1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Vì sao Trung Quốc xây căn cứ tàu sân bay hướng ra Biển Đông?

Chuyên gia Trung Quốc chỉ ra ba lý do khiến nước này xây dựng căn cứ tàu sân bay lớn nhất ở Hải Nam.

Hồi cuối tháng 7, tạp chí quốc phòng Kanwa có trụ sở ở Canada đăng tải thông tin cho hay Trung Quốc đã xây xong căn cứ tàu sân bay thứ hai và là căn cứ hải quân lớn nhất dành cho tàu sân bay của nước này trên đảo Hải Nam.

Trước đó, Trung Quốc mới chỉ có một căn cứ dành cho tàu sân bay Liêu Ninh ở thành phố Đại Liên, tỉnh Liêu Ninh thuộc miền bắc nước này. Kanwa cho biết căn cứ thứ hai có quy mô lớn hơn rất nhiều được xây dựng ở Sanya, phía nam đảo Hải Nam, hướng thẳng ra phía Biển Đông.

 - 1

Căn cứ tàu sân bay mới của Trung Quốc được xây dựng ở phía nam đảo Hải Nam

Theo tạp chí quốc phòng này, căn cứ tàu sân bay ở Sanya có một cầu tàu lớn đến mức có thể chứa được hai tàu sân bay cùng một lúc. Hiện Trung Quốc mới chỉ sở hữu một tàu sân bay duy nhất được cải hoán từ tàu cũ của Ukraine, và được cho là đang đóng mới một tàu sân bay khác.

Thông tin này được báo chí Trung Quốc kiểm chứng vào hồi tháng Ba vừa rồi, khi nhiều tờ báo của nước này trích dẫn các nguồn tin hải quân xác nhận Trung Quốc đang đóng tàu sân bay thứ hai và là tàu sân bay đầu tiên được chế tạo trong nước. Theo Kanwa, nhiều khả năng tàu sân bay thứ hai này sẽ được điều đến đóng quân tại Hải Nam.

Căn cứ tàu sân bay mới trên đảo Hải Nam có cầu tàu dài tới 700 mét, rộng 120 mét, và là âu tàu lớn nhất thế giới hiện nay. Kanwa cho hay căn cứ này được khởi công xây dựng vào năm 2011 và được hoàn tất vào năm 2015, mặc dù việc mở rộng căn cứ vẫn sẽ được tiếp tục trong thời gian tới.

Căn cứ này cũng nằm rất gần căn cứ tàu ngầm Ngọc Lâm trên đảo Hải Nam hiện nay, và nếu hai tổ hợp này được kết nối với nhau, nó sẽ trở thành căn cứ đa nhiệm lớn nhất của hải quân Trung Quốc nằm ngay cạnh Biển Đông.

 - 2

Căn cứ tàu sân bay mới có cầu tàu dài tới 700 mét

Ngày 4.8, tờ Nhân dân Nhật báo, cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Trung Quốc, đã cho đăng một bài phân tích chuyên sâu về căn cứ tàu sân bay mới của nước này. Tờ báo này đã dẫn lời chuyên gia phân tích Ma Yao thuộc Đại học Nghiên cứu Quốc tế Thượng Hải để lý giải lý do vì sao Trung Quốc xây căn cứ tàu sân bay ở Hải Nam.

Ông Ma cho rằng trước hết đảo Hải Nam là một địa điểm chiến lược, vô cùng lý tưởng cho hải quân Trung Quốc xây dựng căn cứ hải quân. Ông này cho rằng đảo Hải Nam nằm gần 3 eo biển quan trọng chiến lược là eo Malacca, eo Lombok và eo Sunda, những nơi có lưu lượng tàu bè qua lại rất nhộn nhịp.

Theo lý luận của ông Ma, trong trường hợp Mỹ và Nhật bắt tay phong tỏa “chuỗi đảo thứ nhất” (nối Okinawa – Đài Loan – Philippines), tàu bè của Trung Quốc vẫn có thể thoát ra Ấn Độ Dương và nam Thái Bình Dương thông qua Biển Đông.

Bởi vậy, ông này cho rằng việc khống chế được Biển Đông sẽ cho phép Trung Quốc bảo vệ được điểm yếu của mình là các kênh vận chuyển dầu mỏ nhập khẩu. Theo đó, một căn cứ ở đảo Hải Nam sẽ tạo điều kiện cho Trung Quốc tập trung lực lượng hải quân vào một địa điểm quan trọng chiến lược, nơi lực lượng quân sự của Mỹ khá yếu và mỏng.

 - 3

Tàu sân bay Liêu Ninh của Trung Quốc neo đậu tại cảng

Thứ hai, ông Ma cho rằng Hải Nam hiện là nơi có hàng loạt căn cứ quân sự của Trung Quốc, có thể bảo vệ tốt nhất cho căn cứ tàu sân bay. Đặc biệt, ông này chỉ ra rằng trên đảo Hải Nam, quân đội Trung Quốc đã có các phi đội chiến đấu có J-11B có thể ngăn chặn máy bay trinh sá P-8A của Mỹ hoạt động ở Biển Đông.

Chuyên gia này viết về chiến đấu cơ J-11B với giọng điệu đầy tự hào: “Khả năng phản ứng nhanh chóng, xâm nhập sâu cùng với kỹ năng của phi công và công nghệ ưu việt của Trung Quốc có thể khiến người ta phải há miệng thán phục”. Ông Ma tự tin rằng J-11B hoàn toàn có thể bảo vệ được cho các tàu sân bay của Trung Quốc.

Ngoài ra, trên đảo Hải Nam còn có căn cứ tàu ngầm Ngọc Lâm, nơi có tàu ngầm hạt nhân lớp Thương Type-093, thành phần không thể thiếu trong cụm tàu sân bay chiến đấu mà Trung Quốc có thể thành lập trong tương lai.

 - 4

Chiến đấu cơ J-11B của Trung Quốc

Lý do thứ ba được ông Ma chỉ ra là đảo Hải Nam với vùng nước sâu và vành đai lớn sẽ là một địa điểm lý tưởng cho lực lượng hạt nhân của Trung Quốc. Các tàu ngầm hạt nhân của nước này phải được bảo vệ trước các vũ khí săn ngầm của đối phương, và địa hình ở đảo Hải Nam là một nơi bảo vệ tốt nhất.

Bởi vậy, ông Ma cho rằng việc bố trí một tàu sân bay cạnh lực lượng tàu ngầm hạt nhân chiến lược của Trung Quốc để tăng cường thêm một lớp bảo vệ trước các vũ khí săn ngầm sẽ là phương án rất hợp lý.

Theo Trí Dũng/Diplomat

Dân Việt

Vì sao Trung Quốc xây căn cứ tàu sân bay hướng ra Biển Đông? - 5

 

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm