1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Vì sao tàu ngầm lớp Ohio của Mỹ vẫn là vũ khí đáng sợ nhất thế giới?

Các tàu ngầm SSGN lớp Ohio có thể tiến gần hơn đến bờ biển của đối phương mà không bị phát hiện. Điều đó giúp chúng tấn công các mục tiêu nằm sâu trong đất liền hay thực hiện các đợt tấn công tấn công ồ ạt bằng tên lửa.

Tàu ngầm mang tên lửa đạn đạo (SSBN) lớp Ohio của Mỹ ban đầu được chế tạo với mục đích phá hủy các thành phố và các căn cứ quân sự trong trường hợp xảy ra chiến tranh, hay chính xác hơn, để ngăn chặn kẻ thù tiến hành một cuộc tấn công hạt nhân vào Mỹ. Tuy nhiên, sau khi chiến tranh Lạnh kết thúc, Hải quân Mỹ xác định rằng, lực lượng này không cần thiết phải có đến 18 "kỵ binh dưới nước" để phục vụ cho sứ mệnh răn đe hạt nhân.
Vì sao tàu ngầm lớp Ohio của Mỹ vẫn là vũ khí đáng sợ nhất thế giới? - 1

Tàu ngầm USS Michigan neo đậu tại căn cứ Hạm đội 7 của hải quân Mỹ ở Yokosuka, Nhật Bản (Ảnh: Hải quân Mỹ).

Hải quân Mỹ ban đầu dự định loại bỏ 4 tàu ngầm cũ nhất gồm USS Ohio, USS Michigan, USS Florida và USS Georgia trong số 18 tàu ngầm nói trên, nhưng sau đó họ đã lựa chọn nâng cấp và chuyển đổi để chúng có thể phóng tên lửa hành trình bắn từ mặt đất Tomahawk. Các tàu ngầm này được chuyển đổi thành tàu ngầm mang tên lửa dẫn đường (SSGN) lớp Ohio, có nhiệm vụ thực hiện các cuộc tấn công thông thường vào mục tiêu trên đất liền.

Các tàu ngầm Ohio và Florida bắt đầu tái nạp nhiên liệu hạt nhân, đại tu, nâng cấp kho vũ khí vào năm 2003 và hoạt động trở lại vào năm 2006, còn các tàu ngầm Michigan và Georgia hoạt động trở lại 2 năm sau đó.

Tàu ngầm SSGN lớp Ohio có hỏa lực mạnh hơn bất cứ tàu ngầm tương đương nào với 24 ống phóng tên lửa ban đầu được thiết kế để mang tên lửa đạn đạo khổng lồ Trident. 22 ống phóng trong số này sau đó đã được thiết kế lại để mang tên lửa hành trình Tomahawk. Mỗi ống phóng có 7 tên lửa và như vậy mỗi tàu ngầm có thể mang được 154 tên lửa Tomahawk, tất cả đều được phóng từ biển trong vòng 6 phút.

Tên lửa Tomahawk có giá khoảng 1,5 triệu USD mỗi quả, có khả năng mang đầu đạn nặng hàng nghìn kg để tấn công các mục tiêu trên đất liền nằm cách xa hơn 1.600 km với GPS dẫn đường. Điều này đồng nghĩa với việc mỗi tàu ngầm SSGN lớp Ohio sẽ mang theo số lượng tên lửa trị giá hơn 200 triệu USD khi được trang bị đầy đủ.

Ohio SSGN cũng là tàu ngầm đa nhiệm. Hai ống phóng còn lại của tàu ngầm này được chuyển đổi thành các cửa mở dưới biển để triển khai hơn 60 binh sỹ của lực lượng biệt kích hải quân SEAL nhằm thực hiện các hoạt động đặc biệt. Ngoài ra, chúng có thể phóng các phương tiện không người lái dưới nước (UUV), phương tiện chở lính SEAL, phao định vị thủy âm và các cảm biến dưới nước khác.

