1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Vì sao Trung Quốc nên cho điều tra Covid-19 tại phòng thí nghiệm Vũ Hán?

Thành Đạt

(Dân trí) - Quyết định gần đây của Tổng thống Mỹ Joe Biden về việc cho phép các cơ quan tình báo điều tra nguồn gốc Covid-19 ở Trung Quốc đã mở ra một "mặt trận" mới trong cuộc chiến giữa Washington và Bắc Kinh.

Vì sao Trung Quốc nên cho điều tra Covid-19 tại phòng thí nghiệm Vũ Hán? - 1

Viện virus học Vũ Hán ở Trung Quốc (Ảnh: AFP).

Trong tuyên bố ngày 26/5, Tổng thống Joe Biden đã ra lệnh cho các cơ quan tình báo Mỹ tiến hành điều tra để xác định liệu virus gây đại dịch Covid-19 lây lan từ động vật sang người hay đó là kết quả của một vụ tai nạn trong phòng thí nghiệm, sau đó báo cáo lại cho ông trong vòng 90 ngày.

Kể từ đó, các chính trị gia và các phương tiện truyền thông tại Mỹ đồng loạt thúc đẩy giả thuyết rằng, Trung Quốc đang che giấu thông tin liên quan đến nguồn gốc của đại dịch Covid-19, đặc biệt là thông tin liên quan đến Viện Virus học Vũ Hán - cơ sở chuyên nghiên cứu về virus corona và nằm ở thành phố ghi nhận ca mắc Covid-19 đầu tiên trên thế giới.

Bắc Kinh đã phản ứng dữ dội, cáo buộc Washington chính trị hóa đại dịch để "bêu xấu" Trung Quốc và hối thúc một cuộc điều tra quốc tế về các cơ sở tương tự tại Mỹ, đặc biệt là phòng thí nghiệm quân sự tại Fort Detrick - nơi nghiên cứu các mầm bệnh nguy hiểm như Ebola và được cho là đã đóng cửa tạm thời vì các vấn đề liên quan tới an toàn sinh học từ năm 2019.

Theo truyền thông Mỹ, phòng thí nghiệm tại Fort Detrick, với tên gọi chính thức là Viện Nghiên cứu bệnh truyền nhiễm của Lục quân Mỹ (USAMRIID), cũng tham gia vào việc phát triển loại thuốc kháng virus Remdesivir từng được cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump ca ngợi và được sử dụng trong trường hợp điều trị khẩn cấp cho bệnh nhân Covid-19.

Tại cuộc họp báo vào tuần trước, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân không trực tiếp trả lời câu hỏi rằng, liệu có phải Bắc Kinh đã từ chối cho phép Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tiến hành điều tra thêm về nguồn gốc Covid-19 hay không.

Thay vào đó, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết 2 chuyến đi của nhóm chuyên gia WHO tới Trung Quốc để theo dõi nguồn gốc của Covid-19 trong năm nay đã đưa ra các kết luận dựa trên cơ sở khoa học. Báo cáo của nhóm chuyên gia WHO và Trung Quốc hồi tháng 3 đã kết luận rằng, giả thuyết Covid-19 rò rỉ từ phòng thí nghiệm "rất khó xảy ra".

Ông Uông Văn Bân cho rằng trọng tâm điều tra bây giờ nên chuyển sang các khu vực khác trên thế giới - những nơi thậm chí đã bùng phát dịch từ nửa cuối năm 2019, vài tháng trước khi Trung Quốc công bố ca nhiễm đầu tiên vào cuối tháng 12/2019.

Phản ứng giận dữ của Bắc Kinh đồng nghĩa với việc Trung Quốc nhiều khả năng sẽ không cho phép các cuộc điều tra quốc tế sâu hơn tại nước này. Nhưng nếu phản ứng như vậy, Trung Quốc sẽ càng khiến nhiều người tin vào giả thuyết mà Mỹ đang thúc đẩy rằng, Bắc Kinh vẫn còn điều gì đó che giấu về nguồn gốc dịch bệnh.

Phương án khả thi cho Trung Quốc

Một phương án khả thi hơn nhiều để Trung Quốc "phản đòn" Mỹ là cho phép các cuộc điều tra quốc tế sâu hơn tại phòng thí nghiệm Vũ Hán dưới sự bảo trợ của Liên Hợp Quốc, với điều kiện Mỹ cũng mở cửa các cơ sở của nước này tại Fort Detrick trong một cuộc điều tra tương tự nhằm xóa bỏ những lo ngại của Bắc Kinh.

Các quan chức truyền thông nhà nước Trung Quốc và từ lâu đã đưa ra thuyết âm mưu rằng Covid-19 có nguồn gốc bên ngoài Trung Quốc, nghi ngờ rằng nó có thể đến từ phòng thí nghiệm ở Fort Detrick, Mỹ. Trung Quốc viện dẫn việc phòng thí nghiệm này từng đóng cửa vì vi phạm an toàn và sự xuất hiện của các ca bệnh khả nghi ở một số bang của Mỹ vào năm 2019 để lý giải cho giả thuyết của mình. 

Mặc dù hầu hết các chuyên gia trước đây đều nghi ngờ giả thuyết virus rò rỉ từ phòng thí nghiệm là thuyết âm mưu ngoài lề, nhưng một cuộc điều tra do Mỹ dẫn đầu về giả thuyết này nhiều khả năng sẽ thu hút sự chú ý của cộng đồng quốc tế.

Ngày càng nhiều nhà khoa học, trong đó có chuyên gia hàng đầu về bệnh truyền nhiễm của Mỹ Anthony Fauci, công khai ủng hộ một cuộc điều tra về giả thuyết virus rò rỉ từ phòng thí nghiệm. Thậm chí, Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cũng kêu gọi điều tra thêm để loại trừ hoàn toàn giả thuyết này.

Nếu gạt vấn đề chính trị sang một bên, điều cốt yếu là thế giới phải nỗ lực phối hợp để tìm ra câu trả lời xác đáng về nguồn gốc của Covid-19, từ đó có thể chuẩn bị tốt hơn cho một đại dịch trong tương lai. Hơn nữa, đối với một đại dịch đã khiến hơn 170 triệu người nhiễm bệnh và 3,7 triệu người chết, đồng thời tàn phá nền kinh tế toàn cầu, người dân trên khắp thế giới khao khát tìm ra "thủ phạm" thực sự.

Việc Mỹ cho rằng Bắc Kinh đang từ chối các cuộc điều tra mới về nguồn gốc Covid-19 có nguy cơ làm tổn hại thêm hình ảnh và vị thế của Trung Quốc trên thế giới vào thời điểm quan hệ của Bắc Kinh với nhiều nước phương Tây trở nên xấu đi vì các cáo buộc trong hàng loạt vấn đề như Tân Cương, Đài Loan, Hong Kong...

Trong khi đó, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tuần trước dường như đã nhận ra sự sụt giảm về hình ảnh và vị thế của Trung Quốc khi kêu gọi quan chức nước này nỗ lực hơn nữa để nâng cao "tiếng nói" của Bắc Kinh trên trường quốc tế. Việc cho phép điều tra sâu rộng hơn về nguồn gốc Covid-19 tại Trung Quốc có thể giúp nước này minh bạch thông tin, giúp cải thiện hình ảnh của Trung Quốc trên thế giới.

Việc Trung Quốc cho phép tiếp cận sâu hơn phòng thí nghiệm Vũ Hán càng cho thấy những liên kết quốc tế của cơ sở này, từ đó cung cấp góc nhìn đa chiều hơn về các thông tin liên quan tới phòng thí nghiệm.

Đây là phòng thí nghiệm cấp 4 về an toàn sinh học đầu tiên của Trung Quốc, nơi nghiên cứu các mầm bệnh dễ lây nhiễm có thể gây ra các bệnh chết người như Ebola. Cơ sở này được thiết kế và xây dựng bằng công nghệ và kinh phí của Pháp. Các nhà nghiên cứu tại phòng thí nghiệm, bao gồm Shi Zhengli, nhà virus học nổi tiếng được biết đến với biệt danh "Người dơi của Trung Quốc", cũng nhận được tài trợ của Mỹ và làm việc với các nhà khoa học Mỹ để nghiên cứu liệu virus từ dơi có thể ảnh hưởng đến con người như thế nào.