Vì sao Trung Quốc ồ ạt gom tài sản Úc?
Các nhà đầu tư Trung Quốc đang tích cực thu mua tài sản ở Úc, từ nhà cửa, bến cảng cho đến đất nông nghiệp.
Đáng chú ý, vốn đầu tư của Trung Quốc đổ vào lĩnh vực nông nghiệp Úc tăng từ 300 triệu USD lên hơn 1 tỉ USD chỉ trong một năm qua. Một phần nguyên nhân là các nhà đầu tư Trung Quốc xem Úc là mảnh đất màu mỡ để sản xuất nông sản, sau đó bán lại cho người dân đại lục.
Tầng lớp trung lưu đang bùng nổ ở Trung Quốc rất tin tưởng những sản phẩm "xuất xứ từ Úc" và có nhu cầu lớn về trái cây, thịt, rượu, sữa và khoáng chất đến từ đất nước xa xôi này.
Giới nhà giàu Trung Quốc còn gây xáo trộn thị trường bất động sản Úc. Theo CoreLogic - nhà cung cấp dữ liệu, thông tin, phân tích và dịch vụ tại Úc, giá nhà ở TP Sydney đã tăng 98% kể từ sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 và tỉ lệ này ở TP Melbourne là 84%. Trang web bất động sản quốc tế Juwai.com cho hay năm 2016 là năm Trung Quốc đầu tư mạnh nhất vào bất động sản dân cư tại Úc.
Theo báo cáo gần đây của Ngân hàng Credit Suisse (Thụy Sĩ), người nước ngoài - 87% trong đó là người Trung Quốc - đã mua 1/4 nguồn cung bất động sản mới tại bang New South Wales.
Tuy nhiên, không phải ai cũng vui vẻ trước xu hướng này bởi giới chức trách của cả 2 nước đang tìm cách làm chậm lại dòng tiền Trung Quốc đổ vào tài sản Úc. Gần đây, chính phủ Úc đã giảm ưu đãi cho người mua nước ngoài trong khi bang New South Wales tăng thuế giao dịch bất động sản đối với đối tượng này lên mức 8% giá mua. Chính phủ Trung Quốc cũng thực hiện một số biện pháp hạn chế dòng tiền chảy khỏi đại lục.
Kết quả là trong năm 2017, trang Juwai chứng kiến giá mua trung bình một bất động sản tại Úc của người Trung Quốc khoảng 350.000 USD, thấp hơn khoảng 40.000 USD so với năm ngoái. Dù vậy, Credit Suisse nhận định nhu cầu vẫn còn cao và không có xu hướng giảm.
Một trong những nguyên nhân chính là người giàu ở Trung Quốc không ngừng gia tăng. Năm 2011, tổng tài sản của tất cả triệu phú Trung Quốc gần bằng tổng giá trị nhà ở tại Úc nhưng hiện nay, nhà giàu Trung Quốc có tài sản nhiều gấp đôi tổng giá trị nhà ở tại Úc.
Không chỉ dè chừng nguồn vốn Trung Quốc đổ vào Úc, Canberra cũng cân nhắc trước việc tham gia sáng kiến "Vành đai và Con đường" (BRI) do Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình khởi xướng. Dù đến nay đã có 68 nước gia nhập BRI song theo TS Michael Clarke thuộc Trường ĐH Quốc gia Úc, đang có sự chia rẽ về sáng kiến này trong nội bộ chính phủ Úc.
"Các cơ quan an ninh lo ngại trong khi các Bộ Thương mại và Nông nghiệp xem BRI là một cơ hội kinh tế lớn cho Úc" - ông Clarke nói. Đài ABC tiết lộ chính Bộ Quốc phòng và Bộ Nhập cư khuyên Thủ tướng Malcolm Turnbull không tham gia BRI hồi đầu năm nay.
TS Clarke cho hay các chính trị gia Úc băn khoăn giữa những cam kết với Mỹ và Trung Quốc. Ông cho biết: "Úc vừa muốn có quan hệ kinh tế sâu rộng với Trung Quốc vừa muốn duy trì cam kết với Mỹ cũng như trật tự khu vực hiện nay. Vấn đề là BRI sẽ vẽ lại địa chính trị khu vực nên sớm muộn gì Úc cũng phải tự quyết định".
Theo Xuân Mai
Người Lao Động