1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Vì sao Trung Quốc cho tàu chiến suýt đâm tàu Mỹ trên Biển Đông?

(Dân trí) - Thông tin về việc tàu hải quân Trung Quốc đã cố tình buộc tàu chiến của Mỹ phải chuyển hướng trên Biển Đông để tránh va chạm khiến giới chức Mỹ và các nhà phân tích kỳ cựu châu Á không khỏi đặt ra câu hỏi: Trung Quốc đang muốn chứng tỏ điều gì?

 
Tàu sân bay Liêu Ninh của Trung Quốc trong một cuộc tập trận trên Hoa Đông hồi tháng 11.
Tàu sân bay Liêu Ninh của Trung Quốc trong một cuộc tập trận trên Hoa Đông hồi tháng 11.

 

Giới chức hải quân Mỹ nhấn mạnh, tàu Cowpens, tàu chiến có tên lửa dẫn đường, “hoạt động hoàn toàn hợp pháp” trong vùng biển gần Biển Đông khi xảy ra vụ đối đầu với tàu của quân đội Trung Quốc. Vụ đối đầu khiến tàu Mỹ phải chuyển hướng nhằm “tránh một vụ va chạm”.

 

Vụ việc xảy ra sau khi Trung Quốc tuyên bố lập vùng nhận dạng phòng không (AIDZ) trên Hoa đông, động thái đã bị quân đội Mỹ cũng như các nước láng giềng của Trung Quốc ở Đông Á kịch liệt phản đối. Các nước này vốn đã luôn lo ngại trước thực tế Bắc Kinh đang ngày càng phô trương sức mạnh quân sự trong khu vực.

 

Trong khi xác nhận vụ suýt đụng độ trên, giới chức hải quân Mỹ cũng cho biết những vụ chạm trán kiểu như thế này với Trung Quốc xảy ra khá thường xuyên ở Thái Bình Dương và theo một sỹ quan hải quân Mỹ, thì điều quan trọng là không “quá cường điệu” vụ việc.

 

Theo giới phân tích, điều đó có nghĩa vụ chạm trán mới nhất mang một thông điệp lớn hơn. Thông điêp chủ chốt có thể là Mỹ sẽ không có khả năng tung hoành thoải mái ở vùng biển Tây Thái Bình Dương nữa.

 

“Người Trung Quốc đang muốn nói rõ rằng, nếu Mỹ muốn hoạt động trong vùng biển này, thì phải chuẩn bị hoạt động trong tình trạng căng thẳng cao”, Dean Cheng, một nhà nghiên cứu cấp cao về vấn đề chính trị và an ninh Trung Quốc tại Quỹ Di sản cho hay. “Nếu Mỹ không muốn căng thẳng, thì đơn giản là: hãy rời đi”.

 

Nhà nghiên cứu cũng cho biết thêm vụ đối đầu trên Biển Đông trên là “đe dọa có tính toán”.

 

Nếu đúng như nhà nghiên cứu Dean Cheng nói, thì sự việc sẽ đi về đâu? Nhưng rốt cuộc, phần lớn các quan chức cấp cao ở Trung Quốc muốn củng cố quan hệ song phương với Mỹ, thay vì theo đuổi những tham vọng “diều hâu”, bá quyền. Đây là thông tin trong một báo cáo gần đây của Michael Swaine, cộng tác viên cấp cao tại cơ quan nghiên cứu hòa bình quốc tế Carnegie Endowment for International Peace.

 

Trong khi đó, theo giáo sư Michael Swaine, những động thái của quân đội Trung Quốc gần đây cho thấy, “người Trung Quốc hiện đang tìm cách thiết lập sự hiện diện lớn hơn ở Tây Thái Bình Dương”.

 

“Theo cách này, họ muốn thể hiện cho các nước khác thấy họ đang ở ngoài đó, họ đang hoạt động và những người khác cần phải nhận ra điều này và tôn trọng tham vọng của họ”.

 

Tuần dương hạm Cowpen của Mỹ đang tiến hành do thám tàu sân bay đầu tiên của Trung Quốc, tàu Liêu Ninh, vào thời điểm xảy ra vụ chạm trán. Được biết, tàu Trung Quốc đang tháp tùng tàu sân bay, đã di chuyển lên trước mặt Cowpen và cố gắng làm cho tàu phải dừng đột ngột, hầu như không phải là một cuộc chuyển hướng an toàn.

 

Theo Patrick Cronin, giám đốc cấp cao của Chương trình an ninh châu Á- Thái Bình Dương tại Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế, nhận định: Điều cốt lõi là Trung Quốc tiến ra để “đảm bảo xem Mỹ có tôn trọng Trung Quốc, họ có thừa nhận tầm ảnh hưởng” của Trung Quốc. Vì lý do này, ông cho biết thêm, “thái độ của quân đội Trung Quốc ngày càng quyết đoán”.

 

Nhưng ông Swaine cho rằng điều đó không có nghĩa là quân đội Trung Quốc “quyết tâm chiếm tây Thái Bình Dương và hất cẳng Mỹ”.

 

Nhiều khả năng Trung Quốc muốn thiết lập khả năng ngăn chặn các lực lượng khác, trong đó có Nhật và Mỹ, “có thể lấn lướt trong các cuộc đối đầu có thể xảy ra liên quan đến Đài Loan và các lãnh thổ tranh chấp khác”, ông cho hay.

 

Nói cách khác, theo Swaine, Trung Quốc muốn “Mỹ và Nhật khó có thể tự tin mà dùng áp bức quân sự hoặc vũ lực để thay đổi thái độ của Trung Quốc”.

 

Vũ Quý

Theo CSM