1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Việt Nam cam kết mạnh mẽ cùng thế giới ứng phó biến đổi khí hậu

Đức Hoàng

(Dân trí) - Đại sứ Việt Nam tại Pháp Đinh Toàn Thắng cho rằng việc Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà tham dự Hội nghị về Hiệp ước tài chính toàn cầu mới thể hiện Việt Nam cam kết cùng thế giới đối phó biến đổi khí hậu.

Việt Nam cam kết mạnh mẽ cùng thế giới ứng phó biến đổi khí hậu - 1

Đại sứ Việt Nam tại Pháp Đinh Toàn Thắng (Ảnh: Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp).

Nhân dịp Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà tham dự Hội nghị Thượng đỉnh về Hiệp ước tài chính toàn cầu mới và làm việc tại Pháp ngày 21-24/6, Đại sứ Việt Nam tại Pháp Đinh Toàn Thắng đã có bài trả lời phỏng vấn.

Xin Đại sứ cho biết vài nét về Hội nghị thượng đỉnh Hiệp ước tài chính toàn cầu mới và mục đích, ý nghĩa sự tham gia của đoàn Việt Nam tại Hội nghị?

Hội nghị Thượng đỉnh Hiệp ước tài chính toàn cầu mới được kỳ vọng là gạch nối giữa sáng kiến Bridgetown và các sự kiện quốc tế quan trọng trong năm 2023 như Hội nghị Thượng đỉnh G20 tại Ấn Độ, Thượng đỉnh Liên hợp quốc về các mục tiêu phát triển bền vững tại New York hay COP28 tại Dubai.

Hội nghị có sự tham gia của khoảng hơn 100 Lãnh đạo các quốc gia và các tổ chức quốc tế, cùng đông đảo đại diện của khu vực tư nhân, doanh nghiệp. Hội nghị được tổ chức trong bối cảnh thế giới đang đứng trước nhiều cuộc khủng hoảng chưa từng có như biến đổi khí hậu và đa dạng sinh học cùng các tác động của đại dịch Covid-19, xung đột và gia tăng bất bình đẳng.

Hệ quả trước hết là các nguồn chi ngân sách của các quốc gia kiệt quệ, nợ công tăng vọt, khiến việc đạt các mục tiêu phát triển bền vững cũng như các cam kết Montréal và Côn Minh về biến đổi khí hậu ngày càng khó khăn.

Do đó, để có nguồn lực cùng ứng phó với những thách thức trên gồm cả biến đối khí hậu, suy giảm đa dạng sinh học, nghèo đói hay sức khỏe toàn cầu, và đầu tư cho tương lai thì các quốc gia cần xây dựng một hiệp ước tài chính toàn cầu mới.

Cộng đồng quốc tế cần chia sẻ một tầm nhìn chung nhằm cải tổ hệ thống tài chính đa phương và xác định ra các phương thức mới để cùng tiến tới đạt mục tiêu tăng trưởng bền vững và chuyển dần sang nền kinh tế không các-bon.

Là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng lớn từ thiên tai và biến đổi khí hậu, Việt Nam xác định tăng trưởng xanh là một chiến lược quan trọng nhằm hướng đến phát triển bền vững.

Trong nhiều năm qua, Đảng và Nhà nước luôn dành sự quan tâm đặc biệt và các nguồn lực tài chính cho tăng trưởng xanh. Chủ trương nhất quán và xuyên suốt của Việt Nam là quyết tâm ứng phó với biến đổi khí hậu và xây dựng nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn và thân thiện với môi trường.

Điều này thể hiện qua cam kết mạnh mẽ của Chính phủ về phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 (Net Zero) tại Hội nghị COP26, và quyết định tham gia Thỏa thuận Đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP) với một số nước G7 và đối tác quốc tế khác.

Những cam kết này sẽ phục vụ phát triển kinh tế - xã hội trong nước, đồng thời cũng đóng góp cùng cộng đồng quốc tế ứng phó với biến đổi khí hậu. Việt Nam tham gia Hội nghị Hội nghị thượng đỉnh Hiệp ước tài chính toàn cầu mới tại Paris là tiếp tục sự cam kết mạnh mẽ, nhất quán của Việt Nam trong ứng phó biến đổi khí hậu, thể hiện trách nhiệm của Việt Nam chung tay với cộng đồng quốc tế giải quyết các thách thức toàn cầu.

