1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Vì sao Trung Quốc "kín tiếng" trước bất ổn ở láng giềng Kazakhstan?

Thành Đạt

(Dân trí) - Trung Quốc dường như không có nhiều động thái khi bạo loạn nổ ra tại nước láng giềng Kazakhstan và Nga đưa quân tới quốc gia Trung Á.

Vì sao Trung Quốc kín tiếng trước bất ổn ở láng giềng Kazakhstan? - 1

Người biểu tình đốt phá các tòa nhà chính phủ tại Kazakhstan (Ảnh: Reuters).

Sau khi bạo loạn nổ ra tại Kazakhstan trong tuần này, Trung Quốc đã đưa ra tuyên bố khẳng định đây là "công việc nội bộ" của Kazakhstan. Ngoài ra, Bắc Kinh dường như không có nhiều động thái với quốc gia láng giềng.

"Trung Quốc và Kazakhstan là hai nước láng giềng thân thiện và là đối tác chiến lược toàn diện lâu dài", người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân nói với các phóng viên tại Bắc Kinh hôm 6/1.

"Những gì đã xảy ra ở Kazakhstan là vấn đề nội bộ của nước này. Chúng tôi tin rằng chính phủ của họ có thể xử lý vấn đề này một cách hợp lý", ông Uông nói, đồng thời cho biết Trung Quốc hy vọng "sự ổn định ở Kazakhstan có thể sớm được khôi phục".

Kazakhstan có chung biên giới với vùng Tân Cương của Trung Quốc. Là láng giềng hữu nghị và đối tác chiến lược toàn diện, Trung Quốc và Kazakhstan đã duy trì mối quan hệ chặt chẽ và thương mại song phương cũng phát triển mạnh mẽ trong những năm gần đây.

Kazakhstan được mệnh danh là "trung tâm năng lượng" của Trung Á và tình hình hiện tại ở Kazakhstan được cho là sẽ ảnh hưởng đến các dự án và đường ống dẫn dầu khí với Trung Quốc. Các cuộc bạo loạn ở Kazakhstan đã làm dấy lên lo ngại về việc vận chuyển dầu và khí đốt đến Trung Quốc.

Bạo loạn bùng phát tại Kazakhstan

Tuy nhiên các công ty Trung Quốc ở Kazakhstan đã thực hiện các biện pháp để đảm bảo an toàn cho nhân viên của mình. Các doanh nghiệp Trung Quốc cho biết tình trạng bất ổn sẽ không có tác động lớn vì việc vận chuyển dầu và khí đốt vẫn được đảm bảo về mặt kỹ thuật. Các công ty địa phương của Trung Quốc cũng nói rằng, họ đã được chuẩn bị sẵn sàng và chính phủ Kazakhstan cũng sẽ thực hiện các biện pháp tương ứng để đảm bảo an toàn.

Theo số liệu thống kê từ Hải quan Trung Quốc, Trung Quốc đã nhập khẩu 4,02 triệu tấn khí đốt tự nhiên từ Kazakhstan từ tháng 1 đến tháng 11/2021.

Một công ty năng lượng Trung Quốc cũng cho biết các dự án thăm dò dầu khí của họ nằm cách xa các thành phố lớn của Kazakhstan nên chưa bị ảnh hưởng ở thời điểm hiện tại, trong khi các doanh nghiệp địa phương vẫn hoạt động bình thường.

"Chúng tôi không nghĩ đến việc rút khỏi Kazakhstan, vì đây là khu vực rất quan trọng trong thị trường của chúng tôi. Phần lớn nhân viên của chúng tôi là người địa phương", công ty Trung Quốc nói với Global Times.

Theo Yang Jin, nhà nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu Nga, Đông Âu và Trung Á tại Viện Khoa học xã hội Trung Quốc, tình hình ở Kazakhstan chắc chắn sẽ có một số tác động đến việc vận chuyển dầu và khí đốt, nhưng nhìn chung các hoạt động sẽ tiếp tục diễn ra bình thường.

"Đường ống khí đốt Trung Quốc - Trung Á liên quan đến lợi ích quốc gia cốt lõi của Kazakhstan và là một trong những huyết mạch kinh tế của nước này. Do vậy, ngay cả khi có bất ổn tạm thời trong nước, nó sẽ không ảnh hưởng đến việc vận chuyển an toàn", ông Yang nói.

Phản ứng của các nước lớn

Vì sao Trung Quốc kín tiếng trước bất ổn ở láng giềng Kazakhstan? - 2

Binh lính Nga được điều động tới Kazakhstan (Ảnh: RT).

Trong bối cảnh một nửa lãnh thổ của Kazakhstan chìm trong bạo loạn, nước này đã thực hiện nhiều biện pháp để đối phó với tình hình bất ổn, bao gồm việc tìm kiếm sự hỗ trợ từ Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể (CSTO) do Nga dẫn đầu. Ngoài sự hỗ trợ của CSTO, Kazakhstan cũng có nhiều động thái cứng rắn để kiểm soát tình hình.

