1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Vì sao nhóm cực đoan IS liên tiếp thắng thế?

Các lực lượng Iraq đang tập trung hướng về Ramadi, trong nỗ lực đảo chiều đà chiến thắng của IS trong việc chiếm giữ thành phố này.

Thủ tướng Iraq Haider al Abadi cam kết sẽ tiến hành một cuộc phản công "trong vòng ít ngày", khi Baghdad tìm cách giải quyết chương bẽ bàng nhất trong cuộc chiến chống lại IS, kể từ sau khi Mosul thất thủ cách đây gần một năm.
Vì sao nhóm cực đoan IS liên tiếp thắng thế?
 
IS - hiện diện cả ở Iraq và Syria – đã có một tháng thành công. Tổ chức này chiếm được Ramadi ở Iraq và Palmyra ở Syria, nhờ chiến thuật của mình và sự yếu kém hoặc mệt mỏi của đối thủ. Theo một số chuyên gia, IS thậm chí còn được lợi từ những trò chơi quyền lực đang diễn ra ở Baghdad.

Dù vậy chiếm được Ramadi và giữ được thành phố này là hai việc khác biệt. Bằng chứng từ những trận chiến trước đây cho thấy, IS không phòng thủ tốt bằng tấn công, và lực lượng này cũng quá nhỏ bé so với quân số của Iraq.

Tuy nhiên, IS càng cố thủ lâu ở một nơi nào đó thì chúng càng khó bị đánh bật. Trong khi đó, các lực lượng an ninh Iraq (ISF) rõ ràng không đủ sức đảm đương nhiệm vụ một mình.

Ở Syria, việc IS chiếm được Palmyra cho phép tổ chức này tiếp cận nhiều tuyến đường chính tới Homs và Damascus, và cả các mỏ khí lân cận.

Nó cũng cho thấy một sự chuyển đổi của IS, dồn trọng tâm vào các vùng lãnh thổ do chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad kiểm soát ở tây và trung Syria, sau một loạt thất bại trước lực lượng dân quân Kurd vốn được liên quân do Mỹ đứng đầu không kích yểm trợ ở miền bắc.

Hồi tháng 2, các tư lệnh người Kurd gần Mosul cho biết, IS đã biến hàng chục xe chở dầu thành những quả bom khổng lồ để cố thủ vị trí của chúng. Một chiến thuật tương tự cũng được sử dụng để phá vỡ sự kháng cự của lực lượng Iraq tại Ramadi.

Còn có một nỗi sợ hãi nữa mà IS gieo rắc nhằm uy hiếp đối phương: Họ sẽ bị giết một cách dã man nếu bị bắt.

Tại Tikrit tháng 6 năm ngoái, xung quanh Hit hồi đầu năm nay và tại Palmyra ở Syria mới tuần trước, binh lính chính phủ và tất cả những ai bị IS coi là kẻ thù đều bị xử tử. Hành quyết tập thể là một cách gây khiếp hãi.

Điển hình, sau khi chiếm được một căn cứ quân sự Syria gần Raqqa hồi tháng 7 năm ngoái, IS đã chặt đầu hàng chục lính chính phủ rồi quay video trưng lên mạng.

Theo Tổ chức Giám sát Nhân quyền Syria, IS đang bắt đầu gieo rắc chết chóc xung quanh thành cổ Palmyra, xử tử hàng trăm binh sĩ và những người ủng hộ chế độ.

Giới chuyên gia quân sự cũng phải ngạc nhiên về các chiến thuật và khả năng linh hoạt của IS.

Một tư lệnh cấp cao người Kurd thừa nhận với CNN hồi đầu năm nay rằng, IS là một kẻ thù "ghê gớm" và đáng gờm. Tổ chức này có những chỉ huy dày dạn kinh nghiệm và hiểu biết về địa phương. Họ là những người từng phục vụ trong quân đội của Saddam Hussein, và không ít người từng chiến đấu ở Chechnya và Afghanistan.

Một số phân tích gia nhận định IS sẽ tấn công Baghdad.

IS biết rằng, quân số của chúng và dân số đa phần là Shiite ở thủ đô Iraq sẽ khiến cho mục tiêu của chúng bất khả thi. Nhưng một chiến dịch tàn khốc gắn với những cuộc tấn công và đánh bom liều chết nhằm vào các khu vực ven thành (chẳng hạn như xung quanh Abu Ghraib) sẽ là một thách thức lớn cho quân đội Iraq.

Đó là chưa kể đến cả ở Iraq lẫn Syria, IS là một trong những tổ chức có kỷ luật nghiêm ngặt nhất trên chiến trường.

Theo Thanh Hảo
Vietnamnet