1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Việt Nam khơi lửa đoàn kết trong ASEAN

(Dân trí) - Lần đầu tiên sau 20 năm ASEAN ra Tuyên bố riêng về Biển Đông, đồng thời đặc biệt nhấn mạnh đến tranh chấp tại Biển Đông trong các Tuyên bố kết thúc Hội nghị cấp cao. Chưa bao giờ, ASEAN đạt được đoàn kết và đồng thuận đến vậy trong vấn đề này.

Bài phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Tấn
Dũng được đánh giá cao tại Hội nghị cấp cao ASEAN 24.

Bài phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng được đánh giá cao tại Hội nghị cấp cao ASEAN 24.

Những căng thẳng tại Biển Đông đã chi phối hầu hết các cuộc thảo luận tại Hội nghị cấp cao ASEAN 24 vừa diễn ra ở Myanmar, đặc biệt sau khi các đại biểu được nghe bài phát biểu thẳng thắn của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng về thực tế căng thẳng hiện nay ở Biển Đông.

Đây là lần đầu tiên Việt Nam chủ động đưa vấn đề Biển Đông thành nội dung trọng tâm trong một hội nghị cấp cao ASEAN và đã nhận được sự quan tâm rất lớn của các nước thành viên, cũng như sự ủng hộ của chính giới, học giả và truyền thông quốc tế.

Trong phản ứng sau bài phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Tổng thống Indonesia Susilo Bambang Yudhoyuno đã bày tỏ đồng tình với Việt Nam và kêu gọi sự đoàn kết trong khối.

“Chúng tôi cũng có quan điểm mang tính đạo lý của mình để nhắc nhở ai đó rằng họ không nên sử dụng quan điểm quân sự, họ không nên sử dụng nền ngoại giao pháo hạm trong vấn đề Biển Đông. Đây là quan điểm của tôi và đó là sức mạnh của chúng tôi trong khu vực ASEAN”.

Ngoại trưởng Singapore nhấn mạnh: “ASEAN không thể im lặng trước những sự cố gần đây ở Biển Đông vì điều đó sẽ càng làm tổn hại đến uy tín của khu vực”.

Tờ Bangkok Post của Thái Lan viết: “Việt Nam kêu gọi không chỉ 10 quốc gia thành viên ASEAN, mà mọi cá nhân, tổ chức trên thế giới phản đối Trung Quốc về hành động vi phạm luật pháp quốc tế trên Biển Đông”.

Tờ Thời báo Nhật Bản trích lại một đoạn trong bài phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nói về những nỗ lực giải quyết căng thẳng của Việt Nam sau khi Bắc Kinh ngang nhiên hạ đặt giàn khoan Hải Dương-981 trong vùng biển của Việt Nam, còn các tàu Trung Quốc tấn công gây hư hại cho các tàu Việt Nam và làm nhiều người bị thương.

“Việt Nam đã hết sức kiềm chế, chân thành bày tỏ mọi thiện chí, sử dụng mọi kênh đối thoại giao thiệp với các cấp khác nhau của Trung Quốc để phản đối và yêu cầu Trung Quốc rút ngay giàn khoan. Tuy nhiên đến nay Trung Quốc không những không đáp ứng yêu cầu chính đáng của Việt Nam mà còn vu khống, đổ lỗi cho Việt Nam, tiếp tục sử dụng sức mạnh, gia tăng các hành động uy hiếp, xâm phạm ngày càng nguy hiểm và nghiêm trọng hơn”, tờ báo trích lời Thủ tướng.

Giới bình luận cho rằng bài phát biểu của Thủ tướng Việt Nam cho ASEAN thấy rõ những gì đang xảy ra trong thực tế. Nó cũng thể hiện sự mềm dẻo nhưng kiên quyết của Việt Nam, thể hiện truyền thống hòa hiếu, yêu chuộng hòa bình của dân tộc Việt Nam, đồng thời tái khẳng định lập trường nhất quán và những đề xuất hết sức xây dựng của Việt Nam trong vấn đề Biển Đông.

