1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Vì sao ngày càng nhiều người gốc Hong Kong quay trở lại Canada?

(Dân trí) - Canada đang chứng kiến hiện tượng ngày càng nhiều người gốc Hong Kong mang quốc tịch Canada sau khi chuyển tới sống ở xứ Cảng Thơm đã tiếp tục quay trở lại quốc gia châu Mỹ.

Vì sao ngày càng nhiều người gốc Hong Kong quay trở lại Canada? - 1

(Ảnh minh họa: SCMP)

Thời báo Hoa nam Buổi sáng dẫn số liệu từ một cuộc điều tra dân số gần nhất ở Canada cho thấy hàng nghìn người gốc Hong Kong đang quay trở lại Canada, trong một hiện tượng được gọi là di cư ngược kép. Đây là hiện tượng mô tả những người sinh ra ở Hong Kong, sang Canada xin nhập quốc tịch, rồi lại chuyển về hòn đảo một thời gian, trước khi tiếp tục di cư sang quốc gia châu Mỹ thêm một lần nữa.

Các số liệu cho thấy số người mang quốc tịch Canada sinh ra ở Hong Kong lần đầu tiên từ năm 1996 tăng trở lại.

Làn sóng công dân chuyển về Hong Kong sau khi có quốc tịch Canada đã trở nên bùng nổ trong những năm trước đây. Tuy nhiên, dữ liệu điều tra dân số cho thấy, làn sóng di cư này đang có dấu hiệu đảo ngược, với khoảng 8.000 người nhập cư ngược trở lại Canada cùng với con cái từ Hong Kong trong khoảng 5 năm trước cuộc thống kê lần cuối vào năm 2016 của chính phủ Ottawa.

Nguyên nhân

Giáo sư Daniel Hiebert tại đại học British Columbia nhận định rằng làn sóng di cư ngược kép này hoàn toàn hợp lý, ít nhất là về mặt lý thuyết.

“Người gốc Hong Kong ồ ạt di cư sang Candana khi họ khoảng 40-45 tuổi vào năm 1990. Cuộc sống ở Canada rất tốt nhưng khá nhàm chán và các cơ hội khá hạn chế, khác với Hong Kong vì thế họ quyết định trở lại nơi “chôn rau cắt rốn”. Tuy nhiên, khi người đó khoảng 65-70 tuổi, họ có thể sẽ không quan tâm tới việc sống trong một thành phố sôi động và bắt đầu nghĩ tới nghỉ hưu. Canada lúc này là một lựa chọn không tồi”, ông Hiebert cho hay.

Theo nhà nghiên cứu Kennedy Chi-pan Wong từ đại học British Columbia, những người di cư ngược kép này rời Hong Kong có thể vì họ không thích việc hòn đảo trở lại với Trung Quốc đại lục vào năm 1997 dưới mô hình “một quốc gia, hai chế độ”. Tuy nhiên, có nhiều người dường như đơn giản là không muốn cuộc sống thường ngày của bị ảnh hưởng những cuộc đấu tranh chính trị tại xứ Cảng Thơm.

Theo các chuyên gia, Hong Kong trong bối cảnh hiện tại có thể ẩn chứa nhiều bất ổn ở trạng thái tiềm tàng do những mâu thuẫn trong xã hội và những thay đổi này có thể ảnh hưởng trực tiếp tới chất lượng cuộc sống của những người dân hòn đảo.

Số lượng người Canada gốc Hong Kong đang sinh sống tại quốc gia châu Mỹ tăng 5.975 khi so sánh dữ liệu 2 cuộc điều tra dân số năm 2011 và 2016 (tăng từ 209.775 lên 215.750). Tính cả tỉ lệ tử vong trong khoảng thời gian trên là 7,5/1.000 người đối với nhóm người gốc Hong Kong thì số lượng người di cư ngược kép cùng với con cái và gia đình là 8.755 người.

Thậm chí, theo các nhà nghiên cứu, con số thực tế có thể sẽ phải cao hơn cả 8.755.

Vì sao ngày càng nhiều người gốc Hong Kong quay trở lại Canada? - 2

Cô Jenny Liu (Ảnh: SCMP)

Jenny Liu, một người đang làm về nhân sự ở Vancouver, là một người di cư ngược kép. Liu tới Canada lần đầu khi cô còn ở tuổi thiếu niên cùng với gia đình vào đầu những năm 1990.

Sau khi học phổ thông và nhận bằng cử nhân kinh doanh tại đại học Windsor, Ontario, cô quay trở lại Hong Kong năm 1998. Tới năm 2015, cô và cha mẹ lại chuyển sang Canada một lần nữa.

Ở tuổi 40 và đã thành hôn, Liu cho biết cô không có kế hoạch trở lại Hong Kong lần nữa vì nơi này “đã thay đổi quá nhiều”.

Một trong những yếu tố then chốt khiến cô trở lại Canada là sự việc ông Lương Chấn Anh trở thành Trưởng đặc khu năm 2012. Bất đồng quan điểm với nhiều chính sách của ông Lương, một người được cho là thân với Trung Quốc, Liu đã lên kế hoạch trở lại Canada sinh sống.

Dù hiện thời Liu không còn mấy “mặn mà” với Hong Kong, tuy nhiên, cuộc biểu tình quy mô lớn ở hòn đảo hồi cuối tuần qua phản đối dự luật dẫn độ về đại lục cũng có ảnh hưởng nhất định tới cô.

Cô cũng tham gia vào phong trào biểu tình trực tuyến và cùng với một nhóm người Hong Kong tới trước lãnh sự quán Trung Quốc ở Vancouver để nêu ra ý kiến phản đối. Liu cho biết cô cảm thấy mình cần có trách nhiệm như một người Hong Kong.  

Đức Hoàng