1. Dòng sự kiện:
  2. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt
  3. Chính quyền Trump 2.0
  4. Chiến sự Nga - Ukraine

Vì sao Triều Tiên bỗng dưng công bố tên lửa đạn đạo?

Ngay trước đại hội Đảng Lao động vào tháng tới, Triều Tiên lần đầu công bố chi tiết chương trình phát triển vũ khí. Giới phân tích nhận định đây là điều bất thường.

Reuters cho rằng, động thái diễn ra ngay trước thềm đại hội đảng cho thấy Bình Nhưỡng đang thúc đẩy phát triển tên lửa tầm xa.

Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong UN (đứng giữa) cùng các quan chức nhà nước.
Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong UN (đứng giữa) cùng các quan chức nhà nước.

Thông tin về chương trình vũ khí của Triều Tiên cho tới gần đây hầu như không ai hay biết. Một số nước và giới phân tích chủ yếu phân tích hình ảnh vệ tinh, một vài mẫu thử nghiệm liên quan tới các vụ thử hạt nhân, và một số mảnh vỡ thu được sau những lần phóng tên lửa tầm xa.

Tháng trước, Triều Tiên bất ngờ đăng tải các bài báo với hình đồ họa màu về tầm bắn thử nghiệm, cùng với các hoạt động khác cho thấy các nỗ lực gấp rút nhằm xây dựng một tên lửa đạn đạo đạo xuyên lục địa mang vũ khí hạt nhân (ICBM).

Vì sao Triều Tiên tiết lộ chương trình vũ khí này? Nhiều nhà phân tích cho rằng, Triều Tiên muốn thuyết phục cả thế giới và người dân trong nước tin vào chương trình hạt nhân của họ. Tuy nhiên, hiện chưa ai rõ tiềm lực Triều Tiên tới đâu.

“Những bức ảnh cận cảnh hoạt động thử nghiệm trên mặt đất được công bố là điều chưa từng có tại Triều Tiên” – John Schilling, một chuyên gia về kỹ sư hàng không trong hệ thống phóng tên lửa và vệ tinh, nhận định.

Triều Tiên đã tiến hành 4 lần thử nghiệm hạt nhân trong vòng 10 năm qua, trong đó lần gần đây nhất là vào tháng 1/2016.

“Sự công khai này cho thấy chiến lược ngầm, cả về ngoại giao lẫn quân sự: Đối với Bình Nhưỡng, điều quan trọng không chỉ là họ có những tiềm lực đó, mà họ muốn chúng ta tin là họ có tiềm lực này thật” – ông Schilling nói.

Hãng thông tấn Trung ương Triều Tiên (KCNA) tuần qua đưa tin nước này thử nghiệm thành công một động cơ mới của ICBM. Từ các hình ảnh đăng tải, các chuyên gia nhận định, đây là động cơ của hai tên lửa R-27 do Liên Xô sản xuất, được gộp lại với nhau.

Tuyên bố trên cho thấy Triều Tiên không có ý định ngưng hay lui lại chương trình vũ khí, dù bị Liên Hợp Quốc trừng phạt nặng nề vào tháng trước – nhận định của Michael Elleman, một chuyên gia về tên lửa tại Học viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế.

“Những tiết lộ, tuyên bố và ‘thử nghiệm’ này có vẻ như nằm trong một chiến dịch nhằm cho thấy Bình Nhưỡng đang, hoặc sắp có loại tên lửa tầm xa, trang bị hạt nhân, có thể uy hiếp đại lục Mỹ”, ông Elleman nói.

“Nếu những tiết lộ này là thật, thì đây là một phần trong chương trình đã được cấu trúc, nhằm phát triển tiềm lực vũ khí. Câu hỏi ngỏ là: Những thử nghiệm này thật đến mức nào?”, vị chuyên gia về tên lửa phát biểu thêm.

Các chuyên gia về vũ khí quốc tế ngày càng có cảm giác rằng tiềm lực của Triều Tiên tân tiến hơn họ tưởng. Một nguồn tin từ Chính phủ Mỹ cho hay, Bình Nhưỡng có thể sở hữu loại ICBM thô sơ nhưng vẫn vận hành được ‘vào cuối thập kỷ này’.

“Đối với một quân đội thông thường, việc phát triển vũ khí luôn được bảo mật. Nhưng nhiều năm liền, Mỹ và Hàn Quốc đã coi nhẹ quân đội của Kim Jong Un, nên giờ đây ông ấy muốn mọi người cảm thấy lo sợ hết mức về những gì ông ấy định làm” – bình luận của ông Yang Moo-jin từ trường Đại học chuyên nghiên cứu về Triều Tiên (Seoul).

Nếu Triều Tiên thử nghiệm đầu đạn hạt nhân, đây sẽ là lần thử nghiệm thứ năm của quốc gia này.

Hồi tháng Ba, nhà lãnh đạo Kim Jong Un tuyên bố rằng Triều Tiên đã thu nhỏ được đầu đạn hạt nhân, để gắn lên tên lửa đạn đạo. KCNA đăng hình ảnh Kim Jong Un đứng trước một vật thể hình cầu và mô hình tên lửa KN-08.

Một số nhà phân tích cho rằng, cách thức dàn dựng vụ thử nghiệm vũ khí còn chỉ ra tình thế chính trị, chứ không phải là vấn đề thử nghiệm kỹ thuật.

Do Triều Tiên hay tuyên truyền kiểu bí hiểm, lại thường bị dư luận quốc tế cho là chỉnh sửa lại ảnh và video, nên nhiều nhà phân tích vẫn đầy hồ nghi về tuyên bố của Bình Nhưỡng.

“Tôi không tin rằng, đó là tất cả những gì mà họ muốn chúng ta tin theo” – kỹ sư không gian Markus Schiller, người theo sát chương trình phát triển tên lửa Triều Tiên nhiều năm, nhận định.

Lê Thu

Vietnamnet