1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Vì sao Thổ Nhĩ Kỳ trở thành mục tiêu chính của khủng bố?

Giới phân tích cho rằng khủng bố liên tục tấn công Thổ Nhĩ Kỳ thời gian qua là do các nguyên nhân như vị trí địa lý, chính sách đối nội-đối ngoại...

Một sân bay quốc tế bị đánh bom. Vị đại sứ Nga tại Thổ bị ám sát. Một vụ thảm sát tại hộp đêm. Những cuộc tấn công này và nhiều cuộc khác trong năm 2016 cho thấy Thổ Nhĩ Kỳ đã ở trong tầm ngắm của chủ nghĩa khủng bố như thế nào.

Vì sao Thổ Nhĩ Kỳ trở thành mục tiêu chính của khủng bố? - 1

Hiện trường một vụ tấn công khủng bố ở Thổ Nhĩ Kỳ. Ảnh: Getty

Đã có và đang có thêm nhiều nguyên nhân khiến khủng bố đánh mạnh vào Thổ Nhĩ Kỳ như vậy.

Bãi lầy Syria

Chính sách đối ngoại của Thổ Nhĩ Kỳ vừa thay đổi đáng kể trong thời gian gần đây. Họ đã chuyển từ chỗ tìm mọi cách thúc đẩy nhanh quá trình sụp đổ của chế độ Tổng thống Syria Bashar al-Assad và gần như phớt lờ vấn đề IS sang quan điểm gần như ngược lại 180 độ.

Fadi Hakura, một chuyên gia về Thổ Nhĩ Kỳ và là nghiên cứu viên tại cơ sở nghiên cứu Chatham House (ở London, Anh), nói với CNN: “Thổ Nhĩ Kỳ đang ngày càng dính líu chặt vào bãi sình lầy Syria... Khi Thổ Nhĩ Kỳ ngày càng liên quan vào cuộc chiến Syria, thì chúng ta sẽ thấy sự bất ổn tại đó tràn qua biên giới và tác động vào an ninh [Thổ]”.

Khi nội chiến Syria bắt đầu, nước Thổ Nhĩ Kỳ dưới quyền lãnh đạo của Tổng thống Recep Tayyip Erdogan đã hậu thuẫn cho lực lượng nổi dậy là người Hồi giáo dòng Sunni chống lại chế độ của Tổng thống Assad là người tộc Alawite.

Nhà nghiên cứu Hakura nói: “Ông Erdogan là một trong những nhân vật chính đứng về một bên trong xung đột Syria nhằm thúc đẩy sự ra đi của ông Assad. Ông ấy đã đưa Thổ Nhĩ Kỳ nhúng ngày càng sâu vào xung đột này, và điều này đã có tác động tiêu cực ngược trở lại Thổ như chúng ta thấy hiện nay”.

Thổ Nhĩ Kỳ giờ tập trung vào “xử lý” riêng IS, còn IS cũng lấy Thổ Nhĩ Kỳ làm trọng điểm tấn công, mặc dù các cơ sở của IS bị truy quét trên khắp lãnh thổ của Thổ. Vào thời điểm Thổ Nhĩ Kỳ quyết định cảnh giác hơn với IS thì lực lượng này đã thiết lập được nhiều cơ sở và phần tử ủng hộ.

Hè năm 2016 Thổ Nhĩ Kỳ mở chiến dịch tiến công quân sự lớn nhất của họ ở Syria, hậu thuẫn cho các lực lượng đối lập trong việc đánh bật IS ra khỏi một khu vực chiến lược dọc theo biên giới và cản bước tiến của lực lượng người Kurd Syria liên minh với các phần tử ly khai Thổ Nhĩ Kỳ. Chiến dịch của Thổ đã nhận được sự chấp thuận của Nga và sự yểm trợ bằng không quân của Mỹ.

Người Kurd

Cộng đồng Kurd - một nhóm dân tộc thiểu số ở Trung Đông, đang ngày càng có ảnh hưởng đến các diễn tiến trong khu vực. Họ chiến đấu để đòi quyền tự trị ở Thổ Nhĩ Kỳ và họ đóng vai trò nổi bật trong cuộc chiến chống IS ở Syria.

Tổng thống Recep Tayyip Erdogan đã đạt được hòa bình với cộng đồng người Kurd ở Thổ Nhĩ Kỳ cách đây vài năm nhưng sau đó lại bắt đầu tấn công lực lượng người Kurd ở Syria. Và vào năm 2016, cuộc nổi dậy bằng vũ lực của các nhóm người Kurd đã bắt đầu trở lại.

Đảng Công nhân người Kurd (PKK) tấn công hầu như chủ yếu vào các mục tiêu là quân nhân và cảnh sát, còn nhóm Chim Ưng Tự do người Kurd (TAK) – một nhóm dân tộc chủ nghĩa, gần đây lại tiến hành tấn công đẫm máu nhằm vào một sân vận động bóng đá ở Istanbul.

Vì sao Thổ Nhĩ Kỳ trở thành mục tiêu chính của khủng bố? - 2

Đồ họa của CNN về các mối chính trị phức tạp tại Thổ Nhĩ Kỳ.

Simon Waldman, một nghiên cứu viên tại trường đại học King's College London, nói với CNN: “Một trong các vấn đề của bất cứ thỏa thuận ngừng bắn nào trong tương lai với PKK đều là vấn đề cảm xúc... Các chính trị gia Thổ Nhĩ Kỳ rất khó đạt được thỏa thuận ngừng bắn với PKK vì PKK chủ yếu tấn công nhằm vào lực lượng an ninh, cảnh sát và quân đội Thổ Nhĩ Kỳ”.

