1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Vì sao Nga tuyên bố đanh thép trước khả năng NATO cấp F-16 cho Ukraine?

Lê Ngọc Thống

(Dân trí) - Khi NATO dự định cấp máy bay F-16 cho Kiev, Tổng thống Vladimir Putin cảnh báo quân đội Nga sẽ tìm các phương án phá hủy tiêm kích này nếu Ukraine được trang bị.

Vì sao Nga tuyên bố đanh thép trước khả năng NATO cấp F-16 cho Ukraine? - 1

Mỹ và NATO có thể sẽ sớm chuyển giao tiêm kích F-16 cho Ukraine (Ảnh: Không quân Mỹ).

Nga tuyên bố đanh thép

Tổng thống Nga Vladimir Putin mới đây đã cảnh báo: "Xe tăng (phương Tây) đang bốc cháy. Trong số đó có Leopard. Máy bay F-16 cũng sẽ như vậy. Không nghi ngờ gì nữa".

Ông cho biết thêm, nếu máy bay này xuất kích từ các căn cứ bên ngoài lãnh thổ Ukraine, có thể dẫn tới cuộc chiến công khai giữa Nga với khối quân sự NATO.

Có thể nói, đây là lần đầu tiên Tổng thống Putin trực tiếp tuyên bố sẽ tấn công vào nơi nào để cho F-16 cất cánh tập kích vào lãnh thổ Nga.

Điều đó có nghĩa là nếu F-16 cất cánh từ sân bay của quốc gia nào ngoài Ukraine thì căn cứ sân bay đó sẽ bị Nga tấn công, bất chấp việc quốc gia đó là thành viên NATO, có "ô" Điều 5 hoặc Điều 50 của NATO về phòng thủ tập thể, hay không.

Đến đây có một câu hỏi lớn mở ra: F-16 hiện đại cỡ nào, nguy hiểm ra sao, có thể thay đổi cuộc chơi hay không mà khiến Nga lo sợ, phải răn đe cảnh báo đanh thép đến như vậy?

"Đừng đùa" với sức mạnh của F-16

F-16 là tiêm kích hạng nhẹ đa năng của Mỹ, đang giữ kỷ lục là máy bay chiến đấu phản lực siêu âm thế hệ 4 từng được sản xuất nhiều nhất trên thế giới. Ngoài không chiến, chúng có khả năng mang cả tên lửa dẫn đường chính xác và bom.

Cho đến nay, các nước phương Tây đã đồng ý cung cấp các phiên bản không mấy hiện đại của F-16 cho Kiev. Nhiều quốc gia hiện đang sử dụng F-16 có kế hoạch loại biên và thay thế bằng những chiếc tiêm kích tàng hình F-35 tiên tiến hơn.

Trong chuyến thăm Ukraine gần đây, Bộ trưởng Quốc phòng Đan Mạch Troels Poulsen xác nhận rằng quốc gia này cùng với đồng minh sẽ cung cấp máy bay F-16 cho Kiev.

Hà Lan thông báo số lượng máy bay sẵn sàng chuyển giao sẽ là 18 chiếc. Na Uy cũng có tên trong số những nhà cung cấp chính máy bay chiến đấu F-16 cho Ukraine.

Ngoài ra, đây mới là điều hết sức quan trọng, tập đoàn Lockheed Martin sẽ tăng cường sản xuất F-16 để bổ sung kho dự trữ cho bất kỳ quốc gia nào chuyển giao máy bay chiến đấu của mình tới Ukraine.

Điều này đã được tuyên bố bởi Giám đốc điều hành của Lockheed Martin, Frank St. John. Ông này cho biết tập đoàn sẵn sàng tăng cường sản xuất máy bay chiến đấu F-16, đáp ứng đủ theo quyết định giao hàng cho Ukraine.

Khi nói về tên lửa siêu vượt âm Nga, Tổng thống Mỹ Joe Biden bình luận hài hước, rằng "đó là loại vũ khí có tác động lớn, song nó sử dụng cùng đầu đạn với các tên lửa Nga từng phóng, nên không tạo ra nhiều khác biệt, ngoại trừ việc gần như không thể bị đánh chặn".

Còn với máy bay F-16, Tổng thống Nga Putin nói rằng F-16 cũng bị đốt cháy như xe tăng Leopard 2A6 thôi, nhưng chỉ "lệch" so với các loại máy bay khác là nó có cấu hình mang được cả bom hạt nhân.

Vì sao Nga tuyên bố đanh thép trước khả năng NATO cấp F-16 cho Ukraine? - 2

Một số quốc gia NATO đã cam kết cấp F-16 cho Ukraine (Ảnh: Fineart).

Nga có thể đối phó nếu Ukraine có F-16?

Hãy tưởng tượng một phương án tác chiến của máy bay F-16 trong tay quân đội Ukraine, trước mắt dự kiến là 2 phi đội với 24 chiếc như chính quyền Kiev đề nghị.

Có thể nói, với việc bố trí các hệ thống phòng không quốc gia như tên lửa S-400, S-500 của Nga thì việc phóng tên lửa hay xuất kích máy bay từ căn cứ của NATO tại châu Âu đều được Nga kiểm soát, theo dõi chặt chẽ.

Hiện tại, Ukraine không có khả năng để tiếp nhận F-16 vì sân bay, bảo dưỡng kỹ thuật chưa đảm bảo. Do đó, cũng không loại trừ khả năng F-16 của không quân Ukraine (nếu có) sẽ đóng ở nước ngoài rồi từ đó xuất kích?

Tổng thống Putin từng công khai khẳng định trước toàn thế giới là NATO đang chiến đấu với Nga tại Ukraine. Moscow lo ngại, trong tình thế lực lượng ủy nhiệm của khối này tại chiến trường nếu thất bại, liệu họ có mượn tay "ai đó" tấn công bằng vào lãnh thổ Nga bằng F-16, khiến Moscow không kịp trở tay hay không?

Trước một mối nguy như vậy, chính quyền Nga lo ngại nếu không mạnh mẽ, cứng rắn thì hậu quả sẽ rất phức tạp. Đó dường như là lý do vì sao Tổng thống Putin đã tuyên bố cứng rắn như vậy.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm