bình, trên cơ sở tuân thủ luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước của Liên hợp quốc về Luật biển 1982; khẳng định Việt Nam luôn nỗ lực cùng các nước và các đối tác trên tinh thần hợp tác, chân thành, tin cậy lẫn nhau nhằm củng cố môi trường hòa bình, ổn định trong khu vực.

Trước phiên khai mạc Hội nghị, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã hội kiến với Phó Tổng thống Indonesia Jusuf Kalla. Hai bên đánh giá quan hệ hữu nghị truyền thống và đối tác chiến lược giữa hai nước đang phát triển tốt đẹp; nhất trí tăng cường phối hợp tổ chức các hoạt động kỷ niệm 60 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, đẩy mạnh hợp tác đầu tư, thương mại; tăng cường hợp tác giải quyết vấn đề ngư dân trên biển…

Bên lề Hội nghị Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã gặp Phó Thủ tướng Nga Arkady Dvorkovich. Hai bên đánh giá quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Việt-Nga đang phát triển mạnh mẽ; nhất trí thúc đẩy triển khai các thỏa thuận đạt được trong chuyến thăm Việt Nam vừa qua của Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev, đặc biệt là trong lĩnh vực thương mại, năng lượng, dầu khí…

Tại cuộc gặp với Giám đốc điều hành WEF Philipp Roesler, hai bên đánh giá hợp tác giữa Việt Nam và WEF phát triển tốt đẹp, trao đổi các biện pháp nhằm tăng cường phối hợp quảng bá Việt Nam trong các hoạt động và hội nghị của WEF, đẩy mạnh hợp tác trong lĩnh vực nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

Trong cuộc gặp với Phó Tổng Thư ký OECD Mari Kiviniemi, hai bên nhất trí tăng cường phối hợp, tranh thủ nguồn lực từ Chương trình Đông Nam Á của OECD cho các chương trình, dự án hợp tác Việt Nam-OECD.

Tối cùng ngày, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự buổi chiêu đãi do Tổng thống Indonesia chủ trì. Ngày 21/4, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sẽ dự và phát biểu tại một số phiên thảo luận quan trọng của Hội nghị.

PV