1. Dòng sự kiện:
  2. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt
  3. Chính quyền Trump 2.0
  4. Chiến sự Nga - Ukraine

Vì sao tranh cử Tổng thống Mỹ gay cấn đến phút chót?

(Dân trí) -Cuộc bầu cử tổng thống thứ 45 của Mỹ ngay từ đầu đã được xác định là cam go và khó đoán, bởi nó diễn ra giữa hai đối thủ “một chín, một mười”. Đây chính là nguyên do tại sao đến tận thời điểm này, màn so kè giữa hai ứng viên chưa ngã ngũ.

Cuộc đua giữa ông Romney và tổng thống Obama đang gay cấn
Thế trận “kẻ tám lạng, người nửa cân” vẫn đang chi phối mạnh chính trường Mỹ trong cuộc bầu cử được xem là gay cấn nhất trong nhiều năm qua.


Mặc dù cả Tổng thống Barack Obama và ứng cử viên Đảng Cộng hòa Mitt Romney đều tận dụng thời gian cuối tuần để tiến hành những cuộc vận động cuối cùng ở những bang kỳ vọng sẽ mang lại chiến thắng, nhưng thế trận vẫn chưa ngã ngũ.

Theo cuộc thăm dò mới nhất được Reuters/Ipsos vừa công bố, tỷ lệ ủng hộ dành cho đương kim Tổng thống và cựu Thống đốc bang Massachussetts Mitt Romney về cơ bản vẫn ngang ngửa nhau tại 4 bang then chốt được cho là sẽ quyết định người chiến thắng trong cuộc đua vào Nhà Trắng vào tối mai theo giờ Việt Nam.

Tại bang Ohio vốn được cho là có nhiều khả năng xoay chuyển tình thế, Tổng thống Obama mới chỉ nới rộng khoảng cách dẫn điểm mong manh trước đối thủ với tỷ lệ 48%-44%. Hôm 3/11, ông Obama chỉ có lợi thế 1 điểm ở bang này trong cùng cuộc thăm dò.

Tại các bang Colorado và Florida, tỷ lệ ủng hộ dành cho hai ứng cử viên là ngang nhau, cùng lần lượt được 48% và 46%.

Ở bang Virginia, ông Obama dẫn đối thủ 1 điểm với tỷ lệ 47%-46%.

Thế trận so kè này không phải không có lý do khi ngay từ đầu người ta đã rất khó dự đoán về kết quả cuộc cuộc so găng giữa một vị tổng thống đương nhiệm được nhìn nhận là hiểu các khó khăn và gần gũi với người dân nhưng hiệu quả điều hành kinh tế không cao, với một chính khách được cho là am hiểu kinh tế thị trường nhưng lại không thật sự nổi bật của đảng Cộng hòa.

Trước khi bước vào Nhà Trắng cách đây đây 4 năm, Tổng thống Obama từng là nghị sĩ bang Illinois 3 nhiệm kỳ (1997-2004), Thượng nghị sĩ liên bang (2004-2008) và trong cuộc bầu cử năm 2008, ông giành được 365 phiếu đại cử tri, trở thành chính khách da màu đầu tiên tiếp quản ghế Nhà Trắng ở tuổi 47.

Ngày 4/4/2011, ông Obama đăng ký tranh cử nhiệm kỳ hai và hầu như không có đối thủ trong nội bộ đảng Dân chủ. Do vậy, ngày 6/9/2012, ông được Đại hội toàn quốc đảng Dân chủ đề cử làm ứng cử viên ra tranh cử nhiệm kỳ hai.

Theo nhìn nhận của dư luận, nỗ lực tái tranh cử của ông Obama năm 2012 dù có nhiều thuận lợi nhưng vẫn khó khăn hơn nhiều so với năm 2008. Đà phục hồi kinh tế vẫn bấp bênh, tỷ lệ thất nghiệp cao, nợ quốc gia tăng mạnh cộng với thất bại trong cuộc tranh luận trực tiếp đầu tiên và vụ người biểu tình Libya sát hại Đại sứ Mỹ Christopher Stevens ngày 11/9 vừa qua đang làm cho tỷ lệ cử tri ủng hộ ông sụt giảm.

Trong khi đó, cựu Thống đốc Romney tuyên bố ra tranh cử ghế Tổng thống lần thứ hai ngày 2/6/2011.

Sau bốn tháng trồi sụt trong vòng bầu cử sơ bộ, đến tháng 5/2012, ông Romney trở thành ứng cử viên duy nhất còn lại sau khi các đối thủ lần lượt bỏ cuộc. Ngày 28/8, ông chính thức được Đại hội toàn quốc đảng Cộng hòa trao tấm vé ứng cử viên tổng thống của đảng.

Ông Romney tuy không phải là chính khách bảo thủ truyền thống của đảng Cộng hòa, nhưng ông vẫn nhận được sự ủng hộ của giới lãnh đạo đảng Con Voi (biểu tượng của Cộng hòa) vì họ xác định ông là người có khả năng nhất chặn đường trở lại Nhà Trắng của Tổng thống đương nhiệm Obama. Thế mạnh của ông là có nhiều tiền, có đội ngũ tranh cử hùng hậu, hoạt động bài bản, tổ chức chặt chẽ và được duy trì suốt từ nỗ lực bất thành năm 2008.

Tuy nhiên, vị cựu Thống đốc 65 tuổi này bị cho là không có bản sắc riêng, ngay cả trong lĩnh vực kinh tế vốn được cho là thế mạnh của ông. Ông cũng bị coi là ứng cử viên ít kinh nghiệm đối ngoại - an ninh, một thế mạnh truyền thống xưa nay của các ứng cử viên của đảng Cộng hòa.

Ngoài ra, chính khách đại diện cho đảng Cộng hòa cũng bị coi là "tiền hậu bất nhất" trong các quan điểm từ đối nội đến đối ngoại, khiến một vài cố vấn tranh cử của ông Obama thậm chí còn mỉa mai gọi đó là "bệnh mất trí nhớ". Phát biểu của ông Romney coi 47% người Mỹ sống dựa vào các chương trình phúc lợi xã hội là "kẻ ăn bám" bị nhìn nhận là "một sự xúc phạm nghiêm trọng nhất" tới phẩm giá của những người có thu nhập thấp ở Mỹ.

Với những điểm mạnh và yếu đan xen đó của hai ứng cử viên, có thể thấy họ như hai mảnh ghép hoàn hảo cho bức tranh chính trị Mỹ khi điểm mạnh của người này lại là điểm yếu của người kia, và ngược lại. Cũng chính vì vậy mà cuộc tranh giành chiếc ghế nóng trên đồi Capitol cho đến tận thời điểm này vẫn đầy bất ngờ và kịch tính, khiến không có bất kỳ nhà phân tích hay chính trị nào dám nói chắc về kết quả bầu cử cho dù giờ G đã sắp điểm.

Việt Linh