Vì sao ông Zelensky nhận định "phương Tây lo cả Ukraine và Nga đều thua"?
(Dân trí) - Đằng sau nhận định của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky rằng "phương Tây lo cả Ukraine và Nga đều thua" là nỗi trăn trở của Kiev khi cuộc chiến chưa có hồi kết.
"Chúng tôi đang ở trong một tình huống trớ trêu khi phương Tây lo ngại rằng Nga sẽ thua trong cuộc chiến. Và họ cũng không muốn Ukraine thua cuộc", Tổng thống Zelensky trả lời phỏng vấn AFP hồi giữa tháng 5.
Theo ông, các đồng minh của Ukraine "lo Nga sẽ thất bại" và muốn "Kiev thắng theo cách mà Nga không thua". Điều này tạo ra những bất đồng về mặt quan điểm giữa Ukraine và đồng minh.
Ông Zelensky cho rằng, phương Tây dường như lo rằng nếu Nga thua cuộc, điều đó sẽ dẫn tới các kịch bản địa chính trị "khó lường" trên thế giới.
Ngay sau đó, người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Mỹ Matthew Miller đã nêu quan điểm thực sự của Washington trong cuộc chiến Nga - Ukraine: Mỹ muốn Moscow thua và Kiev chiến thắng.
Tuy nhiên, theo Foreign Policy, trên thực tế, sự ủng hộ của phương Tây cho Ukraine và việc khối này muốn tránh rủi ro leo thang căng thẳng với Nga "ngày càng trở nên mâu thuẫn với nhau".
Nỗi trăn trở của Ukraine
Ngày 24/4, Ukraine và những bên ủng hộ nước này thở phào nhẹ nhõm khi Tổng thống Mỹ Joe Biden ký thành luật viện trợ nước ngoài được chờ đợi từ lâu, cung cấp hơn 60 tỷ USD cho Ukraine.
Đạo luật này được coi như chiếc "phao cứu sinh" cho Ukraine sau nhiều tháng Kiev liên tiếp đánh mất vị thế trên chiến trường vì thiếu hụt nghiêm trọng vũ khí và nhân lực.
Vào thời điểm đó, NATO nhiều lần cảnh báo rằng bên nào không thể bắn trả sẽ thua trong cuộc chiến tiêu hao. Tổng thống Zelensky cũng thừa nhận Ukraine sẽ thất bại nếu không có thêm viện trợ từ Mỹ.
Vì vậy, gói viện trợ mới nhất của Mỹ đã mang lại cho Ukraine cơ hội phòng thủ và hy vọng phản công.
Tuy nhiên, Foreign Policy nhận định, thách thức của Ukraine không chỉ là vấn đề nguồn lực.
Trong khối phương Tây do Mỹ dẫn đầu, có 2 xu hướng đang ngày càng trở nên mâu thuẫn với nhau.
Một mặt, Mỹ tuyên bố "cam kết của chúng tôi với Ukraine sẽ không suy yếu" và Washington sẽ hỗ trợ cho Kiev "miễn là còn cần thiết".
Mặt khác, cả Mỹ và NATO đều tỏ ra thận trọng và thậm chí quan ngại về kịch bản một cuộc đối đầu trực tiếp với Nga, cường quốc quân sự, quốc gia có kho vũ khí hạt nhân lớn nhất thế giới.
Nếu đánh giá riêng rẽ, 2 mục tiêu trên đều rất hợp lý theo quan điểm của khối phương Tây, nhưng trên thực tế, việc cân bằng được chúng là một thách thức lớn, khi càng ngày chúng càng đi lệch quỹ đạo với nhau.
Vào thời điểm đầu của cuộc chiến, phương Tây có căn cứ để tin vào chiến lược Ukraine của họ.
Sau khi Nga không thể kết thúc được chiến dịch đặc biệt quân sự trong thời gian ngắn và Ukraine phản công giành lại nhiều khu vực từ tay Moscow, Mỹ và đồng minh tin rằng, với sự hỗ trợ của họ, Kiev có lợi thế hơn Nga.
Phương Tây cũng tin, với hơn 17.000 lệnh trừng phạt áp lên Nga, các nỗ lực cô lập về ngoại giao và kinh tế, Moscow sẽ sớm phải nhượng bộ.
Chính vì niềm tin như vậy, trong giai đoạn đầu, Mỹ vẫn tin rằng Ukraine có thể giành được chiến thắng mà phương Tây không cần phải leo thang căng thẳng quá mức cần thiết với Nga. Đó có thể là lý do trong những tháng đầu cuộc chiến, phương Tây không viện trợ vũ khí hạng nặng cho Ukraine vì lo ngại nó sẽ gửi thông điệp làm tình hình trở nên leo thang với Nga.
Tuy nhiên, tính toán của phương Tây dường như đã trật nhịp khi xung đột ban đầu phát triển thành cuộc chiến tiêu hao. Với năng lực quân sự vượt trội và khả năng lách qua các lệnh trừng phạt, Nga vẫn duy trì được khả năng chiến đấu. Thậm chí, năng lực sản xuất quân sự của Nga còn vượt trội hơn phương Tây khi Moscow có khả năng huy động tổng lực nguồn lực sản xuất.
Phương Tây bắt đầu trở nên quyết liệt hơn trong việc viện trợ Ukraine, từ xe tăng, hệ thống phòng không tối tân, tên lửa tầm xa. Tuy nhiên, sự thận trọng của phương Tây đã khiến Ukraine bối rối khi họ thất thế trên tiền tuyến. Lý lẽ của Ukraine là viện trợ của phương Tây đến quá chậm.
"Mọi quyết định hỗ trợ chúng tôi đều được đưa ra muộn khoảng một năm", ông Zelensky phàn nàn trong bài trả lời phỏng vấn gần đây.
Sự chần chừ của phương Tây kéo theo hiệu ứng "cánh bướm". Vì không phải phương Tây cứ quyết định sẽ chuyển vũ khí cho Ukraine, họ sẽ chuyển ngay.
Ukraine sẽ mất nhiều tháng chờ đợi để được phương Tây huấn luyện lực lượng, chuẩn bị hậu cần, thậm chí chờ một số nước bắt đầu sản xuất ra vũ khí.
Trong một cuộc chiến mà chiến thuật thay đổi không ngừng nghỉ, việc vũ khí đến chậm về cơ bản đã làm giảm đi đáng kể lợi thế.
Hồi tháng 4, Politico dẫn lời các quan chức quân sự Ukraine giấu tên cho biết, có một xu hướng "đáng tiếc" là vũ khí phương Tây gửi cho Kiev quá chậm đến mức chúng trở nên không còn phù hợp với tình hình chiến trường. Điều này khiến nhiều vũ khí dù hiện đại nhưng không tác chiến như kỳ vọng.
Theo các quan chức này, trong khoảng thời gian Ukraine chờ đợi vũ khí phương Tây, Nga thường sẽ tìm ra chiến thuật nhằm "bắt bài" chúng.
Các quan chức Ukraine nói với Politico rằng, F-16 là một ví dụ cụ thể vì Kiev rất cần các tiêm kích này trong năm 2023, nhưng tới năm 2024, chúng trở nên ít phù hợp hơn với tình hình thực tế.
Nguồn tin ẩn danh giải thích rằng Nga đã thử nghiệm khả năng phòng không và đã triển khai radar và tên lửa phòng thủ theo cách có thể khiến phần lớn khả năng tấn công của F-16 trở nên vô hiệu.
Một ví dụ khác là tên lửa tầm xa Storm Shadow và SCALP. Sau các cuộc tấn công gây thiệt hại của Ukraine nhằm vào vị trí của Nga dùng các vũ khí trên, Moscow đã thay đổi chiến thuật phòng thủ.
Ông nói: "Các hệ thống vũ khí trở nên không phù hợp rất nhanh vì chúng nhanh chóng bị người Nga bắt bài. Người Nga luôn luôn nghiên cứu. Họ không cho chúng tôi cơ hội thứ hai. Và họ đã thành công trong việc này".
Thời gian chính là biến số gây bất lợi cho Ukraine trong cuộc chiến với Nga. Ukraine càng chờ lâu, cơ hội phản công của họ càng trở nên khó khăn hơn.
Tư lệnh đồng minh tối cao của NATO, tướng Christopher Cavoli nhận định, Nga đang tái thiết quân đội của mình "nhanh hơn nhiều so với ước tính ban đầu của phương Tây" và quân đội của Moscow hiện đã lớn hơn trước khi cuộc chiến xảy ra.
Nền kinh tế Nga không sụp đổ hay lao dốc như những gì phương Tây suy nghĩ khi buông "bức màn sắt" gây áp lực cho Moscow. Nga dự kiến tiếp tục đà tăng trưởng trong năm nay, trong khi xã hội Nga, dưới sự lãnh đạo của Tổng thống Vladimir Putin, vẫn duy trì được sự đoàn kết nhất định trước áp lực của phương Tây.
Đây là một phần lý do mà nhiều nước phương Tây lo ngại, nếu Nga thành công ở Ukraine, Moscow sẽ không dừng lại. Điều này giải thích cho việc nhiều quan chức phương Tây trở nên cứng rắn hơn trong thời gian qua, với những phát ngôn chạm trực tiếp vào "lằn ranh đỏ" Nga đã vẽ ra trước đó.
Trong khi Nga đang chiếm ưu thế trong cuộc chiến tiêu hao, tình hình của Ukraine đang trở nên lung lay. Thiếu vũ khí và đạn dược, Ukraine buộc phải nhượng bộ trên mặt trận, với việc Nga đã đạt được những bước tiến đáng kể nhất kể từ tháng 7/2022 và Moscow được cho là đang chuẩn bị cho một cuộc tấn công vào mùa hè.
Mặc dù vũ khí của Mỹ đang được viện trợ nhưng chúng sẽ cần thời gian để có thể được đưa ra mặt trận.
Một thách thức khổng lồ của Ukraine chính là thiếu nhân lực. Vũ khí có thể mất vài tháng để đưa ra chiến trường, nhưng việc tuyển quân, huấn luyện đưa ra tiền tuyến là nhiệm vụ đầy thách thức và khó có thể xử lý nhanh chóng.
Ukraine thực hiện hàng loạt biện pháp như hạ tuổi huy động, gọi nhập ngũ các tù nhân, nhằm giải "cơn khát" lực lượng.
Mặt khác, dù Mỹ đã thông qua gói viện trợ 60 tỷ USD cho Ukraine, nhưng việc Washington có tiếp tục viện trợ hay không lại là một vấn đề khác của Kiev.
Trong một cuộc khảo sát gần đây của Gallup, dư luận Mỹ đang trở nên chia rẽ giữa 2 luồng quan điểm rằng Mỹ đang viện trợ quá ít hoặc quá nhiều cho Ukraine. Sự ủng hộ dành cho viện trợ Ukraine của các đảng viên đảng Dân chủ đã tăng mạnh so với mùa thu năm ngoái, trong khi sự ủng hộ của đảng Cộng hòa lại tụt lại phía sau.
Do đó, tương lai các gói viện trợ cho Ukraine có thể phụ thuộc rất lớn vào việc đảng nào giành chiến thắng trong cuộc đua tới Nhà Trắng và lưỡng viện vào tháng 11 năm nay. Điều này lại càng khiến Ukraine rơi vào thế bất định khi cuộc chiến tiêu hao chưa có dấu hiệu khép lại.
Tính toán của phương Tây
Cũng trong bài trả lời phỏng vấn AFP tuần trước, ông Zelensky thừa nhận Ukraine và phương Tây có chung hệ giá trị, nhưng có bất đồng về quan điểm, đặc biệt liên quan tới cách mà cuộc chiến có thể khép lại.
"Mọi người đều muốn tìm ra một mô hình nào đó để cuộc chiến kết thúc nhanh hơn", ông nói khi được hỏi về khả năng xảy ra một kịch bản chấm dứt xung đột giống như kịch bản thiết lập ranh giới chia đôi bán đảo Triều Tiên.
"Chúng tôi muốn chiến sự kết thúc với hòa bình công bằng cho chúng tôi trong khi phương Tây muốn cuộc chiến kết thúc sớm nhất có thể. Và đối với họ, đó là giải pháp hòa bình công bằng", ông nói.
Theo cựu nghị sĩ Mỹ Adam Kinzinger, có một tâm lý tương đối phổ biến trong chính quyền Tổng thống Joe Biden hiện tại chính là: Lo ngại căng thẳng leo thang. Các chính trị gia theo xu hướng này thường lo ngại rằng bất kỳ sự gia tăng hỗ trợ nào cho Ukraine đều nguy cơ dẫn tới Thế chiến III.
Nga là cường quốc quân sự, có kho vũ khí hạt nhân lớn nhất thế giới và hàng loạt các vũ khí "không thể cản phá". Việc Mỹ và phương Tây không muốn bước qua "lằn ranh đỏ" của Nga là điều không khó hiểu.
