1. Dòng sự kiện:
  2. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt
  3. Chính quyền Trump 2.0
  4. Chiến sự Nga - Ukraine

Việt Nam làm Chủ tịch ASEAN 2020: Gắn kết và chủ động thích ứng

Tiếp nhận cương vị Chủ tịch ASEAN 2020 từ Thủ tướng Thái Lan tối 4/11, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc công bố chủ đề "Gắn kết và chủ động thích ứng".

Tối qua (4/11), Việt Nam đã chính thức tiếp nhận cương vị Chủ tịch Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) sau lễ bàn giao từ Thái Lan. Đây là lần thứ 3 Việt Nam đảm nhiệm chức vụ này. Đó vừa là niềm vinh dự vừa là trọng trách của Việt Nam trong năm 2020. Đặc biệt hơn nữa, cũng trong năm này, Việt Nam còn đảm đương chức vụ ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc.

Việt Nam làm Chủ tịch ASEAN 2020: Gắn kết và chủ động thích ứng - 1

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhận chiếc búa Chủ tịch ASEAN từ Thủ tướng Thái Lan (Ảnh: Reuters).

Đối với Việt Nam, hợp tác ASEAN là một trong những ưu tiên trong chính sách đối ngoại của Việt Nam, là điểm nhấn, thể hiện tinh thần rộng mở, đa phương hóa, đa dạng hóa, chủ động hội nhập. Kể từ khi gia nhập ASEAN (28/7/1995) đến nay, Việt Nam luôn tham gia các hoạt động ASEAN một cách tích cực, chủ động và có trách nhiệm. Việt Nam luôn nằm trong nhóm các nước thành viên có tỷ lệ thực thi cao nhất các Kế hoạch tổng thể xây dựng Cộng đồng ASEAN.

Đặc biệt, trong nhiệm kỳ làm Chủ tịch ASEAN 2010, Việt Nam đã đóng góp tích cực cho sự phát triển chung của Hiệp hội. Trong năm Chủ tịch ASEAN 2010 của Việt Nam, quyết định mở rộng Cấp cao Đông Á (EAS) để kết nạp thêm Mỹ và Nga, lần đầu tiên tổ chức Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN Mở rộng (ADMM+), vận động để đại diện cho ASEAN dự Hội nghị Thượng đỉnh G-20 tại Hàn Quốc và Canada, thể hiện Việt Nam có tầm nhìn chiến lược vượt ra ngoài khu vực. Việt Nam đã có Năm Chủ tịch ASEAN 2010 thành công trong tất cả các lĩnh vực, được các nước thành viên và đối tác đánh giá cao.

Chuẩn bị cho sự kiện Việt Nam đảm nhận cương vị Chủ tịch ASEAN 2020, ngay từ tháng 12/2018, Việt Nam đã thành lập Ủy ban Quốc gia ASEAN 2020, để chuẩn bị kỹ lưỡng chương trình nghị sự, chủ động nghiên cứu, đề xuất với Thủ tướng các phương hướng, giải pháp cho các vấn đề liên quan đến nhiệm kỳ Chủ tịch ASEAN.

Trong tối 4/11, sau khi nhận chiếc búa Chủ tịch ASEAN từ Thủ tướng Thái Lan, Thủ tướng nước ta Nguyễn Xuân Phúc đã phát biểu, chúc mừng Thái Lan và Thủ tướng Thái Lan Praut Chanocha đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ là Chủ tịch ASEAN 2019. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng công bố chủ đề, một số định hướng lớn của Việt Nam trong năm ASEAN 2020.

Việt Nam làm Chủ tịch ASEAN 2020: Gắn kết và chủ động thích ứng - 2

Thủ tướng công bố Chủ đề Năm ASEAN 2020 do Việt Nam làm Chủ tịch. Ảnh: VGP.

Công bố chủ đề Năm ASEAN 2020 là “Gắn kết và chủ động hội nhập”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: “Hai thành tố này có sự giao thoa, bổ trợ chặt chẽ cho nhau. Một Cộng đồng gắn kết và phát triển rất cần gia tăng sự chủ động thích ứng với các yếu tố tác động bên ngoài và ngược lại, khả năng chủ động thích ứng chỉ có thể có được nếu ASEAN là một khối gắn kết chặt chẽ”. 

Thủ tướng cũng phát biểu: “Trong năm 2020, chúng tôi mong muốn sẽ tập trung tăng cường sự gắn kết bền vững của ASEAN thông qua củng cố đoàn kết, thống nhất, gia tăng liên kết kinh tế và kết nối, làm sâu sắc hơn các giá trị và đặc trưng của Cộng đồng ASEAN, cải tiến, nâng cao hiệu quả hoạt động của bộ máy ASEAN và đẩy mạnh quan hệ đối tác của ASEAN trong cộng đồng toàn cầu”.

Việt Nam đảm nhận vai trò Chủ tịch ASEAN vào năm 2020- một năm bản lề trong triển khai kế hoạch hiện thực hóa Tầm nhìn ASEAN 2025 và cũng là dịp kỷ niệm tròn 25 năm Việt Nam gia nhập ASEAN. Để chuẩn bị cho nhiệm kỳ Chủ tịch ASEAN, Việt Nam tích cực trao đổi nội bộ cũng như tham vấn các nước ASEAN và các đối tác để xây dựng chủ đề, các ưu tiên và sáng kiến cho năm Chủ tịch ASEAN 2020.

Năm 2010, Việt Nam đã từng là Chủ tịch ASEAN và có những dấu ấn được cộng đồng quốc tế ghi nhận. Năm 2020, thế và lực của Việt Nam đã khác. Vị thế của Việt Nam trong khu vực và trên trường quốc tế đã lớn mạnh hơn nhiều, thể hiện trong các hoạt động và tiếng nói của Việt Nam tại các diễn đàn quốc tế và khu vực. Việt Nam đã đạt những thành công trên cương vị thành viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc (nhiệm kỳ 2008-2009), nước chủ nhà của các Hội nghị Cấp cao ASEM-5 năm 2004, Hội nghị Cấp cao APEC 2006, Đại hội đồng Liên minh Nghị viện thế giới lần thứ 132 (2015). Đầu năm 2019, Hà Nội lại được chọn làm địa điểm tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ-Triều, thể hiện uy tín và sự tin cậy của quốc tế đối với Việt Nam. Và cũng trong năm 2020 này, Việt Nam lại một lần nữa đảm nhận cương vị ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc.

Trở thành Chủ tịch ASEAN 2020, Việt Nam vừa có trách nhiệm vừa có cơ hội thể hiện bản lĩnh của mình. Việt Nam phải nỗ lực để duy trì được đà tiến triển của ASEAN. Những gì ASEAN đã đạt được, Việt Nam sẽ phát huy, thúc đẩy xây dựng Cộng đồng vững mạnh hơn, vững mạnh không chỉ về mặt nội bộ, mà còn phải tăng thêm uy tín, vai trò ở khu vực cũng như đóng góp vào tiến trình phát triển chung của toàn cầu.

Theo Bích Đào

VOV.VN