Đoàn Việt Nam sẽ do Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà dẫn đầu tham Hội nghị với mục tiêu gì và sẽ có đóng góp như thế nào tại Hội nghị?

Tăng trưởng xanh là một nội dung quan trọng trong chính sách phát triển bền vững của Việt Nam nhằm đảm bảo phát triển kinh tế nhanh, hiệu quả và bền vững và góp phần quan trọng thực hiện Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu.

Ngày 01/10/2021, Chính phủ Việt Nam đã ban hành Quyết định số 1658/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2050 với mục tiêu tăng trưởng xanh góp phần thúc đẩy cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, đạt được thịnh vượng về kinh tế, bền vững về môi trường và công bằng về xã hội; hướng tới nền kinh tế xanh, trung hòa cacbon và đóng góp vào mục tiêu hạn chế sự gia tăng nhiệt độ toàn cầu.

Là một nền kinh tế mới nổi đang phát triển nhanh chóng và với Chương trình JETP, Việt Nam sẽ chứng minh rằng tăng trưởng kinh tế không song hành với tiêu thụ năng lượng nhiên liệu hóa thạch. JETP Việt Nam được xây dựng dựa trên Quan hệ đối tác Cơ sở hạ tầng và Đầu tư Toàn cầu (PGII) của nhóm các quốc gia G7 do Vương quốc Anh khởi xướng, nhằm mục đích thu hẹp khoảng cách đầu tư cơ sở hạ tầng ở các nước đang phát triển.

Tiếp theo các cam kết của Việt Nam tại COP21 Paris, COP26 Glasgow và thiết lập Quan hệ đối tác về chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP) với một số nước G7 và một số đối tác năm 2022, việc Việt Nam tham gia Hội nghị thượng đỉnh Hiệp ước tài chính toàn cầu mới là bước đi cụ thể để huy động nguồn lực tài chính và công nghệ nhằm góp phần thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước Việt Nam về xây dựng nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn; hỗ trợ Việt Nam thực hiện các cam kết đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 với sự hỗ trợ của quốc tế.

Theo đó, chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng xanh hóa các ngành kinh tế, áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn thông qua khai thác và sử dụng tiết kiệm, hiệu quả tài nguyên thiên nhiên và năng lượng dựa trên nền tảng khoa học và công nghệ, ứng dụng công nghệ số và chuyển đổi số, phát triển kết cấu hạ tầng bền vững để nâng cao chất lượng tăng trưởng, phát huy lợi thế cạnh tranh và giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường.

Từng là nơi diễn ra Hội nghị lần thứ 21 Công ước khung của LHQ về biến đổi khí hậu (COP21) dẫn đến Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu lịch sử, nay Pháp lại đăng cai Hội nghị thượng đỉnh Hiệp ước tài chính toàn cầu mới nhằm xây dựng sự đồng thuận mới cho một hệ thống tài chính quốc tế toàn diện hơn chống lại sự bất bình đẳng trong quá trình chống biến đổi khí hậu. Đại sứ đánh giá như thế nào về nỗ lực ngoại giao khí hậu của Pháp?

Pháp coi môi trường, đặc biệt là khí hậu và đa dạng sinh học là những ưu tiên lớn của ngoại giao nước này và tích cực tham gia vào nỗ lực chung của cộng đồng quốc tế nhằm ứng phó với các vấn đề về môi trường và khí hậu.

Việc dự báo sớm và triển khai thành công các mô hình tăng trưởng chống chịu, bao trùm và bền vững trở thành mục tiêu quốc gia của Pháp. Tiếp theo Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu năm 2015, Pháp tiếp tục thể hiện nỗ lực của mình qua cam kết tại năm Chủ tịch G7 2019 và qua giải pháp ứng phó với đại dịch Covid năm 2020.

Năm 2021, Pháp tăng gấp đôi ngân sách dành cho việc triển khai mô hình phát triển đoàn kết và chống bất bình đẳng, một bước khẳng định chính sách phát triển là một trụ cột trong chính sách đối ngoại của Pháp và lần đầu tiên có luật ngân sách cho chính sách phát triển.