Cách mà cuộc chiến có thể kết thúc là điều đang gây ra tranh cãi trong thời gian qua. Các chuyên gia địa chính trị thường xuyên nhấn mạnh rằng để cuộc chiến khép lại, 2 bên sẽ cần đàm phán.
Tại phương Tây, có 2 luồng ý kiến khác nhau. Một bên cho rằng, nếu đàm phán là điều không thể tránh khỏi, thì các bên nên ngồi vào bàn thương lượng sớm hơn là chờ chiến sự ngày càng phức tạp và rủi ro ngày càng cao.
Ví dụ, Hungary nhiều lần kêu gọi đàm phán, thậm chí gợi ý Ukraine nên trở thành "vùng đệm" giữa Nga và phương Tây, tức là duy trì trạng thái trung lập. Ukraine dĩ nhiên phản bác điều này.
Một luồng ý kiến khác cho rằng, để đàm phán thì Ukraine cần phải thay đổi được cục diện và thế trận để không bị lép vế trước Nga. Phương Tây sẽ phải có vai trò hỗ trợ để Ukraine đạt được điều này.
Đó là lý do vì sao các nước phương Tây như Pháp, Anh, Đức và Mỹ đã bắt đầu nới lỏng quy định, cho phép Ukraine sử dụng một số loại vũ khí viện trợ tấn công vào lãnh thổ Nga. Họ không muốn Ukraine bị "trói tay" không thể phản ứng khi Nga tấn công từ bên kia biên giới.
Sâu xa hơn, khi Nga đạt được đà tiến quá nhanh trên chiến trường trong thời gian qua, khi Moscow sản xuất vũ khí ngày càng nhanh và giá thành rẻ, phương Tây lo ngại Ukraine sẽ có thể thất thế nhanh chóng, sụp đổ dây chuyền trong cuộc chiến tiêu hao.
Một nghiên cứu mới đây dự đoán, Nga trong năm nay sẽ sản xuất số đạn pháo nhiều gấp 3 lần cả khối phương Tây. Giá thành của mỗi quả đạn 152mm của Nga ước tính rẻ bằng 1/4 so với đạn 155mm của phương Tây. Nếu Nga duy trì đà tiến như vậy và phương Tây không hành động, Ukraine sẽ có thể đối mặt với một mùa hè không dễ dàng khi Moscow mở trận đánh lớn với tiềm lực quân sự áp đảo.
Đó là lý do mà bất chấp Nga cảnh báo căng thẳng leo thang, phương Tây vẫn thực hiện các bước đi có thể "chọc giận" Moscow như cung cấp tên lửa tầm xa, cung cấp tiêm kích F-16, cho phép Ukraine tấn công lãnh thổ Nga bằng vũ khí viện trợ.
Theo ông Kinzinger, một lý do quan trọng khiến phương Tây nới dần các bước có thể làm leo thang căng thẳng với Nga chính là việc Moscow trong hơn 2 năm qua đã nhiều lần phát đi các cảnh báo cứng rắn, nhưng khi NATO tăng cường hỗ trợ cho Ukraine, kịch bản chiến sự giữa Nga và phương Tây vẫn chưa xảy ra.
Ông Kinzinger cho rằng, Nga đã sử dụng đòn tâm lý chiến với phương Tây để kiềm chế các đợt viện trợ của NATO cho Ukraine trong thời gian qua. Chính vì vậy, phương Tây vẫn thận trọng chiến lược, không tung hết các lá bài ra cùng một lúc, vì lo ngại nó sẽ đẩy căng thẳng lên cao trào. Ngược lại, phương Tây đã từng bước một nới lỏng dần gói viện trợ cho Ukraine.
Chính điều này đã khiến cho Ukraine phàn nàn rằng, mọi quyết định của phương Tây hầu hết đều muộn hơn một năm so với những gì mà Kiev mong muốn, khiến Ukraine bỏ lỡ cơ hội.
Mặt khác, phía Ukraine vẫn kiên định giữ lập trường rằng Nga phải rút quân hoàn toàn khỏi Ukraine, bao gồm cả Crimea trước khi bất cứ cuộc đàm phán nào có thể nối lại. Đây là mục tiêu không dễ với tình hình chiến sự hiện tại và Ukraine mong muốn phương Tây phải viện trợ nhiều hơn nữa để họ đạt được mục đích.
