Tổng thư ký NATO: Viện trợ cho Ukraine không phải từ thiện
(Dân trí) - Tổng thư ký NATO cảnh báo sự chậm trễ trong việc cung cấp viện trợ quân sự của phương Tây cho Ukraine đã gây ra "hậu quả".
"Sự hỗ trợ của NATO không phải là từ thiện, đó là một khoản đầu tư vào an ninh của chính chúng ta", Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cho biết trong cuộc phỏng vấn với hãng tin MSNBC hôm 21/4.
Ông Stoltenberg cũng cho rằng sự chậm trễ trong việc cung cấp viện trợ quân sự của Mỹ và NATO cho Ukraine đã gây ra "hậu quả".
"Vẫn chưa quá muộn nhưng tất nhiên sự chậm trễ đã gây ra hậu quả thực sự. Nga có nhiều đạn dược hơn", ông Stoltenberg nói khi bình luận về gói viện trợ mới cho Ukraine được Hạ viện Mỹ thông qua.
"Chúng tôi nhận thấy rằng ít tên lửa và máy bay không người lái của Nga bị bắn hạ chỉ vì họ (Ukraine) thiếu hệ thống phòng không cũng như đạn dược cho các hệ thống phòng không. Nhưng vẫn chưa quá muộn vì Ukraine đã thể hiện năng lực đáng kể trong việc bảo vệ đất nước của họ", ông Stoltenberg nói thêm.
Tổng thư ký NATO tuyên bố NATO không có kế hoạch gửi các đơn vị chiến đấu tới Ukraine, mặc dù một số đồng minh của liên minh này có cố vấn quân sự ở đó.
"Không có kế hoạch cho bất kỳ sự hiện diện chiến đấu nào của NATO ở Ukraine, nhưng tất nhiên một số đồng minh của NATO có những người mặc đồng phục tại đại sứ quán của họ để làm công việc cố vấn", ông Stoltenberg nhấn mạnh.
Theo ông, cần phân biệt giữa sự hiện diện của các cố vấn quân sự phương Tây với các lực lượng chiến đấu tại Ukraine.
"Chúng tôi không có kế hoạch hiện diện chiến đấu. Những gì chúng tôi làm ở Ukraine là chúng tôi giúp họ tự vệ", tổng thư ký NATO tuyên bố.
Ông Stoltenberg nhiều lần khẳng định NATO không có kế hoạch gửi quân tới Ukraine và NATO cũng như các đồng minh của NATO không phải là bên tham gia cuộc xung đột tại Ukraine.
Ông Stoltenberg cảnh báo ngay cả khi các nước thành viên NATO quyết định gửi quân đến khu vực xung đột, toàn bộ khối NATO sẽ bị ảnh hưởng vì các thành viên của NATO bị ràng buộc bởi một hiệp ước phòng thủ tập thể.
Trước đó, Tổng thống Macron cho biết hiện không có sự đồng thuận ở giai đoạn này về việc gửi quân đến chiến trường Ukraine, nhưng cũng không thể loại trừ kịch bản này.
Nhiều thành viên NATO đã bác bỏ tuyên bố của Tổng thống Macron, trong đó phần lớn các nước cam kết không can dự vào Ukraine, thay vào đó đề nghị khối nên tập trung hỗ trợ quân sự và tài chính cho Kiev.
Moscow đã cảnh báo rằng sự hiện diện của quân đội NATO ở Ukraine có thể sẽ khiến cuộc đối đầu trực tiếp giữa Nga và khối do Mỹ đứng đầu là không thể tránh khỏi. Nga coi cuộc xung đột Ukraine là một cuộc chiến ủy nhiệm chống lại nước này và nhiều lần cảnh báo các thành viên NATO đang kéo dài cuộc xung đột bằng cách hỗ trợ Kiev.
Hạ viện Mỹ ngày 20/4 đã thông qua viện trợ gần 61 tỷ USD cho Ukraine sau nhiều tháng bế tắc. Thượng viện Mỹ tuyên bố sẵn sàng bỏ phiếu thông qua dự luật vào đầu tuần tới để trình Tổng thống Joe Biden ký thành luật.
Vì vấp phải sự phản đối của một số thành viên đảng Cộng hòa trong Hạ viện nên chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden đã không gửi viện trợ nào cho Kiev kể từ tháng 12 năm ngoái. Trong 4 tháng qua, Nga đã tranh thủ tấn công vào thời điểm nguồn đạn dược và trang thiết bị của Ukraine dần cạn kiệt.
Gói viện trợ mới, sau khi thông qua, được kỳ vọng sẽ giúp tăng cường đáng kể nguồn lực quân sự của Ukraine.