1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Việt Nam nằm trong danh sách các quốc gia phát triển nhanh nhất thập kỷ tới

Tùng Nguyễn

(Dân trí) - Theo Đại học Harvard, Việt Nam sẽ nằm trong số các quốc gia phát triển nhanh nhất thế giới trong thập kỷ tới.

Việt Nam nằm trong danh sách các quốc gia phát triển nhanh nhất thập kỷ tới - 1
Công nhân Việt Nam trong một nhà máy sản xuất linh kiện điện tử (Ảnh: VCG).

Trong một nghiên cứu được thực hiện bởi Phòng nghiên cứu Phát triển của Trường chính sách công Kennedy trực thuộc Đại học Harvard, Việt Nam cùng với Trung Quốc, Uganda, Indonesia và Ấn Độ được dự đoán sẽ là các quốc gia phát triển nhanh nhất thế giới trong thập niên tới.

Dự đoán trên được đưa ra dựa trên những dữ liệu được thu thập trong nhiều năm và có tính cả những tác động tiêu cực mà đại dịch Covid-19 gây ra. Theo đó, sau khi những ảnh hưởng của dịch bệnh qua đi, nền kinh tế tại nhiều quốc gia ở châu Á, Đông Âu và Đông Phi sẽ có những tín hiệu khởi sắc trở lại.

Nghiên cứu của trường Harvard Kennedy chỉ ra 3 động lực phát triển chính của một nền kinh tế trong thập kỷ tới, đó là sự đa dạng hóa nền kinh tế, gia tăng dân số và tăng trưởng thu nhập bình quân đầu người. Trong đó, sự đa dạng hóa nền kinh tế, hướng tới việc sản xuất những mặt hàng đòi hỏi công nghệ tiên tiến, được đánh giá là động lực quan trọng nhất và có thể dẫn đến một sự phát triển vượt bậc và bền vững.

Ở khía cạnh này, Trung Quốc và Việt Nam được đánh giá rất cao do những chính sách thúc đẩy phát triển nhiều ngành công nghiệp sản xuất có giá trị gia tăng cao trong những năm qua. Với Việt Nam, chỉ số đa dạng hóa nền kinh tế của Hà Nội được xếp hạng 51 toàn cầu, một trong những vị trí cao nhất dành cho các quốc gia đang phát triển.

Ở chiều ngược lại, các quốc gia ở châu Phi và Mỹ La Tinh không được đánh giá cao trong việc đa dạng hóa nền kinh tế. Các nhà nghiên cứu của Trường chính sách công Kennedy nhận định tăng trưởng của các quốc gia này sẽ chủ yếu đến từ lực lượng lao động dồi dào do gia tăng dân số.

Theo The Atlas of Economic Complexity