1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Vì sao nội tệ Triều Tiên tăng giá mạnh bất chấp khó khăn do Covid-19?

Minh Phương

(Dân trí) - Kể từ đầu năm nay, nội tệ của Triều Tiên đã tăng 25% so với đồng USD sau khi tăng 15% năm ngoái bất chấp những khó khăn mà đại dịch Covid-19 gây ra với kinh tế nước này.

Vì sao nội tệ Triều Tiên tăng giá mạnh bất chấp khó khăn do Covid-19? - 1

Triều Tiên đã đóng cửa biên giới sau khi Covid-19 bùng phát ở Trung Quốc cuối năm 2019 (Ảnh minh họa: AFP).

Thông thường, giá trị tiền tệ của một nước sẽ suy yếu trong các giai đoạn kinh tế khó khăn. Tuy vậy, một thực tế ngược lại đang diễn ra ở Triều Tiên. Bất chấp những khó khăn mà đại dịch Covid-19 và các lệnh trừng phạt quốc tế gây ra cho nền kinh tế, đồng won của Triều Tiên vẫn tăng giá mạnh.

Bloomberg phân tích dữ liệu từ truyền thông địa phương cho biết, đồng won của Triều Tiên đã tăng 25% so với đồng USD kể từ đầu năm nay sau khi đã tăng 15% trong năm ngoái.

Giới phân tích đã đưa ra nhiều giả thuyết lý giải cho hiện tượng này. Một trong những giả thuyết đó là việc đóng cửa biên giới phòng dịch Covid-19 đã triệt tiêu nhu cầu ngoại tệ ở Triều Tiên. Một giả thuyết khác là Triều Tiên có thể đang siết chặt việc sử dụng ngoại tệ trong nước.

Kim Byung-yeon, giáo sư kinh tế tại Đại học Seoul (Hàn Quốc), bình luận: "Thông thường, tiền tệ sẽ mất giá khi một đất nước đối mặt với khó khăn, nhưng điều ngược lại đang xảy ra ở Triều Tiên". Ông cho rằng, Bình Nhưỡng có thể đang cố tìm cách nâng giá nội tệ để hỗ trợ nền kinh tế, nhưng lạm dụng điều này có thể gây ra những tác động tiêu cực với nền kinh tế.

Tỷ giá hối đoái không chính thức của Triều Tiên được hình thành tại "jangmadang". Đây là các thị trường địa phương hay nền kinh tế không chính thức. Trong khi tỷ giá hối đoái chính thức của đồng won Triều Tiên ổn định ở 100 won/USD suốt 10 năm qua trong khi tỷ giá không chính thức hiện khoảng 5.200 won/USD.

Theo Daily NK, tỷ giá tiền Triều Tiên duy trì ở mức khoảng 8.000 won/USD từ đầu năm 2013, nhưng bắt đầu đà tăng từ năm ngoái, lên hơn 4.700 won/USD, cao nhất kể từ tháng 6/2012.

Nhiều nhà quan sát cho rằng, đại dịch Covid-19 có thể là yếu tố đằng sau đà tăng giá này. Mỹ đã áp lệnh cấm vận thương mại và tài chính hoàn toàn với Triều Tiên từ năm 2017 cùng với các lệnh trừng phạt trước đó của Liên Hợp Quốc. Mặc dù vậy, hàng hóa vẫn bí mật được đưa vào Triều Tiên. Điều này đã thay đổi khi Triều Tiên đóng cửa biên giới năm 2020, Lim Soo-Ho, chuyên gia nghiên cứu cấp cao tại Viện Chiến lược An ninh quốc gia Hàn Quốc, bình luận. "Khi hàng hóa nhập khẩu vào Triều Tiên bị gián đoạn, nhu cầu ngoại tệ cũng giảm", ông Lim nói.

Theo số liệu của Hiệp hội thương mại quốc tế Hàn Quốc, kim ngạch nhập khẩu từ Trung Quốc - đối tác thương mại lớn nhất Triều Tiên giảm hơn 90% kể từ tháng 8/2020 đến tháng 2/2021. Các ảnh chụp vệ tinh cho thấy các tuyến đường, cây cầu giữa Triều Tiên và Trung Quốc đều trở nên vắng vẻ kể từ sau lệnh đóng cửa biên giới của Triều Tiên.

Hoạt động nhập khẩu bị gián đoạn không phải là lý do duy nhất. Theo chuyên gia Lim, đồng won Triều Tiên tăng giá một phần do nhiều ngoại tệ mất sức hút tại Triều Tiên khi chính phủ thắt chặt việc sử dụng những đồng tiền này. Đại sứ quán Nga tại Triều Tiên cho biết trên Facebook rằng, nhiều cơ sở bán lẻ ở Bình Nhưỡng đã ngừng chấp nhận thanh toán bằng đồng USD. Thay vào đó họ yêu cầu thanh toán bằng đồng won. Giới chức tài chính cũng yêu cầu người dân báo cáo việc sở hữu ngoại tệ và tiền gửi ngân hàng.

Kang Mijin, Giám đốc điều hành công ty nghiên cứu về Triều Tiên NK Investment Development, cho biết Triều Tiên có thể đang cố bảo vệ người dân của mình khỏi khó khăn kinh tế bằng cách đẩy giá đồng won và gây ra giảm phát.

Ngoài ra, còn một giả thuyết nữa khiến nội tệ Triều Tiên tăng giá là tình trạng đầu cơ. Tuy nhiên, cho dù là lý do nào, sự sụt giảm thương mại đi kèm với giá tiền tệ tăng có thể là dấu hiệu cho thấy Triều Tiên sẽ phải đối mặt với khủng hoảng kinh tế.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm