1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Việt-Mỹ nối lại chương trình nhận con nuôi

(Dân trí) - Chương trình nhận con nuôi giữa Việt Nam và Hoa Kỳ đã được nối lại, bắt đầu từ ngày 16/9/2014 sau 6 năm gián đoạn.


Trao đổi với báo chí tại buổi họp báo chiều 16/9, bà Tiffany Murphy, Trưởng phòng lãnh sự, Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Hà Nội cho biết, trong sáng 16/9, Bộ Tư pháp Việt Nam đã chính thức trao giấy phép cho đại diện của tổ chức Dillon International và Holt International Children’s Services. Đây là hai tổ chức đã được chọn để tiến hành chương trình con nuôi nước ngoài đối với trẻ em có nhu cầu đặc biệt, trẻ từ 5 tuổi trở lên và nhóm trẻ là anh chị em ruột (gọi tắt là Chương trình Con nuôi Đặc biệt).

Việt-Mỹ nối lại chương trình nhận con nuôi

Bà Tiffany Murphy, Trưởng phòng lãnh sự, Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Hà Nội thông báo về việc nối lại chương trình con nuôi Việt-Mỹ

Nhóm trẻ có nhu cầu đặc biệt này được liệt vào “danh sách 2”, và có nhu cầu đăc biệt cần được chăm sóc cả về tinh thần và thể chất, ít có cơ hội được nhận làm con nuôi trong nước. Vì vậy, trước tiên, Hoa Kỳ tiến hành giải quyết con nuôi theo đối tượng “danh sách 2”, sau đó sẽ quyết định xem liệu có mở rộng với các nhóm khác hay không.

Theo phân loại của Việt Nam, “danh sách 1” là những trẻ em khỏe mạnh và cũng có nhu cầu được nhận làm con nuôi. Quy trình xem xét giải quyết cho hai nhóm này khác nhau.

“Bộ Tư pháp kiểm soát toàn bộ danh sách, ghép trẻ với danh sách bố mẹ nuôi, điều này cũng được thực hiện ở nhiều nước trên thế giới. Chúng tôi tin Việt Nam có thể giải quyết chuyện cho nhận con nuôi một cách minh bạch, đạo đức và nhân văn nhất,” bà nói.

Việc nhận con nuôi đang có xu hướng giảm

Bà cho rằng xu hướng nhận con nuôi trong nước ở Việt Nam đã gia tăng đáng kể, và có ít cháu bé được nhận làm con nuôi ở nước ngoài hơn.“Đây cũng là xu hướng mang tính toàn cầu khi các nước cải thiện hệ thống phúc lợi trẻ em để đáp ứng tiêu chuẩn của Công ước La Hay nhằm tìm gia đình nhận nuôi các bé trong nước trước khi tìm gia đình từ nước ngoài,” bà cho hay.

Bà Tiffany Murphy trao đổi với báo giới tại buổi họp sáng 16/9

Bà Tiffany Murphy trao đổi với báo giới tại buổi họp sáng 16/9

Trước câu hỏi về Hoa Kỳ sẽ có biện pháp gì để ngăn ngừa các hoạt động trái phép trong việc cho nhận con nuôi, bà Tiffany Murphy cho biết, đã từng có lo ngại từ hai phía Việt Nam và Hoa Kỳ. Tuy nhiên, sau đó Việt Nam đã có một số bước tiến trong lĩnh vực này, trong đó có việc gia nhập Công ước La Hay từ năm 2012. Hơn nữa, chương trình con nuôi đặc biệt giữa Việt Nam-Hoa Kỳ là kết quả đàm phán kỹ lưỡng và chặt chẽ giữa hai bên.

Bà cũng cho biết thêm, Mỹ sẽ triển khai nhiều biện pháp để đảm bảo quy trình chặt chẽ về con nuôi. Các trẻ em được nhận làm con nuôi tại Mỹ sẽ nhận được visa di cư sang Mỹ. Ngay khi trẻ nhập cảnh vào Mỹ sẽ trở thành công dân Mỹ và được hưởng mọi quyền lợi của một công dân Mỹ.

Ngoài ra, cha mẹ cũng như trẻ sẽ nhận được sự hỗ trợ về tâm lý và xã hội từ tổ chức con nuôi.Quy trình cấp phép tại Mỹ cho các tổ chức con nuôi rất chặt chẽ theo tiêu chuẩn của Công ước La Hay. Các cha mẹ nuôi khi có nguyện vọng nhận con nuôi phải trải qua quá trình điều tra xã hội nghiêm ngặt để xác định xem họ có được nhận con nuôi hay không.Trước khi họ muốn nộp đơn xin nhận con nuôi phải trải qua từ 20-30 tiếng được tư vấn và đào tạo về các quy định trong việc nhận con nuôi.

Bà cũng hy vọng trong thời gian tới sẽ có thêm một tổ chức con nuôi của Hoa Kỳ nữa được cấp phép hoạt động tại Việt Nam.

Trước đó, việc cho nhận con nuôi nước ngoài giữa Hoa Kỳ và Việt Nam đã tạm dừng năm 2008. Sau 2 năm chương trình không tiếp tục gia hạn.

Theo thống kê, năm 2013, Việt Nam đã giải quyết 334 trường hợp cho trẻ em làm con nuôi ở nước ngoài, trong đó có 200 trẻ đặc biệt, giảm so với con số 298 cháu của năm 2012 và 602 cháu của năm 2011.

Ở Mỹ cũng cho thấy xu hướng giảm đều qua các năm trẻ làm con nuôi quốc tế đến nước này. Nếu như 2009 có 12.744 trường hợp trẻ thì đến 2013 con số là 7.092.


Nam Hằng