1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Vì sao "Phò mã đỏ" Ngô Tiểu Huy bị truy tố?

Ngày 23/2/2018, Viện Kiểm sát nhân dân thành phố Thượng Hải thông báo truy tố Ngô Tiểu Huy, nguyên Chủ tịch, Tổng giám đốc Công ty TNHH cổ phần Tập đoàn bảo hiểm An Bang (gọi tắt là Tập đoàn An Bang) do có dấu hiệu phạm tội kinh tế.

Cùng ngày, Ủy ban Giám sát bảo hiểm Trung Quốc (CIRC) quyết định tiếp quản Tập đoàn An Bang. Ngô Tiểu Huy đã bị bắt hồi tháng 6/2017, đến nay mới rõ kết cục.

Theo thông báo, Ngô Tiểu Huy sẽ bị Tòa án trung cấp số 1 thành phố Thượng Hải xét xử về tội “lừa đảo huy động vốn và xâm chiếm chức vụ”; thời gian Tập đoàn An Bang bị CIRC tiếp quản là 1 năm kể từ ngày 23/2/2018, nếu hết thời hạn mà không đạt hiệu quả tái cấu trúc cổ phần, khôi phục vận hành bình thường thì sẽ tiếp tục kéo dài thêm 1 năm nữa.

An Bang - từ công ty bảo hiểm trở thành “Cá Sấu tài chính”

Giới quan sát thời sự Trung Quốc cho rằng: trong mấy năm gần đây, một số tư bản dân gian, tiêu biểu là An Bang chỉ trong thời gian rất ngắn đã nhanh chóng trở thành các “cá Sấu tài chính”. Quá trình phất lên của họ rất bí hiểm, người ngoài không thể biết, nhưng luôn “ẩn hiện” bóng dáng của những nhóm lợi ích mà truyền thông Trung Quốc gọi là “bối cảnh gia tộc đỏ”.

An Bang có một tốc độ phát triển đáng nể: ngày 13/9/2014, 7 cổ đông trong đó cốt cán là Công ty TNHH Tập đoàn xe hơi Thượng Hải cùng nhau thành lập Công ty bảo hiểm tài sản An Bang, vốn đăng ký có 500 triệu NDT, trong số các cổ đông còn lại thì Trần Lỗ Dự (con cố nguyên soái Trần Nghị, Thị trưởng Thượng Hải) kiểm soát thực tế 2, Ngô Tiểu Huy kiểm soát 3; đến năm 2005, thu nhập bảo hiểm đột phá mức 1 tỷ NDT;

năm 2007 lũy kế phí bảo hiểm đột phá 10 tỷ NDT; 2009, lũy kế phí bảo hiểm vượt 20 tỷ NDT; năm 2011 An Bang nâng mức vốn điều lệ lên thành 12 tỷ NDT, nhảy vọt lên vị trí thứ 2 trong hệ thống các công ty bảo hiểm toàn quốc; năm 2012, Công ty TNHH Tập đoàn bảo hiểm An Bang thành lập; năm 2014, An Bang tuyên bố thu mua trên toàn cầu Công ty bảo hiểm FIDEA của Hà Lan (đây là lần đầu tiên mộ hãng bảo hiểm Trung Quốc thu mua 100% cổ phần của một công ty bảo hiểm châu Âu) và khách sạn Waldorf Astoria New York của Mỹ; năm 2015 tổng tài sản của An Bang lên tới 1.900 tỷ NDT, bắt đầu thu mua hàng loạt công ty nước ngoài…khiến người ta bất ngờ.

Quá trình tăng vốn, mở rộng quy mô của An Bang khiến người ta đi từ ngạc nhiên tới kinh hãi: từ số vốn 500 triệu tệ (NDT) ban đầu khi thành lập năm 2004, An Bang tăng vốn lần 1 ngày 18/6/2005 lên 1,69 tỷ tệ; tăng vốn lần 2 ngày 15/5/2006 lên 3,79 tỷ; ngày 25/5/2007 tăng vốn lần 3 lên 4,6 tỷ; ngày 5/6/2007 tăng vốn lần 4 lên 5,1 tỷ; ngày 30/11/2006 tăng vốn lần 5 lên 12 tỷ tệ rồi cải tổ thành Tập đoàn; năm 2014, Tập đoàn An Bang 2 lần tăng vốn vào tháng 4 và tháng 12, lần lượt thành 30 tỷ và 61,9 tỷ tệ.

Sau 7 lần tăng vốn, Tập đoàn An Bang đã nhanh chóng vươn lên trở thành công ty bảo hiểm có nguồn vốn lớn nhất Trung Quốc. Nhưng đó chưa phải là vấn đề quan trọng nhất. Đối với một công ty, điều quan trọng hơn cả vốn là giấy phép kinh doanh, được gọi là “Kim bài chiếu”; ai có được trong tay 7 loại giấy phép kinh doanh ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, quỹ, cho thuê, tín thác và hợp đồng tương lai (futures) là có bảo bối trong tay.


Trụ sở An Bang

Trụ sở An Bang

Ở Trung Quốc, giấy phép kinh doanh tài chính tiền tệ bị quản chế rất chặt, người trong giới lan truyền câu “ngàn vàng dễ có, giấy phép thì khó”, thế nhưng An Bang chỉ mới thành lập mấy năm đã có trong tay mọi loại giấy phép, trở thành một người khổng lồ sánh ngang với Tập đoàn Trung Tín, Ngân hàng Giao thông, Tập đoàn công nghiệp Hàng không (AVIC), Petro China, Tập đoàn Điện lực Trung Quốc…

Trước khi Ngô Tiểu Huy bị bắt, một trong những vấn đề lớn nhất của An Bang là chuyển tiền ồ ạt ra nước ngoài để thực hiện liên tiếp các vụ mua lại giá đắt cổ phần của 7 công ty nước ngoài, trong đó có 4 công ty bảo hiểm bao gồm FIDEA của Bỉ, VIVAT và Delta Lloyd của Hà Lan, Tung Yang của Hàn Quốc với quy mô vượt quá tài sản trong nước, bất chấp những cảnh báo về giới hạn 15% của CIRC; Ngô Tiểu Huy thậm chí còn ngạo mạn rêu rao: “Ngán gì CIRC, từ chủ tịch đến người gác cổng ủy ban này, ai tôi chả quen”.

