1. Dòng sự kiện:
  2. Xung đột leo thang tại Trung Đông
  3. Ukraine tấn công tỉnh Kursk
  4. Xung đột leo thang ở Trung Đông

Vì sao Triều Tiên cần Nga giúp xây vệ tinh?

Quốc Đạt

(Dân trí) - Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un hôm 13/9 đã đến thăm trung tâm phóng vũ trụ hiện đại nhất của Nga, nơi Tổng thống Vladimir Putin hứa sẽ giúp Bình Nhưỡng chế tạo vệ tinh.

Vì sao Triều Tiên cần Nga giúp xây vệ tinh? - 1

Tổng thống Vladimir Putin và nhà lãnh đạo Kim Jong-un tham quan Trung tâm Vũ trụ Vostochny tại tỉnh Amur của Nga vào ngày 13/9 (Ảnh: Sputnik).

Chuyến thăm diễn ra trong bối cảnh Triều Tiên đang tìm cách đưa vệ tinh do thám đầu tiên vào quỹ đạo, sau 2 lần thất bại trong năm nay.

Trong chuyến thăm, ông Kim đã tham quan nhà máy lắp ráp các phương tiện phóng vào vũ trụ tiên tiến của Moscow, gồm Angara và Soyuz-2, theo các hãng thông tấn Nga.

Khi được phóng viên hỏi liệu Nga có giúp nhà lãnh đạo Triều Tiên chế tạo vệ tinh hay không, ông Putin trả lời: "Đó là lý do chúng tôi đến đây. Nhà lãnh đạo Triều Tiên tỏ ra rất quan tâm đến kỹ thuật tên lửa và họ cũng đang cố gắng phát triển lĩnh vực không gian".

Tổng thống Nga đưa ra lời hứa giúp đỡ trong lúc các nhà khoa học Triều Tiên tuyên bố sẽ thử phóng tên lửa đẩy Chollima-1 mới vào tháng 10.

Vì sao việc Triều Tiên theo đuổi công nghệ vệ tinh lại gây tranh cãi và Moscow có thể giúp đỡ Bình Nhưỡng như thế nào?

Vì sao Triều Tiên muốn xây vệ tinh?

Kể từ năm 1998, Triều Tiên đã phóng 6 vệ tinh và 2 trong số đó có vẻ đã được đưa vào quỹ đạo thành công.

Năm 2015, một quan chức không gian cấp cao của Triều Tiên đã cho biết nước này muốn hợp tác với Nga về việc sử dụng không gian vũ trụ một cách "hòa bình", quan chức này nói với TASS.

Vụ phóng vệ tinh thành công gần đây nhất là vào năm 2016. Các nhà quan sát quốc tế cho biết vệ tinh này dường như đã nằm trong tầm kiểm soát của Triều Tiên, nhưng tới nay vẫn còn tranh cãi về việc liệu nó đã truyền đi được tín hiệu nào hay chưa.

Sau vụ phóng năm 2016, một quan chức cấp cao khác của cơ quan vũ trụ Triều Tiên cho biết họ có kế hoạch đưa nhiều vệ tinh tiên tiến hơn vào quỹ đạo trước khi kết thúc năm 2020 và tiến tới "cắm cờ (Triều Tiên) trên Mặt Trăng".

Vì sao Triều Tiên cần Nga giúp xây vệ tinh? - 2

Tên lửa Chollima-1 của Triều Tiên được phóng vào ngày 31/5, trong bức ảnh do hãng KCNA công bố (Ảnh: KCNA).

Trong Đại hội đảng Lao động vào tháng 1/2021, ông Kim cũng đã đề cập các mục tiêu cần làm, bao gồm việc phát triển các vệ tinh trinh sát quân sự.

Các nhà phân tích cho biết, Chollima-1 dường như là thiết kế mới và rất có thể đã dùng động cơ phun nhiên liệu lỏng hai vòi được phát triển cho tên lửa xuyên lục địa (ICBM) Hwasong-15 của Bình Nhưỡng, vốn có nguồn gốc từ các thiết kế của Liên Xô.

Hàn Quốc đã trục vớt được một số mảnh vỡ của Chollima-1 sau lần phóng thất bại và lần đầu tiên phát hiện các bộ phận của vệ tinh.

Seoul cho biết vệ tinh này có rất ít giá trị quân sự, nhưng các nhà phân tích cho rằng bất cứ vệ tinh nào có khả năng hoạt động trong không gian đều sẽ cung cấp cho Triều Tiên thông tin tình báo tốt hơn.

"Theo những gì chúng tôi được biết đến nay, năng lực chế tạo vệ tinh của Triều Tiên còn rất hạn chế", ông Brian Weeden thuộc Quỹ An ninh Thế giới, một tổ chức an ninh và chính sách không gian có trụ sở tại Mỹ, cho biết.

Vì sao vệ tinh Triều Tiên gây tranh cãi?

Mỹ và đồng minh gọi các vụ thử vệ tinh mới nhất của Triều Tiên là sự vi phạm rõ ràng các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc cấm phát triển công nghệ có thể được dùng trong các chương trình tên lửa đạn đạo của Triều Tiên.

Các nghị quyết của Liên Hợp Quốc - được thông qua nhờ hỗ trợ của Nga - cũng cấm mọi hoạt động hợp tác khoa học - kỹ thuật với Triều Tiên trong công nghệ và khoa học hạt nhân, kỹ thuật và công nghệ hàng không/hàng không vũ trụ, hoặc kỹ thuật và phương pháp sản xuất tiên tiến.

Vì sao Triều Tiên cần Nga giúp xây vệ tinh? - 3

Xác tên lửa Chollima-1 được Hàn Quốc trục vớt trong tháng 6 (Ảnh: Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Hàn Quốc).

Trong khi đó, Triều Tiên khẳng định chương trình không gian và các hoạt động quốc phòng là quyền chủ quyền của nước này.

Tại thời điểm phóng vệ tinh năm 2016, Triều Tiên vẫn chưa thử tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM). Vụ phóng vệ tinh ấy bị Mỹ và Hàn Quốc lên án là vụ thử nghiệm trá hình công nghệ tên lửa có khả năng tấn công Mỹ.

Kể từ năm 2016, Triều Tiên đã phát triển và phóng 3 loại ICBM. Hiện nay, Bình Nhưỡng có vẻ hạ quyết tâm đưa vệ tinh vào không gian. Việc này không những cung cấp thông tin tình báo tốt hơn mà còn chứng minh rằng Triều Tiên có thể theo kịp các cường quốc vũ trụ khác trong khu vực, theo các nhà phân tích.

Lee Choon Geun thuộc Viện Chính sách Khoa học và Công nghệ của Hàn Quốc cho biết, những bình luận của ông Putin trước khi gặp ông Kim tại Trung tâm vũ trụ Vostochny có thể gợi ý rằng Nga sẽ tìm cách đào tạo Triều Tiên cách chế tạo vệ tinh, thay vì chế tạo vệ tinh cho Triều Tiên.

Ông Lee cho biết, việc Nga có thể phóng vệ tinh thay Triều Tiên là ít khả năng xảy ra. Nhưng nếu Nga làm vậy, hành động đó sẽ vi phạm các hạn chế của Liên Hợp Quốc.

"Bất kỳ hình thức chuyển giao hoặc hợp tác công nghệ vệ tinh nào giữa Nga và Triều Tiên đều có thể vi phạm các biện pháp trừng phạt quốc tế", ông nói. "Không có cách khắc phục nào cả".

Theo Reuters, Japan Times

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm