1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Vì sao Pháp không thể bán tàu Mistral cho Trung Quốc?

(Dân trí) - Cho dù bán tàu Mistral cho Trung Quốc sẽ mang đến một hợp đồng béo bở, hiện có quá nhiều rào cản khiến Paris khó có thể tiến hành thương vụ này.

Tàu đổ bộ tấn công lớp Mistral-Pháp. (Ảnh:

Tàu đổ bộ tấn công lớp Mistral-Pháp. (Ảnh: Military today.com)

Thông tin gần đây cho rằng Trung Quốc đang quan tâm đến việc mua lại hai tàu đổ bộ tấn công lớp Mistral của Pháp, hai chiếc tàu nguyên gốc được lắp ráp để bán cho Nga nhưng đã hoãn bàn giao sau khi việc Tổng thống Nga Putin quyết định sát nhập Crimea và ủng hộ lực lượng nổi dậy chống chính phủ ở đông Ukraine. Sau đây là những lý do tại sao Trung Quốc khó có khả năng mua hoặc sử dụng các tàu này cho lực lượng hải quân của họ. 

Lý do thứ nhất và rất quan trọng đó là hiện tại quân đội Liên minh châu Âu đang áp đặt lệnh cấm vận đối với Trung Quốc. Lệnh cấm vận  được Hội đồng Bộ trưởng châu Âu áp dụng để trừng phạt việc Chính phủ Trung Quốc sử dụng bạo lực trong vụ Thiên An Môn tháng 4/1989. 

Theo Viện nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm (SIPRI), lệnh cấm vận này được thực hiện mà không có sự rõ ràng và chính xác về mặt luật pháp là loại vũ khí nào sẽ bị cấm mua bán với Trung Quốc. Theo SIPRI “Việc mua bán tùy theo các quốc gia thành viên giải thích về lệnh cấm vận này theo bối cảnh luật pháp, các qui định và quá trình ra quyết định của từng nước”.

Trong những năm qua, quan hệ giữa EU và Trung Quốc đã thay đổi, đồng thời vai trò của các quốc gia thành viên đối với lệnh cấm vận này cũng thay đổi. Giữa những năm 2000, Pháp trở thành một trong những nhân tố chính thúc đẩy việc chấm dứt lệnh cấm vận với Trung Quốc. Việc Pháp thúc đẩy chấm dứt lệnh cấm vận với Trung Quốc là rất quan trọng khi Trung Quốc đang chuyển đổi nhanh chóng thành một nền kinh tế lớn, tham gia vào Tổ chức thương mại thế giới - WTO và đóng vai trò quan trọng trong các hoạt động quốc tế. 

Những hành động của Pháp ủng hộ việc chấm dứt cấm vận cũng đáng được chú ý. Năm 2005, Bộ trưởng quốc phòng Pháp, Michèle Alliot-Marie đã thông qua việc bán vũ khí cho Trung Quốc mặc dù chỉ là những hạng mục không đáng kể. Tất nhiên hành động này cũng đặt trên lợi ích của bản thân Pháp khi mà nước này hiện là một trong những quốc gia xuất khẩu vũ khí lớn. Pháp dĩ nhiên  muốn Trung Quốc được tự do như những thị trường nhập khẩu hàng quân sự lớn khác, giống như Ấn Độ. 

Mặc dù là nhân tố chính trong thuyết “ngăn chặn sự trỗi dậy của Trung Quốc nhưng Pháp không phải nước duy nhất trong EU kêu gọi cho việc dỡ bỏ lệnh cấm vận với Trung Quốc. Cùng với Pháp, nước Anh dưới thời Thủ tướng Tony Blair cũng cho rằng lệnh cấm vận này không hiệu quả vì sự không rõ ràng về mặt pháp lý. Ý cũng ở trong số các quốc gia muốn dỡ bỏ lệnh cấm vận này.

Mặc dù có lệnh cấm vận nhưng Anh và Pháp vẫn thực hiện những vụ mua bán vũ khí với Trung Quốc. Họ đã bán cho Trung Quốc các trang thiết bị dành cho quân đội như radar tàu ngầm và máy bay trực thăng. Cả hai nước này đều hiểu lệnh cấm vận của EU áp dụng cho những tàu sân bay lớn hoặc các loại vũ khí sát thương, và tàu Mistral nằm trong danh sách này.

Tronh lúc cuộc tranh cãi trong nội bộ EU về lệnh cấm vận này đang diễn ra thì một số nguồn tin cho biết bất chấp lệnh cấm vận, một số nước EU đã thu hàng tỉ euro từ việc bán khí tài công nghệ cho quân đội Trung Quốc dưới các dạng như giấy phép sử dụng chung, vũ khí không sát thương và thậm chí là cả một số loại sát thương như vũ khí nòng trơn. Một nhà phân tích nhận định “không có công nghệ của châu Âu thì hải quân Trung Quốc không thể tiến xa”. 

Hiện tại, hình ảnh Trung Quốc đối với EU đã khác rất nhiều so với 10 năm về trước. Cũng giống như Mỹ và các nước châu Á, EU cũng đang lo ngại về việc Trung Quốc hiện đại hóa quân sự, về những hoạt động lấn chiếm đất của Trung Quốc tại vùng Biển Đông cũng như tranh chấp với Nhật Bản tại quần đảo Senkaku/Điếu Ngư ở Hoa Đông. 

Những dự đoán của bộ trưởng quốc phòng Pháp Alliot-Marie về sự trỗi dậy của Trung Quốc dường như đã trở thành hiện thực, đặc biệt là khi trong báo cáo thường niên năm 2015 về Trung Quốc, Bộ quốc phòng Mỹ đặc biệt chú ý đến khả năng tự đóng tàu chiến chuyên nghiệp và hiệu quả của Bắc Kinh.

Trong khi đó, EU hiện đang tham gia ngày càng nhiều vào các diễn đàn an ninh khu vực Đông Á. Mặc dù châu Âu không đóng vai trò chính trong việc xác định trật tự châu Á trong tương lai, nhưng EU muốn đảm bảo cho mình một vị trí trong cuộc chơi cũng như những giá trị và các mối quan tâm của họ được coi trọng. Vì vậy, cho dù lệnh cấm vận có được gỡ bỏ thì Pháp cũng không thể bán tàu lớp Mistral cho Trung Quốc vì đối với Pháp, những lo ngại về vai trò trỗi dậy của Trung Quốc cũng giống như với Nga là nhân tố ngăn cản việc mua bán này.

Hai tháng trước, Tổng thống Pháp Francois Hollande trong cuộc gặp với người đồng cấp Philippines Benigno Aquino đã nhấn mạnh rằng Pháp không hậu thuẫn cho việc ép buộc hoặc sử dụng vũ lực đối với các vấn đề ở khu vực Biển Đông. Hai nhà lãnh đạo đã nhấn mạnh việc “chống lại bất cứ đòi hỏi hoặc tranh giành bằng cách ép buộc hoặc bằng vũ lực của một quốc gia đối với các vùng lãnh thổ của một quốc gia khác mà sự tranh giành này vi phạm luật quốc tế, đặc biệt là vi phạm Hiến chương Liên Hợp Quốc”. 

Trong bối cảnh này, việc Pháp chuyển giao cho Trung Quốc một chiếc tàu đổ bộ tấn công sẽ là điều rất khó có thể xảy ra, và nếu có, sẽ đẩy Pháp vào tình thế “nói một đằng, làm một nẻo”.

Uyên Châu
Theo The Diplomat