 

Các tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân có thể thực hiện nhiều nhiệm vụ hơn  so với những tàu ngầm được trang bị tên lửa Trident. Vào năm 2010, các tàu ngầm Ohio, Florida và Michigan đã tham gia phô diễn sức mạnh nhằm phản ứng trước một vụ thử tên lửa của Trung Quốc. Năm 2011, USS Florida đã phóng 93 tên lửa nhằm vào các hệ thống phòng không của Libya để hỗ trợ cho Chiến dịch Bình Minh Odyssey của Mỹ, tất cả đều trúng mục tiêu. Các tên lửa giúp dọn đường cho máy bay chiến đấu của liên quân hoạt động trên không phận Libya, đánh dấu lần đầu tiên tàu ngầm lớp Ohio khai hỏa trong chiến đấu.

Đã có nhiều câu hỏi đặt ra về việc những tàu ngầm phóng tên lửa hành trình phục vụ cho mục đích gì? Tại sao hải quân Mỹ không sử dụng tàu chiến mặt nước để phóng tên lửa tầm xa Tomahawk, hay triển khai máy bay hoạt động trên tàu sân bay để vận hành những loại vũ khí dẫn đường có giá thành rẻ hơn nhiều? Câu trả lời rất đơn giản. Các tàu ngầm SSGN lớp Ohio có thể tiến gần hơn đến bờ biển của đối phương mà không bị phát hiện. Điều đó giúp chúng tấn công các mục tiêu nằm sâu trong đất liền hay thực hiện các đợt tấn công tấn công ồ ạt bằng tên lửa, trong khi ít bị tổn hại hơn so với một cuộc tấn công bằng tàu mặt nước hoặc một cuộc tấn công từ trên không.

Các tên lửa chống hạm tầm xa mới, chẳng hạn như tên lửa hành trình Kalibr của Nga có thể được phóng từ các bệ phóng trên không, trên biển hoặc trên đất liền, khiến hoạt động tác chiến gần bờ gặp rất nhiều nguy hiểm, đặc biệt là với những tàu mặt nước lớn như tàu sân bay hay tàu tuần dương tên lửa. Ngay cả khi sử dụng máy bay, các tàu sân bay cũng phải di chuyển tới vị trí cách bờ biển của đối phương khoảng 1.287 km.

Ngược lại, các tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân rất khó bị phát hiện và theo dõi vì di chuyển rất êm, có khả năng lặn sâu dưới nước trong suốt thời gian thực hiện nhiệm vụ tấn công tầm xa.  Do vậy, đối phương sẽ gặp khó khăn trong việc phát hiện ra tàu ngầm trước khi nó phóng tên lửa. Sau khi hoàn thành nhiệm vụ, con tàu có thể lặn sâu để tránh một cuộc tấn công đáp trả.

Nhà bình luận Ben Ho Wan Beng của TNI đã mô tả cách tàu ngầm SSGN lớp Ohio có thể được sử dụng để thực hiện chiến thuật "khai màn" bằng cách tiêu diệt các tên lửa chống hạm và tên lửa phòng không trong cuộc tấn công đầu tiên, mở đường cho máy bay và tàu mặt nước khai thác lỗ hổng phòng thủ của đối phương - một vai trò mà USS Florida đã từng thực hiện trong cuộc xung đột Libya.

Tuy nhiên, hạm đội tàu ngầm SSGN lớp Ohio dự kiến chỉ phục vụ trong lực lượng Hải quân thêm 1 thập kỷ nữa, sau đó sẽ dần được thay thế bằng tàu ngầm mang tên lửa đạn đạo lớp Columbia mới.

Nhưng cho đến thời điểm đó, 4 tàu ngầm SSGN lớp Ohio nói trên sẽ vẫn là những tàu ngầm mang tên lửa hành trình được trang bị vũ khí mạnh mẽ nhất trên thế giới, cung cấp những công cụ tiềm năng đầy uy lực để đối phó với chiến lược chống xâm nhập/chống tiếp cận (A2/AD ) của đối phương.

Theo Hồng Anh
VOV