An Bang là một tập đoàn công ty bảo hiểm lớn thành lập năm 2004 với nhiều công ty con (6 công ty nắm toàn bộ cổ phần và 8 công ty tham gia cổ phần) kinh doanh các nghiệp vụ bảo hiểm tài sản, nhân thọ, y tế, quản lý tài sản, bảo hiểm đại lý kinh doanh…có hơn 3 ngàn chi nhánh ở khắp 31 tỉnh, thành, khu tự trị với hơn 35 triệu khách hàng và các công ty quản lý tài sản ở nước ngoài.

Từ trước đến nay An Bang được coi là một trong số các công ty bảo hiểm có doanh thu lớn nhất Trung Quốc. Theo trang web An Bang thì tổng số tài sản của tập đoàn có tới trên 310 tỷ USD, đứng thứ 3 trong số các công ty bảo hiểm lớn nhất Trung Quốc.

Một số thông tin cho biết An Bang đã nắm giữ 91,96% cổ phần của Công ty chứng khoán Thế Kỷ, 57,5% Bảo hiểm nhân thọ TongYang (Hàn Quốc), 7,01% Tập đoàn Vạn Khoa, 22,51% Ngân hàng Dân sinh Trung Quốc, 10% Tập đoàn Đại Thương, 20,49% Tập đoàn Kim Địa, 25% Công ty Kim Xúc Nhai, 10,72% Ngân hàng Chiêu Thương, 15,73% Công ty KHKT Kim Phụng…

Sự phát triển bất thường của An Bang từng gây xôn xao giới kinh doanh và dư luận. Tờ “Nam Phương cuối tuần” tháng 1/2015 đã đăng bài “Chân tướng An Bang” nêu rõ: chỉ trong vòng hơn 10 năm, An Bang đã “mượn” được nguồn vốn khổng lồ từ giới chính trị và kinh doanh, từ một công ty bảo hiểm đơn thuần trở thành một “cá Sấu tài chính” có quy mô hàng ngàn tỷ Nhân dân tệ, là “được sinh ra với cái thìa Vàng”.

Cho đến nay, những hoạt động huy động vốn, kinh doanh phi pháp của An Bang chưa được công bố cụ thể. Tuy nhiên, Ủy ban Giám sát Bảo hiểm Trung Quốc cho biết, từ tháng 6/2017 đến nay, Ủy ban đã cử tổ công tác tới tập đoàn này thực thi công tác kiểm tra, giám sát, đốc thúc cải thiện hoạt động quản lý kinh doanh nên hiện nay hoạt động kinh doanh của An Bang về tổng thể cơ bản ổn định, các quyền lợi hợp pháp của khách hàng và các bên hợp tác được bảo vệ.


 Ngô Tiểu Huy- ông chủ Tập đoàn An Bang

Ngô Tiểu Huy- ông chủ Tập đoàn An Bang

Hiện viện kiểm sát chưa thông báo về những tội lỗi cụ thể của Ngô Tiểu Huy, nhưng hồi tháng 4/2017, một số cơ quan truyền thông đã đưa tin: hàng trăm tỷ NDT của Huy liên quan đến vụ án đã bị khống chế; sau khi Huy bị bắt, toàn bộ nghiệp vụ đầu tư, các phi vụ thu mua ở nước ngoài đã bị đình chỉ.

Việc chính phủ quyết định ra tay tiếp quản, cứu An Bang cũng là đề tài được truyền thông quốc tế bàn luận. Tờ “Thời báo Tài chính” của Anh cho rằng: hiện An Bang đã trở thành một công ty “đổ cũng không thể đổ”; cho dù An Bang không có giá trị thực sự thì họ cũng phải rất thận trọng khi thực hiện tái cấu trúc lại nó.

Chuyên gia Ether Yin của Công ty tư vấn Trivium China ở Bắc Kinh nói: “An Bang đã tiến hành đầu tư rất lớn trong nhiều lĩnh vực khác nhau, những khoản đầu tư đó có tính hệ thống quan trọng, có thể gây thành mối thách thức đối với toàn bộ hệ thống tài chính tiền tệ”.

CIRC cho biết, họ tiếp quản An Bang là bởi nó tồn tại các hành vi kinh doanh vi phạm pháp luật, có thể gây nguy hại nghiêm trọng đến năng lực bồi thường của nó chứ không phải hiện nó không có năng lực bồi thường.

Trong thông cáo của mình, CIRC nói: hiện nay về tổng thể Tập đoàn An Bang kinh doanh vẫn ổn định, nghiệp vụ vận hành cơ bản ổn, quyền và lợi ích hợp pháp của khách hàng vẫn được bảo vệ; điều này ngầm cho thấy CIRC đã ra tay có hiệu quả ngay từ khi xảy ra nguy cơ: tháng 5/2017, trước khi Ngô Tiểu Huy bị bắt 1 tháng, Bảo hiểm nhân thọ An Bang đã bị cấm bán sản phẩm mới trong thời gian 3 tháng.

Theo Thu Thủy

Pháp luật Việt Nam