Pháp hiện là nước cho vay lớn thứ 5 dành cho các dự án phát triển, đưa tổng giá trị viện trợ phát triển (ODA) lên 0,55% GNP năm 2022 (so với 0,44% trước đó) và đặt mục tiêu đạt 0,7% GNP năm 2025.

Vấn đề khí hậu, môi trường đã thành lĩnh vực xuyên suốt trong các nỗ lực của Pháp hỗ trợ các nước kém phát triển, để tiến tới các mô hình phát triển có khả năng chống chịu hơn, bao trùm hơn và bền vững hơn. Hỗ trợ phát triển của Pháp cũng tập trung vào các quỹ đa phương để triển khai các dự án bảo vệ khí hậu, y tế, giáo dục và bình đẳng giới.

Pháp đánh giá cao cam kết và chính sách của Việt Nam trong lĩnh vực khí hậu, môi trường và coi trọng vai trò đối tác của Việt Nam trong chính sách ngoại giao khí hậu cũng như hỗ trợ phát triển về khí hậu, môi trường.

Quỹ Phát triển Pháp AFD cũng đang đi tiên phong triển khai chính sách này của Pháp tại Việt Nam, đã và đang dành cho Việt Nam những khoản tài trợ quan trọng các dự án liên quan.

Việt Nam và các quốc gia đang phát triển dễ bị tổn thương mong muốn một hệ thống tài chính toàn cầu như thế nào để giải quyết hậu quả của biến đổi khí hậu và vượt qua những thách thức kinh tế đang phải đối mặt?

Việt Nam mong muốn quá trình chuyển đổi năng lượng cần công bằng, theo đó, mỗi quốc gia cần quan tâm đầy đủ đến quyền lợi của mọi người dân và không để ai bị bỏ lại phía sau.

Các quốc gia phát thải nhiều khí nhà kính trong quá khứ cần thực hiện trách nhiệm lịch sử của mình và hỗ trợ các nước đang phát triển về tài chính, công nghệ và nâng cao năng lực, chuyển đổi năng lượng. Song song với đó, các nước đang phát triển cần có lộ trình chuyển đổi phù hợp và tính đến điều kiện và hoàn cảnh của từng quốc gia.

Việt Nam hướng đến chuyển dịch cơ cấu ngành năng lượng theo hướng ưu tiên, tận dụng nguồn năng lượng tái tạo, năng lượng sạch để hướng đến việc giảm tối đa tình trạng khai thác và sử dụng nhiên liệu hóa thạch. 

Trong lĩnh vực nông nghiệp, Việt Nam hướng đến phát triển nông nghiệp theo hướng nông nghiệp sinh thái, hữu cơ, áp dụng các quy trình sản xuất thân thiện môi trường và an toàn với sức khỏe con người, hướng đến nông nghiệp công nghệ cao.

Chính sách tài chính cần hướng đến việc tìm kiếm và huy động các nguồn vốn cho đầu tư cho tăng trưởng xanh, góp phần vào quá trình tái cấu trúc nền kinh tế theo hướng bền vững.

Ngay sau COP26, trong chuyến thăm Pháp và trao đổi với các đối tác, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã nhấn mạnh về tài chính xanh như là một thành tố quan trọng để đảm bảo thành công cho ứng phó với biến đối khí hậu.

Ngoài nội dung xây dựng các mô hình tài chính mới, theo đó nhấn mạnh việc tập hợp các đối tác tài chính trong một khuôn khổ chung nhằm triển khai các mục tiêu quốc gia, Việt Nam cũng mong đợi sẽ tìm kiếm được các công cụ tài chính mới và cách thức tài trợ mới, cải tiến hơn, nhằm đáp ứng được nhu cầu đối phó với các thách thức.

Việt Nam cho rằng để tránh việc phân tán nguồn lực hoặc mỗi quốc gia chạy theo một hướng phát triển khác nhau, cũng cần đánh giá lại vai trò của các ngân hàng phát triển đa phương, thay đổi cách tiếp cận của quan hệ đối tác giữa các ngân hàng phát triển với các quốc gia

Theo đó, phải ưu tiên hài hòa bảo vệ môi trường với các mục tiêu phát triển, chuyển đổi quy mô hợp tác thông qua huy động tất cả các công cụ và đối tác, và khuyến khích các ngân hàng tăng cường phối kết hợp trong triển khai nhiệm vụ.

Theo Bộ Ngoại giao