Trong khi đó Hakura cho rằng vấn đề người Kurd có thể giải quyết hiệu quả bằng một chương trình nhân quyền và dân chủ. “Nếu Thổ Nhĩ Kỳ giải quyết vấn đề người Kurd trong khuôn khổ dân chủ thì điều này sẽ ngăn ngừa các thế lực bên ngoài lợi dụng các sự chia rẽ này”.

Phân cực chính trị

Sự phân cực chính trị và xã hội rất rõ bên trong Thổ Nhĩ Kỳ đã góp phần tạo môi trường cho các vụ tấn công.

Hakura nói tiếp: “Văn hóa chính trị và xã hội ở đây rất căng thẳng, phân mảnh và chia rẽ, theo các quan điểm sắc tộc, giáo phái và ý thức hệ. Văn hóa đó tạo môi trường thuận lợi cho các sự cố bạo lực xảy ra”.

Cuộc đấu đá trong nội bộ chính quyền Thổ cũng là một vấn đề. Hakura cho rằng sau khi xảy ra cuộc đảo chính quân sự vào ngày 15/7, thay vì kiến tạo đoàn kết, chính phủ Thổ lại chăm chăm vào các chính sách khoét sâu thêm các rạn nứt trong văn hóa xã hội và chính trị của nước này.

Giáo sĩ Gulen (đồng minh một thời của ông Erdogan) hồi tháng 7 có nói rằng ông và phong trào của ông không liên quan gì đến cuộc đảo chính nói trên.

Hakura phân tích: “Bạn càng chia rẽ thì lại càng tạo cơ hội cho các nhân vật trong khu vực lợi dụng... Thúc đẩy đoàn kết nội bộ sẽ củng cố sự ổn định và an ninh của Thổ Nhĩ Kỳ tại một trong những khu vực bất ổn nhất thế giới”.

Waldman thì cho biết, các cuộc thanh trừng hậu đảo chính Thổ Nhĩ Kỳ đã tạo ra một khoảng trống an ninh ở đất nước này vào một thời khắc quan trọng.

Waldman nói tiếp: “Tôi không nghĩ là vào thời điểm hiện tại Thổ Nhĩ Kỳ lại có thể đi đối mặt với nhiều nhóm khủng bố cùng một lúc... Quân đội và cơ quan an ninh Thổ đang đối diện với các cuộc thanh lọc. Hàng ngàn nhân viên hoặc bị bắt giữ hoặc bị đình chỉ công tác. Điều này tạo ra khoảng trống trong năng lực của họ đối phó với các nguy cơ khủng bố”.

Vẫn lời Waldman: “Kết quả là việc cùng lúc ứng phó với hai nhóm khủng bố lớn là một gánh nặng khủng khiếp. Cái mà Thổ cần là một chính sách thực dụng trong cuộc chiến chống khủng bố”.

Việc Tổng thống Erdogan ngày càng thân Nga và bỏ rơi các nhóm phiến quân Sunni ở Syria mà trước đây ông này ủng hộ, giờ đây có thể đã tạo thêm nhiều đối thủ và kẻ thù mới cho Thổ.

Raffaello Pantucci, Giám đốc nghiên cứu an ninh quốc tế tại cơ sở nghiên cứu Royal United Services Institute nhận định: “Nhà nước Thổ rõ ràng đang chịu nhiều áp lực, phải xử lý nhiều vấn đề cùng một lúc. Kết quả là, người ta có thể phát động nhiều cuộc tấn công mới ở Thổ một cách dễ dàng hơn nhiều”.

Vị trí địa lý đặc biệt

Chính trị Thổ Nhĩ Kỳ dù đối nội hay đối ngoại đều không thể bỏ qua yếu tố địa lý. Vị trí của Thổ ở giao lộ giữa châu Âu và châu Á đã từ lâu khiến mảnh đất này là nơi “va chạm hoặc hàn gắn” giữa các nền văn hóa.

Thổ Nhĩ Kỳ đã thiết lập một chế độ chính trị thế tục dù có đông người Hồi giáo. Mặc dù tôn giáo ngày càng đóng vai trò quan trọng hơn dưới thời Erdogan, vẫn có nhiều không gian để tôn vinh tự do kiểu phương Tây như là hộp đêm Reina mà IS đã lên án là nơi “những kẻ Kito giáo ăn mừng”.

Thổ có biên giới dài 804km với Syria. Biên giới này lại khá mở, cho phép các chiến binh và nguồn lực hỗ trợ tuồn vào Syria trong nhiều năm, cũng như cho phép người tị nạn từ Syria lánh ra ngoài. Dĩ nhiên những kẻ muốn chống phá Thổ cũng nhân đó tuồn vào lãnh thổ Thổ.

Pantucci nói với CNN: “Một trong những vấn đề ch­ính mà Thổ đối mặt hiện nay là họ nằm cạnh một cuộc nội chiến lớn, nơi các nhóm nổi dậy đang sử dụng Thổ làm điểm nhập cảnh. Nhịp độ các cuộc tấn công đang gia tăng vì người Thổ đang xử lý nhiều vấn đề vào cùng thời điểm hiện nay.”/.

Theo Trung Hiếu/VOV.VN (Dịch từ CNN)