1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Vì sao Triều Tiên liên tục 'khoe' vũ khí hạt nhân?

Những phô trương về vũ khí hạt nhân mới đây của Triều Tiên được cho là nhằm củng cố đoàn kết trong nước, bằng cách phóng đại về các mối đe dọa bên ngoài.

Theo The Diplomat, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un đã làm rất giỏi những việc thuộc sở trường của ông. Thứ Sáu tuần qua, các tiêu đề báo trên khắp thế giới đều nói về việc ông ra lệnh cho quân đội sẵn sàng sử dụng vũ khí hạt nhân bất cứ lúc nào.

Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un (đứng giữa) cùng với quân đội Triều Tiên.
Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un (đứng giữa) cùng với quân đội Triều Tiên.

Ngay sau khi Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc bỏ phiếu trừng phạt nặng nề nhất vì Bình Nhưỡng thử hạt nhân và tên lửa liên tiếp, ông Kim Jong Un nói rằng các đầu đạn hạt nhân của Triều Tiên cần trong tư thế sẵn sàng bảo vệ đất nước khỏi "đế quốc Mỹ và tay sai".

Kế đó, quân đội Triều Tiên cũng bắn một loạt hỏa tiễn tầm gần ra biển.

Bình Nhưỡng trước giờ vẫn đe dọa chiến tranh hạt nhân. Tháng 9 năm ngoái, Triều Tiên tuyên bố họ buộc phải sử dụng vũ khí hạt nhân chống lại Mỹ, nếu như Washington không nới lỏng "chính sách thù địch liều lĩnh" đối với Triều Tiên.

Các nhà phân tích quốc phòng nghi ngờ Triều Tiên thật sự có công nghệ tấn công tới Mỹ.

Khi Liên Hợp Quốc thông qua nghị quyết năm 2014, chỉ trích vấn đề nhân quyền tại Triều Tiên, họ cũng lôi quân bài hạt nhân ra theo cách tương tự.

Ở một cấp độ, những hăm dọa trên rõ ràng là một cảnh báo cộng đồng quốc tế đừng can thiệp vào chuyện của Triều Tiên. Các trừng phạt mới nhất bổ sung thêm các loại hàng hóa bị cấm xuất khẩu tới Triều Tiên, và ủy quyền thanh tra mọi hàng hóa ra vào quốc gia này.

Theo The Diplomat, những tuyên bố này cũng là thông điệp tới người dân Triều Tiên. Khi gợi lên bóng ma của kẻ thù ngoại bang, lãnh đạo Triều Tiên có thể củng cố tinh thần đoàn kết trong nước.

Hãng tin Reuters dẫn lời một người phát ngôn của Bộ Thống nhất Hàn Quốc, cơ quan phụ trách vấn đề liên Triều, cho rằng những lời đe dọa này có thể nhằm thúc đẩy nhuệ khí của Triều Tiên.

Daniel Pinkston, một giảng viên về quan hệ quốc tế và ngôn ngữ học tại Không lực Mỹ, đã nói “tôi nghĩ nó nhằm thẳng vào công chúng trong nước ở Triều Tiên”. Theo ông này, "thông điệp (Triều Tiên) gửi tới công chúng quốc tế là không đáng tin", nhưng lại rất hiệu quả ở trong nước.

Theo Lê Thu

Vietnamnet

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm