1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Vì sao Triều Tiên gấp gáp phát triển vũ khí?

Chuyên gia phương Tây nhận định, 4 năm tới, Triều Tiên có thể có khả năng tấn công Bờ Tây của nước Mỹ bằng tên lửa đạn đạo có hạt nhân, tương đương tiềm lực của Nga và Trung Quốc.

Vì sao Triều Tiên gấp gáp phát triển vũ khí? - 1

“Trong năm vừa qua, Triều Tiên đã có những bước tiến vượt bậc về công nghệ mà nhiều người nghĩ rằng, họ phải mất nhiều năm mới đạt được” – Victor Cha, cố vấn cấp cao và là chủ tọa về Triều Tiên tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), nhận định trong bàn tròn thảo luận tại CSIS mới đây.

Business Insdier dẫn lời ông Cha nói thêm rằng, Triều Tiên hiện có một xu hướng gây hấn bất thường, "thậm chí là với các tiêu chuẩn vốn dĩ rất lạ thường của họ".

Trong suốt 14 năm trước khi ông Kim Jong Un lên nắm quyền, Triều Tiên thử tên lửa 16 lần và một lần thử hạt nhân. Còn chỉ riêng trong năm 2016, họ thử tên lửa đạn đạo 25 lần, và hai lần thử hạt nhân.

Cường độ dồn dập và thường xuyên thử nghiệm vũ khí không chỉ để lộ tham vọng hạt nhân của Triều Tiên, mà còn cho thấy quốc gia này đã phát triển được một thứ gì đó mới mẻ trong kho vũ khí của họ. Đến lúc này, câu hỏi nhiều người đặt ra là: Vậy lãnh đạo Kim Jong Un thực sự muốn gì với chương trình vũ khí cấp tập như vậy.

“Ông Kim Jong Un muốn gì? Tôi nghĩ, ông ấy muốn một thỏa thuận hòa bình với Mỹ trên cương vị là một cường quốc hạt nhân. Tôi nghĩ đó là điều ông ấy muốn” – ông Cha nói.

Vì sao Triều Tiên gấp gáp phát triển vũ khí? - 2

“Tôi muốn nói thêm rằng, Triều Tiên rõ ràng muốn các liên minh giữa Mỹ với Seoul và Tokyo nới lỏng hơn, nếu không muốn nói là đổ vỡ, mà hẳn nhiên là bắt đầu với Seoul. Và chắc chắn là họ sẽ rất nỗ lực để đạt được điều đó, có thể bao gồm cả việc bước vào đàm phán” – Đại sứ Robert Gallucci, nhà đàm phán hàng đầu với Triều Tiên những năm 1990, nói.

Thêm vào đó, “ông Kim Jong Un còn muốn Trung Quốc tiếp tục đối xử với Triều Tiên như một mối quan hệ đặc biệt, chứ không phải là quan hệ giữa hai nhà nước thông thường” – nhận định của Chris Johnson, cố vấn cấp cao kiêm Chủ tịch Freeman trong lĩnh vực nghiên cứu về Trung Quốc, tại CSIS.

Các học giả tham gia thảo luận đều nhất trí một điều, chính quyền mới của Tổng thống đắc cử Donald Trump sẽ phải lo giải quyết vấn đề Triều Tiên hầu như "ngay khi nhậm chức", ngày 20/1/2017.

“Thường thì chúng tôi đánh giá nhuệ khí của các tổng thống thông qua các cuộc khủng hoảng không lường trước mà họ phải đối phó. Với Tổng thống Bush, đó là vụ khủng bố 11/9, sự kiện này thay đổi hầu hết mọi khía cạnh trong nhiệm kỳ tổng thống của ông ấy. Với Tổng thống đắc cử Trump, cuộc khủng hoảng như vậy rất có thể đến từ Triều Tiên” – ông Cha nhận định.

Theo Lê Thu

Vietnamnet