Các nhà phân tích nhận định, bạo loạn ở Kazakhstan ban đầu do nguyên nhân trong nước, nhưng không thể loại trừ khả năng các thế lực bên ngoài nhân cơ hội kích động gây bất ổn. Một số chuyên gia cảnh báo Mỹ có khả năng sẽ triển khai hành động, can thiệp vào Kazakhstan và khu vực Trung Á để kiềm chế Nga và Trung Quốc.

Với lãnh thổ rộng lớn và vị trí địa chính trị, Kazakhstan là một quốc gia quan trọng ở Trung Á mà cả Nga và Mỹ đều đang nỗ lực để lôi kéo về phía mình. Theo giáo sư Zhu Yongbiao tại Trung tâm Nghiên cứu Vành đai và Con đường thuộc Đại học Lan Châu, Kazakhstan đã cố gắng duy trì sự cân bằng mong manh giữa Nga và Mỹ vì lợi ích riêng của mình, nhưng điều này càng trở nên khó khăn hơn do mối quan hệ giữa hai cường quốc ngày càng xấu đi.

Chiến lược của Mỹ ở Trung Á cũng đã có sự thay đổi. Trước đây, trong thời gian đưa quân vào Afghanistan, Mỹ đã coi Trung Á là cơ sở hậu cần và trung chuyển cho quân đội của mình ở Afghanistan, và mục tiêu thực hiện cải cách dân chủ ở khu vực này không quá quan trọng. Nhưng sau khi Mỹ rút quân khỏi Afghanistan vào năm ngoái, nhiệm vụ thứ yếu trước đây nay trở thành nhiệm vụ chính. Chuyên gia Zhu nhận định Mỹ chưa bao giờ từ bỏ nỗ lực thực hiện "cải cách dân chủ" ở Trung Á.

Ông Zhu cũng cảnh báo rằng khi chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden coi trọng "ngoại giao dựa trên các giá trị và dân chủ", đồng thời nhắm tới khu vực Tân Cương của Trung Quốc để "nắn gân" Bắc Kinh, Mỹ sẽ tăng cường nỗ lực can thiệp vào khu vực để chia tách Trung Quốc với các nước Trung Á.

Lính Nga tới Kazakhstan làm nhiệm vụ gìn giữ hòa bình

Thư ký báo chí Nhà Trắng Jen Psaki đã bác bỏ những cáo buộc cho rằng Mỹ đang thúc đẩy các cuộc biểu tình ở Kazakhstan - những cáo buộc mà bà Psaki cho là do Nga lan truyền.

"Có một số tuyên bố từ phía Nga về việc Mỹ đứng sau vụ này (bạo loạn tại Kazakhstan), vì vậy hãy để tôi nhân cơ hội này khẳng định rằng, điều đó hoàn toàn sai sự thật và rõ ràng đây là một phần của chuỗi thông tin sai lệch từ phía Nga mà chúng tôi đã gặp rất nhiều trong những năm qua", bà Psaki nói trong cuộc họp báo.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price cho biết Mỹ "yêu cầu tất cả người dân Kazakhstan tôn trọng và bảo vệ các thể chế hiến pháp, nhân quyền và tự do truyền thông, bao gồm việc khôi phục dịch vụ internet".

"Chúng tôi kêu gọi tất cả các bên tìm ra một giải pháp hòa bình cho tình trạng khẩn cấp hiện nay", ông Price nói thêm.

Các lực lượng của Nga và Belarus đã đến Kazakhstan và quá trình triển khai 2.500 lính thuộc lực lượng đặc nhiệm và đổ bộ đường không của CSTO tới Kazakhstan dự kiến sẽ hoàn tất vào tối 7/1. Nga ngày 6/1 đã đưa lính nhảy dù tới Kazakhstan để hoạt động cùng lực lượng gìn giữ hòa bình của CSTO.

Nga đã tuyên bố rằng họ coi những diễn biến hiện nay là vấn đề nội bộ của Kazakhstan và tin tưởng chính phủ Kazakhstan có thể kiểm soát tình hình. Tuy nhiên, nếu các cuộc biểu tình tiếp diễn, Moscow chắc chắn sẽ không thể làm ngơ.

Nga và Kazakhstan có đường biên giới chung dài khoảng 7.000 km. Khu vực Baikonur ở Kazakhstan là nơi được Nga thuê và có sân bay vũ trụ nổi tiếng Cosmodrome. Sary Shagan, một khu vực thử nghiệm quan trọng đối với an ninh của Nga, cũng nằm ở Kazakhstan. Ngoài ra, Kazakhstan cũng tập trung một cộng đồng lớn người Nga. Do vậy, sự ổn định chính trị ở Kazakhstan có ý nghĩa quan trọng hàng đầu đối với Nga.