Tuy nhiên, Nga đã bắt đầu các cuộc tập trận hạt nhân trong thời gian qua và sẽ tiếp tục tổ chức các cuộc diễn tập tương tự. Phương Tây hiểu rằng, vũ khí hạt nhân không phải là trò đùa. Họ đã bước vào một canh bạc rủi ro khi cho phép Ukraine dùng vũ khí tấn công vào lãnh thổ Nga. Bước đi này sẽ cần có sự kiềm chế nhất định để không xâm phạm vào học thuyết hạt nhân của Nga, nếu không, một kịch bản khó lường có thể xảy ra.
Vì vậy, Mỹ hiện chỉ cho phép Ukraine dùng vũ khí viện trợ tấn công vào lãnh thổ Nga giáp Kharkov để ngăn đà tiến của Moscow. Các vũ khí tầm xa hơn vẫn bị cấm sử dụng. Lý luận của Mỹ là Ukraine có quyền phản đòn khi Nga tấn công trước.
Tuy nhiên, chuyên gia Franz-Stefan Gady tại Viện nghiên cứu chiến lược quốc tế cho rằng, việc Mỹ "bật đèn xanh" cho Ukraine như vậy khó tạo ra bước ngoặt trên tiền tuyến. Nga vẫn có thể đặt vũ khí ở sâu hơn trong lãnh thổ, vượt ngoài tầm bắn của vũ khí tầm ngắn Ukraine.
Mathieu Boulegue, nhà nghiên cứu tại Trung tâm Phân tích Chính sách Châu Âu, cũng nhận định động thái của Mỹ khó làm thay đổi cục diện, mà chỉ là một động thái giúp Ukraine tăng cường năng lực tự vệ ở Kharkov.
Đây chính là một nghịch lý mà Ukraine cảm nhận thấy từ các gói viện trợ của phương Tây. Mỹ và đồng minh hy vọng vào những đột phá của Ukraine trên chiến trường, đồng thời muốn tránh leo thang với Nga nên có thể sẵn sàng kìm hãm Kiev bằng các hạn chế khác nhau.
Phương Tây có lý khi cho rằng hoạt động viện trợ nhằm giúp Ukraine có vị thế đàm phán vững chắc, nhưng điều này lại đặt ra câu hỏi: Làm thế nào để xác định thời điểm thương lượng đã tới? Nếu Ukraine tiếp tục chiến đấu mà không đàm phán, vị thế của Kiev sẽ tăng lên hay suy giảm? Liệu hành động nào có thể sẽ khiến xung đột vượt ra ngoài Ukraine?
Một vấn đề khác cũng khiến Ukraine trăn trở khi một số chuyên gia đặt ra câu hỏi rằng liệu chiến thắng cho Kiev có phải là mục tiêu chính của phương Tây hay không? Hay điều mà Mỹ và đồng minh hướng tới là khiến Nga sụt giảm về tiềm lực kinh tế, quân sự, bị cô lập về mặt ngoại giao? Và nếu thực sự, mục tiêu là như vậy, liệu phương Tây có thể thành công hay không khi Nga vẫn đang thể hiện rằng họ có thể vượt qua được bão trừng phạt và vẫn có năng lực sản xuất quân sự hùng hậu?
Các chuyên gia cho rằng đây là sự mơ hồ chiến lược của phương Tây. Họ tuyên bố viện trợ cho Ukraine để đảm bảo Kiev có vị thế vững chắc khi đàm phán. Nhưng nếu kịch bản đó xảy ra, câu hỏi rằng liệu Kiev có thể giành lại hết lãnh thổ trên bàn đàm phán như họ mong muốn hay không vẫn không có câu trả lời.
Sự mơ hồ chiến lược này cũng không mang tới cho Ukraine một đáp án rõ ràng về tương lai của họ, rằng liệu Kiev có gia nhập EU và NATO sau khi cuộc chiến kết thúc hay không?
Đó chính là lý do mà Ukraine cho rằng họ đang bất đồng quan điểm với phương Tây về cách cuộc chiến kết thúc khi Kiev đã đặt ra mục tiêu rõ ràng, còn những người ủng hộ họ vẫn duy trì sự thận trọng và mơ hồ chiến lược.
Theo Foreign Policy, AFP, Politico