1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024
  4. Chiến sự Israel - Hamas

Vì sao tên lửa hành trình Nga khiến tướng lĩnh Mỹ "sốt vó"?

(Dân trí) - Việc các chiến hạm của Nga có thể phóng tên lửa hành trình dù có kích thước chỉ bằng 1/10 chiến hạm mang tên lửa tương ứng của Mỹ, đã nói lên quá nhiều điều về năng lực và chiến thuật của quân đội Nga.

Cho dù có thông tin từ phía Mỹ cho rằng 4 trong số 26 tên lửa được các tàu chiến Nga phóng đi hướng tới Syria đã rơi tại Iran, thì đây cũng vẫn là điều giới chức Mỹ và phương Tây không thể xem thường.

Cận cảnh Nga phóng tên lửa từ 1500km trúng IS

Nếu Mátxcơva đơn giản chỉ muốn tấn công kẻ thù của chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad tại Syria, họ có rất nhiều tàu chiến đậu ngay gần đó trên biển Địa Trung Hải có thể làm nhiệm vụ này. Thế nhưng Nga lại phóng 26 tên lửa từ biển Caspian, cách đó 1500km, để chứng tỏ họ có khả năng làm việc đó. Và Mỹ cùng các đồng minh nên cảnh giác bởi Tổng thống Vladimir Putin đã gặt hái một thành công nữa.

Quân đội các nước phương Tây từ lâu biết rõ việc Nga sở hữu những tên lửa hành trình uy lực, là những vũ khí tự đẩy có thể bay xa với tốc độ siêu âm và nằm dưới tầm phát hiện của radar. Phương Tây cũng biết Nga đã triển khai 4 tàu tuần tra được vũ trang tới Caspian, nơi Hải quân Nga đã hiện diện nhiều thế kỷ.

Điều quan trọng ở đây đó là, Nga đã kết hợp thành công hai yếu tố: trang bị bị cho các tàu chiến khá nhỏ, lớp Buyan-M với lượng giãn nước chỉ 950 tấn, những hỏa lực tương đương với các khu trục hạm lớp Arleigh Burke và lớp Ticonderoga của Mỹ, có kích thước lớn hơn rất nhiều.

Các chiến hạm lớp Buyan-M của Nga chỉ nhỏ bằng 1/10 tàu mang tên lửa hành trình của Mỹ (Ảnh: Tass)
Các chiến hạm lớp Buyan-M của Nga chỉ nhỏ bằng 1/10 tàu mang tên lửa hành trình của Mỹ (Ảnh: Tass)

“Điều độc đáo ở đây đó là họ đang gắn những tên lửa đó lên các tàu nhỏ”, Eric Wertheim, nhà nghiên cứu hải quân, tác giả cuốn sách Giới thiệu các hạm đội chiến đấu trên thế giới của Viện hải quân Mỹ, khẳng định trên kênh Fox News. “Mỹ cần phải nhận ra rằng họ không còn giữ thế độc quyền các vũ khí công nghệ cao”.

Các chuyên gia tin rằng 26 tên lửa được phóng đi là phiên bản tấn công bộ của mẫu tên lửa chống hạm SS-N-27 của Nga, tương tự như tên lửa hành trình Tomahawk của Mỹ.

Wertheim giải thích thêm rằng chiếc tàu nhỏ nhất mang các tên lửa tương tự như vậy của Hải quân Mỹ có lượng giãn nước lên tới 9000 tấn. “Con tàu nhỏ nhất của Hải quân Mỹ được trang bị tên lửa Tomahawk có kích thước như một tàu khu trục – gấp khoảng 10 lần kích thước các tàu của Nga”.

Phân bổ sát thương

Với việc sử dụng các tàu tuần tiễu được trang bị hệ thống tên lửa hành trình Kalibr NK, Mátxcơva đã đánh động Mỹ theo hai cách.

Trước hết, nó phô diễn năng lực quân sự ngày một cao trong “tác chiến phân bổ sát thương”. Chiến lược này nhằm tránh việc trao cho đối phương một mục tiêu lớn, bằng cách chia nhỏ các vũ khí và công nghệ chiến tranh, bao gồm các hệ thống dẫn đường và cảm biến, thành nhiều đơn vị nhỏ hơn.

