1. Dòng sự kiện:
  2. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt
  3. Chính quyền Trump 2.0
  4. Chiến sự Nga - Ukraine

Vì sao Trung Quốc dùng mô hình tàu sân bay Mỹ làm "bia tập bắn"?

Thành Đạt

(Dân trí) - Việc Trung Quốc xây dựng các mô hình tàu chiến Mỹ làm mục tiêu tấn công giả định được cho là nhằm gửi thông điệp cứng rắn tới Washington.

Vì sao Trung Quốc dùng mô hình tàu sân bay Mỹ làm bia tập bắn? - 1

Ảnh vệ tinh cho thấy Trung Quốc đã xây dựng các mô hình tàu hải quân Mỹ tại sa mạc phía tây (Ảnh: EPA).

Các hình ảnh vệ tinh do công ty Maxar Technologies chụp lại và công bố cho thấy quân đội Trung Quốc đã xây dựng các mục tiêu theo hình dạng của các tàu sân bay Mỹ và các tàu khu trục Mỹ tại thao trường ở sa mạc Taklamakan ở Tân Cương. Động thái này cho thấy lực lượng tên lửa của Trung Quốc đang khởi động lại các cuộc thử nghiệm tên lửa đạn đạo chống hạm.

"So với các cuộc thử nghiệm trước đây của họ và dựa trên kích thước của các mô hình tàu chiến, những hình ảnh vệ tinh cho thấy quân đội Trung Quốc lần này đã tăng cường các cuộc thử nghiệm nhằm vào các phương tiện nhỏ hơn và cơ động hơn", Lu Li-shih, cựu giảng viên tại Học viện Hải quân Đài Loan tại Cao Hùng, nhận định.

Theo chuyên gia Lu, đánh giá theo khoảng cách từ các địa điểm phóng của lực lượng tên lửa Trung Quốc ở Nội Mông và Cam Túc, phạm vi mới cho các vụ thử tên lửa là hơn 2.500 km, đồng nghĩa với việc không chỉ các tàu chiến Mỹ mà các căn cứ quân sự của Mỹ ở Yokosuka và Guam cũng bị nhắm mục tiêu.

"Trung Quốc muốn cho Mỹ thấy rằng quân đội Trung Quốc có thể tấn công chính xác tàu chiến của Mỹ trên biển và các căn cứ quân sự ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương", một nguồn tin quân sự cho biết.

Zhou Chenming, nhà nghiên cứu tại Viện khoa học và công nghệ quân sự Yuan Wang ở Bắc Kinh, cho biết các cuộc diễn tập với tàu chiến mô phỏng và tên lửa chống hạm trước đó nhằm tăng khả năng răn đe của quân đội Trung Quốc, đồng thời cảnh báo Mỹ không can thiệp vào các vấn đề an ninh khu vực bằng cách triển khai các nhóm tác chiến tàu sân bay.

Vì sao Trung Quốc dùng mô hình tàu sân bay Mỹ làm bia tập bắn? - 2

Tàu sân bay USS Ronald Reagan của Hải quân Mỹ (Ảnh: Reuters).

"Thông điệp Bắc Kinh gửi Mỹ là đừng tin rằng các nhóm tác chiến tàu sân bay là không thể đánh bại, và giờ đây, ngay cả các căn cứ hải quân của Mỹ trong khu vực cũng nằm trong tầm bao phủ của tên lửa DF-26 và các tên lửa đạn đạo tầm trung khác của quân đội Trung Quốc", chuyên gia Zhou nói.

Theo chuyên gia Zhou, Trung Quốc hy vọng "sẽ làm cho Mỹ nhận thức được hậu quả to lớn của việc can thiệp vào vấn đề như vấn đề Đài Loan. Tuy nhiên chuyên gia Lu nói rằng quân đội Trung Quốc chỉ muốn cảnh báo quân đội Mỹ, chứ không thực sự muốn tham gia vào một cuộc xung đột quân sự lớn.

Trung Quốc đã tiến hành một số vụ thử tên lửa đạn đạo chống hạm trong những năm gần đây. Vào tháng 8 năm ngoái, quân đội Trung Quốc đã phóng thử tên lửa đạn đạo DF-26B và tên lửa đạn đạo DF-21D ra Biển Đông.

Tên lửa DF-26 có tầm bắn khoảng 4.000 km và có thể sử dụng trong một cuộc tấn công hạt nhân hoặc truyền thống nhằm vào các mục tiêu trên bộ hoặc trên biển. Trong khi đó, tên lửa DF-21 có tầm bắn khoảng 1.800 km. Cả hai mẫu tên lửa này có thể tạo ra mối đe dọa với tàu sân bay, nên chúng được coi là "sát thủ tàu sân bay".

Tên lửa DF-21D là trọng tâm trong chiến lược hành động quân sự răn đe của Trung Quốc ở ngoài khơi bờ biển phía đông nước này bằng cách đe dọa phá hủy các nhóm tác chiến tàu sân bay Mỹ - nguồn sức mạnh chính của Mỹ trong khu vực.

Cựu chỉ huy Bộ Tư lệnh Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của Mỹ, Đô đốc Phil Davidson, sau đó đã phát biểu trước Thượng viện rằng, hành động của Trung Quốc nhằm gửi đi một "thông điệp" tới Washington.