Bài phát biểu cũng đã làm nổi bật thái độ, trách nhiệm của Việt Nam trong tiến trình xây dựng Cộng đồng ASEAN, cũng như trong việc đối diện với những thách thức an ninh của khu vực. Bởi khi thẳng thắn nêu bật vấn đề Biển Đông tại diễn đàn, Việt Nam không chỉ thể hiện sự tin tưởng của mình đối với các thành viên còn lại trong ASEAN về việc tìm kiếm giải pháp chung cho vấn đề gai góc, mà còn đánh bại âm mưu của Trung Quốc trong việc vô hiệu hóa tiếng nói của ASEAN về vấn đề Biển Đông như Bắc Kinh đã từng làm được ở Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN cách đây hai năm.

Có thể thấy, bài phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã gây một tiếng vang lớn tại Hội nghị cấp cao ASEAN 24. Vì vậy, kết thúc hội nghị, các nhà lãnh đạo ASEAN đã ra Tuyên bố Nay Pyi Taw, trong đó có đoạn đề cập chi tiết đến những quan ngại về căng thẳng tại Biển Đông.

Hội nghị cũng ra Tuyên bố của Chủ tịch ASEAN đề cập đến sự “quan ngại sâu sắc về các vụ việc đang diễn ra ở Biển Đông”, khẳng định “tầm quan trọng của việc duy trì hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn và tự do hàng hải, hàng không ở Biển Đông”, đồng thời kêu gọi thực thi đầy đủ và hiệu quả DOC, sớm đạt được COC.

Trước đó, lần đầu tiên trong 20 năm, các Ngoại trưởng ASEAN đã ra Tuyên bố riêng về Biển Đông, thể hiện sự lo ngại của cả khối chứ không chỉ riêng các nước có tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông về tình hình căng thẳng hiện nay. Các ngoại trưởng ASEAN khẳng định tình hình tại Biển Đông có ảnh hưởng đến hòa bình, ổn định, an ninh và an toàn hàng hải của cả khu vực.

Những tuyên bố dồn dập của ASEAN về Biển Đông cho thấy đây là lần đầu tiên vấn đề này chi phối mạnh mẽ toàn bộ diễn đàn khu vực, từ các cuộc thảo luận đến kết quả hội nghị. Nó cũng cho thấy ASEAN đang ngày càng trưởng thành hơn, đoàn kết hơn, liên kết chặt chẽ hơn và thể hiện rõ hơn tiếng nói cũng như vai trò trung tâm trong các vấn đề khu vực và quan hệ với các đối tác.

“ASEAN đang đoàn kết và phản ứng với tình hình hiện nay một cách phù hợp”, Ngoại trưởng Philippines Del Sario bày tỏ hài lòng với tuyên bố của ASEAN tại hội nghị lần này.

“Tuyên bố của ASEAN thể hiện sự đồng thuận cao hiếm có trong tranh chấp chủ quyền biển đảo”, Giáo sư Carl Thayer, chuyên gia về Đông Nam Á từ Australia nói.

Tờ Bangkok Post của Thái Lan bình luận “sự việc (ở Biển Đông) lần này đã đặt ra thử thách và thúc đẩy tình đoàn kết của ASEAN”.

Báo Ngày nay của Singapore trích lời Thủ tướng Lý Hiển Long nói rằng Hiệp hội ASEAN đã có cái nhìn tổng thể về những tranh chấp có ảnh hưởng đến an ninh của cả khu vực.

“Các sự việc này đang xảy ra trên ngưỡng cửa của chúng ta và ASEAN phải có quan điểm. Một ASEAN chia rẽ sẽ làm suy yếu uy tín của chúng ta và liên quan đến thế giới”, ông nói.

Theo đánh giá chung của dư luận, ASEAN giờ đây đã hoạt động như một khối thống nhất, đoàn kết vì mục tiêu chung; coi an ninh, an toàn hàng hải ở Biển Đông là vấn đề hòa bình, ổn định chung của khu vực chứ không phải là vấn đề riêng giữa Trung Quốc với một nước thành viên ASEAN như Bắc Kinh lâu này vẫn cố công áp đặt.

Đức Vũ