Việc này gây ra 2 loại khó khăn cho đối phương: mục tiêu nhỏ hơn sẽ khó bị phát hiện hơn, và việc chỉ đánh phá một mục tiêu nhỏ sẽ ít ảnh hưởng tới năng lực tấn công của đối phương.

Năng lực này sẽ đe dọa Mỹ tại một loạt các địa điểm, và là chiến lược phản công hiệu quả trước sự chú trọng của Hải quân Mỹ trong việc ngăn cản các thế lực đối địch tiếp cận những khu vực trọng yếu.

Cận cảnh tên lửa Klub-K nhỏ gọn, uy lực của Nga

Trong lúc Mỹ nỗ lực đóng những tàu sân bay khổng lồ mới lớp Ford, sừng sững với trị giá 10 tỷ USD, Trung Quốc lại đang đầu tư mạnh tay cho các tên lửa đối hạm, tàu ngầm và máy bay trinh sát, cũng như tạo ra các đảo nhân tạo trên Biển Đông.

Còn với Nga, các tàu lớp Buyan không phải là vũ khí có vóc dáng tí hon duy nhất trên biển đang được phát triển. Có thông tin cho thấy nước này còn đang nâng cấp và bổ sung vào hạm đội các tàu ngầm mini Piranya có từ thời Chiến tranh Lạnh, với khả năng thả mìn dưới biển, phóng ngư lôi và triển khai những đội tác chiến nhỏ dưới nước.

Với lượng giãn nước vô cùng nhỏ, chỉ 390 tấn, cùng lớp vỏ bằng hợp kim titan, những tàu này có thể hoạt động hầu như im lặng tuyệt đối. Trên biển Baltic, Nga còn có những màn phô diễn cho thấy năng lực quân sự đã được nâng cao. Tuần này, họ đã triển khai cuộc diễn tập tìm – diệt, trong đó 3 tàu tuần tiễu đuổi theo một tàu ngầm tàng hình mới lớp Varshavyanka.

Một lí do khác khiến Nga triển khai các cuộc tấn công tại Syria đó là nhằm mục đích tăng cường giới thiệu vũ khí, thúc đẩy bán hàng. Với việc nền kinh tế dựa vào dầu mỏ đang trượt dốc, trong khi các hành động can dự mới tại Ukraine và Trung Đông tiếp diễn, Nga cần có thêm nguồn lực tài chính.

Không mấy ngạc nhiên khi doanh số xuất khẩu các vũ khí chính của Nga giai đoạn 2005 – 2014 tăng 37%. Các vũ khí được bán bao gồm cả hệ thống tên lửa hành trình Klub-K, một phiên bản của tên lửa Kalibr được ngụy trang bên trong một số container hàng hóa, với giá có thể lên tới 20 triệu USD.

Các tàu lớp Buyan được đóng tại nhà máy đóng tàu tư nhân Zelanodolsk, tại nước cộng hòa Tatarstan, trực thuộc Nga, cũng nằm trong số những mặt hàng được đặt mua nhiều nhất. Nga có kế hoạch giao thêm 2 chiếc nữa trước cuối năm nay, nâng tổng số tàu được giao lên 12 chiếc, số liệu của Viện chiếc lược quốc tế cho biết.

Tổng thống Obama có thể khăng khăng rằng quyết định can thiệp của Putin vào Syria là dấu hiệu của sự suy yếu, nhưng vụ phóng tên lửa hành trình lại cho thấy sự tăng cường sức mạnh, cho dù một vài tên lửa có chệch mục tiêu. Nó là lời nhắc nhở rằng Mỹ vẫn còn cả một chặng đường dài trên con đường tới mục tiêu sở hữu một hạm đội trong đó hầu như mỗi con tàu là một mối đe dọa cho đối phương.

Để đạt được mục tiêu đó, cũng như tất cả những thay đổi lớn trong các ưu tiên của quân đội, Nhà Trắng không chỉ phải thuyết phục các tướng lĩnh, mà còn cả những nhà lãnh đạo dân sự và Quốc hội, cùng bạn bè họ trong khu vực tư nhân. Tất cả đều phải nhận ra rằng, khi muốn đối đầu với các cường quốc chủ chốt như Nga và Trung Quốc, đôi khi vũ khí nhỏ hơn lại tốt hơn.

Thanh Tùng

Theo Bloomberg, Fox News

 

Vì sao tên lửa hành trình Nga khiến tướng lĩnh Mỹ "sốt vó"? - 2