1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Vì sao Tổng thống Trump hứng thú với việc mua đảo lớn nhất thế giới Greenland?

(Dân trí) - Hãng tin CNN cho rằng có nhiều hơn một lý do khiến Tổng thống Donald Trump và nhiều chính trị gia Mỹ từ các đời trước muốn mua hòn đảo tự trị của Đan Mạch.

Vì sao Tổng thống Trump hứng thú với việc mua đảo lớn nhất thế giới Greenland? - 1

Tổng thống Mỹ Donald Trump (Ảnh: AFP)

CNN ngày 15/8 dẫn 2 nguồn thạo tin nói rằng Tổng thống Trump được cho đã bày tỏ sự quan tâm với việc mua đảo Greenland từ Đan Mạch và thực tế là các trợ lý của ông đã và đang nghiên cứu về khả năng này. Sau đó, Reuters và một số hãng thông tấn khác trích dẫn các nguồn tin riêng và đưa ra thông tin tương tự.

CNN ngày 16/8 đã đưa ra những phân tích về nguyên nhân không chỉ ông Trump mà nhiều chính trị gia từ các đời tổng thống trước đây từng bày tỏ mong muốn mua lại hòn đảo lớn nhất thế giới.

Greenland là một hòn đảo có 80% diện tích bao phủ bởi băng và dân cư chưa tới 60.000 người. Tuy nhiên, Greenland được cho là sở hữu kho tàng tài nguyên thiên nhiên đồ sộ bao gồm quặng sắt, chì, kẽm, kim cương, vàng, các nguyên tố đất hiếm, urani và dầu.

Ngoài ra, các nhà khoa học NASA  cho biết vào mùa hè này, Greenland đã trải qua 2 đợt tan băng lớn nhất trong lịch sử hòn đảo do biến đổi khí hậu. Đây là một thông tin tiêu cực về góc độ môi trường nhưng về góc độ kinh tế nó cho thấy việc băng tan có thể giúp kế hoạch khai khoáng tại đây dễ thực thi hơn.

Nguyên nhân thứ 2 là do lý do địa chính trị. Mỹ hiện đã hiện diện quân sự tại căn cứ không quân Thule. Căn cứ này sở hữu trạm radar thuộc hệ thống cảnh báo sớm tên lửa đạn đạo của Mỹ. Thule cũng được sử dụng bởi Bộ chỉ huy Không quân vũ trụ Mỹ và Bộ Tư lệnh Phòng thủ Không quân Vũ trụ Bắc Mỹ.

Lý do thứ 3 xuất phát từ cá nhân ông Trump. Tổng thống Mỹ là một người có xu hướng quan tâm tới các di sản mà ông có thể để lại trong thời kỳ chèo lái nước Mỹ. Việc mua được Greenland có thể giúp ông ghi điểm quan trọng với các cử tri.

Tuy nhiên, chính quyền Greenland ngày 16/8 đã tuyên bố rằng: “Greenland là khu vực giàu có tài nguyên, sở hữu băng tuyết và nguồn nước tinh khiết nhất, trữ lượng thủy hải sản khổng lồ, năng lược tái tạo phong phú. Chúng tôi cởi mở với các cơ hội kinh doanh, chứ không bán mình”.

Trong quá khứ, Mỹ thực tế đã từng theo đuổi ý tưởng mua Greenland, theo nhà sử học Đan Mạch Tage Kaarsted. Năm 1946, cựu Ngoại trưởng Mỹ James Byrnes dưới thời cựu Tổng thống Harry Truman đã từng nêu ra ý tưởng này với phía Đan Mạch. Tuy nhiên, câu chuyện chỉ dừng lại ở đó.

Gần 100 năm trước, cựu Ngoại trưởng William Seward cũng từng cân nhắc việc mua Greenland từ Đan Mạch.

Tuy ý tưởng về việc mua Greenland đã bị chính Đan Mạch phản đối, tuy nhiên CNN đã đặt ra câu hỏi: “Nếu thực sự Mỹ mua Greenland thì giá trị của hòn đảo sẽ là bao nhiêu tiền”?

Năm 1946, tài liệu lịch sử ghi nhận rằng Mỹ từng đề xuất với Đan Mạch mua Greenland với giá 100 triệu USD bằng vàng. Tính toán theo tỉ giá hiện tại và lạm phát, con số trên hiện thời tương đương với mức 1,3 tỷ USD.

Đức Hoàng

Tổng hợp