1. Dòng sự kiện:
  2. Xung đột leo thang tại Trung Đông
  3. Ukraine tấn công tỉnh Kursk
  4. Xung đột leo thang ở Trung Đông

Vì sao Nhật Bản quan tâm tới Biển Đông?

Thời gian gần đây, Mỹ liên tục kêu gọi Nhật Bản tham gia vào hoạt động tuần tra tại Biển Đông. Vậy Nhật Bản có liên quan gì tới Biển Đông và liệu Tokyo có sẵn sàng đáp ứng lời kêu gọi của Mỹ?

Hải quân Mỹ - Nhật trong một lần tập trận chung tại biển Hoa Đông
Hải quân Mỹ - Nhật trong một lần tập trận chung tại biển Hoa Đông

Phát biểu với báo chí hồi cuối tháng 1/2015, Phó Đô đốc Robert Thomas, chỉ huy Hạm đội 7 của Mỹ tại Thái Bình Dương, nói rằng hoạt động của lực lượng phòng vệ biển Nhật Bản tại khu vực Biển Đông là có ý nghĩa trong tương lai… Những đội tàu cá, tuần duyên và hải quân của Trung Quốc trên Biển Đông đang áp đảo các nước láng giềng.

Ngay sau đó, vào đầu tháng 2/2015, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản, Tướng Nakatani nói với báo giới tại Tokyo rằng sự phụ thuộc lẫn nhau giữa các quốc gia đang tăng lên và sâu thêm, và tình hình ở Biển Đông ảnh hưởng đến an ninh quốc gia của Nhật Bản. Cách thức mà Nhật Bản giải quyết vấn đề này sẽ là một vấn đề trong tương lai.

Tetsuo Kotani, chuyên gia quân sự thuộc Viện Quốc tế Nhật Bản nhận định về tầm quan trọng của Biển Đông đối với Nhật: “Biển Đông quan trọng đối với Nhật vì 3 điểm chính.
 
Thứ nhất, Biển Đông là đường biển quan trọng cho Nhật Bản, hơn 70% số dầu nhập khẩu của Nhật phải đi qua đường này. Chúng tôi vì vậy cần phải có tự do hàng hải trong khu vực.
 
Thứ hai là việc cân bằng sức mạnh trên Biển Đông có ảnh hưởng lớn đối với an ninh trong khu vực biển xung quanh Nhật Bản, đặc biệt là đối với vùng biển Hoa Đông. Vì vậy Nhật Bản rất quan ngại với những căng thẳng trên Biển Đông.
 
Cuối cùng là khi Trung Quốc triển khai chương trình tên lửa đạn đạo hạt nhân trên Biển Đông thì chúng tôi lo ngại là Trung Quốc sẽ gia tăng khả năng hạt nhân và nếu họ thành công trong việc thực hiện chương trình đánh chặn hạt nhân trên biển với Mỹ thì sẽ làm giảm khả năng bảo vệ hạt nhân của Mỹ đối với Nhật Bản.
 
Vì vậy mà chính phủ Nhật Bản cũng quan ngại đến những căng thẳng gần đây trên Biển Đông”.

Thời gian gần đây, Philippines và Mỹ đều đã lên tiếng quan ngại về việc Trung Quốc tiếp tục thực hiện việc bồi đắp đất đá, xây dựng đảo nhân tạo tại một số bãi thuộc quần đảo Trường Sa. Ngày 31/3/2015, Đô đốc Harry Harris Jr. chỉ huy hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ nói trong một cuộc họp báo tại Úc rằng Trung Quốc đang tạo ra một bức tường cát qua việc bồi đắp đất đá trên các đảo, bãi đá tại Biển Đông. Theo ông, tốc độ xây dựng đảo nhân tạo của Trung Quốc đã tạo ra nhiều nghi vấn về ý đồ của Trung Quốc.

Khả năng Nhật Bản sẽ tham gia vào các hoạt động tuần tra trên không và trên biển tại khu vực Biển Đông phụ thuộc vào nhiều yếu tố.
 
Trên phương diện luật quốc tế, giáo sư Carl Thayer, thuộc học viện Quốc phòng Úc, trong bài phân tích về sự tham gia của Nhật Bản ở Biển Đông được đăng trên blog cá nhân hồi đầu tháng 2/2015, viết rằng: “Hoạt động tuần tra trên biển và trên không của Nhật Bản ở khu vực Biển Đông, ở các vùng biển khơi và tuyến đường qua các vùng đặc quyền kinh tế của các nước ven biển là hoàn toàn hợp pháp theo luật quốc tế… Nếu bản hướng dẫn hợp tác quốc phòng Nhật-Mỹ được chỉnh sửa thích hợp, thì hoạt động tuần duyên của hải quân Nhật Bản tại Biển Đông sẽ là một kết quả hợp lý. Nhật Bản cũng là lãnh đạo thông qua Thỏa thuận hợp tác khu vực về chống cướp biển và cướp có vũ trang chống lại các tàu tại châu Á, trong nỗ lực chống cướp biển. Tuần duyên Nhật Bản vẫn thường xuyên đi thăm các nước trong khu vực. Hợp tác song phương giữa Nhật Bản và bất cứ quốc gia Đông Nam Á nào là tuân thủ theo quy tắc chung của khu vực”.

Mặc dù đã có những dấu hiệu được cho là tích cực đến từ phía Nhật Bản liên quan đến đề nghị của Mỹ về hoạt động tuần duyên tại Biển Đông, nhưng theo Bộ Ngoại giao Mỹ, cho đến lúc này phía Mỹ vẫn chưa nhận được bất cứ kế hoạch hay đề nghị nào từ phía Nhật Bản liên quan đến hoạt động này.

Theo một số nhà phân tích, việc Nhật Bản tham gia các hoạt động tuần tra ở Biển Đông sẽ làm gia tăng căng thẳng trong khu vực.

Ngay sau phát biểu của Phó Đô đốc Robert Thomas vào tháng 1/2015, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc, Hoa Xuân Oánh, đã lên tiếng cảnh báo các quốc gia ngoài khu vực nên kiềm chế không gây bất đồng giữa các nước khác và tạo căng thẳng.

Giáo sư Carl Thayer cho rằng hoạt động tuần tra của Nhật trên Biển Đông sẽ làm tăng nỗi lo ngại về một vòng phản ứng qua lại. Theo ông, Trung Quốc sẽ rất có thể tuyên bố một vùng nhận dạng phòng không tại Biển Đông dù điều này hoàn toàn vô nghĩa, vì Trung Quốc đã không thể ngăn cản được máy bay của Mỹ và các nước khác vào vùng nhận dạng phòng không mà nước này lập ra ở biển Hoa Đông tiếp giáp với Nhật Bản.

Hơn thế nữa, trong các năm qua Trung Quốc đã tăng cường sự hiện diện của hải quân ở Biển Đông bằng việc gia tăng các tàu hải giám, kiểm ngư, và cả các tàu tuần tra của hải quân. Theo giáo sư Thayer, nhiều khả năng Trung Quốc sẽ cho tiến hành tập trận lớn vì mục đích tuyên truyền này. Nếu Nhật Bản bắt đầu hoạt động tuần tra trên Biển Đông, căng thẳng sẽ gia tăng vì chính sách của quân đội Trung Quốc là nếu một nước chống lại lợi ích của Trung Quốc ở mức 1, thì Trung Quốc sẽ đáp lại ở mức 2.

Theo Nh.Thạch (tổng hợp)
PetroTimes

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm