Vì sao Nga loại biên hai "quái vật khổng lồ dưới đáy biển"?
Hai tàu ngầm hạt nhân chiến lược lớnnhất thế giới thuộc Project 941 lớp Akula đã bị hải quân Nga loại biên, khiếncác chuyên gia tràn đầy tiếc nuối.
Các đô đốc Nga phản đối loại biên các tàu ngầm hạt nhân chiến lược mang tên lửa đạn đạo liên lục địa lớp "Akula" và cho rằng, những quái vật dưới đáy biển lớn nhất thế giới này còn có thể nâng cấp, hiện đại hóa để hoạt động thêm hàng chục năm nữa.
Tàu ngầm hạt nhân của đề án 941 là loại tàu ngầm năng lượng hạt nhân lớn nhất thế giới, lượng nước choán đầy đủ là 49.800 tấn, chiều dài 172 mét, chiều rộng 23,3 mét. Tàu Akula có khả năng mang 20 tên lửa đạn đạo liên lục địa, mỗi tên lửa có mười đầu đạn hạt nhân.
Tổng cộng hải quân Liên Xô đã chế tạo 6 tầu ngầm thuộc lớp này, hiện chỉ còn 3 chiếc "Arkhangelsk" và "Severstal", còn chiếc "Dmitry Donskoy" thuộc Project 941U, hiện chỉ đảm nhận chức năng thử nghiệm phóng tên lửa đạn đạo "Bulava".
Nếu cả 2 con tàu "Arkhangelsk" và "Severstal" bị loại biên, Nga sẽ không còn tàu ngầm tác chiến nào thuộc lớp này.
Hàng loạt đô đốc Nga đã không đồng ý với quyết định loại biên 2 tàu ngầm hạt nhân này. Theo họ, còn sớm để thanh lý các tàu ngầm tên lửa chiến lược hạng nặng mạnh nhất thế giới lớp Akula. Loại tàu này có thể nâng cấp bằng các tên lửa đạn đạo hay tên lửa hành trình mới.
Trước đó, nguồn tin của Bộ quốc phòng Nga cho biết, hai tàu này đã được đưa ra khỏi biên chế chiến đấu của Hải quân Nga bởi “tiếp tục vận hành hai con tàu này là không có lợi”. Tuy nhiên, chúng vẫn chưa bị phá hủy ngay mà còn chờ đợi những quyết định cuối cùng.
Nguồn tin trong ngành công nghiệp đóng tàu cho biết rằng, sau năm 2020, Tập đoàn Nhà nước về Năng lượng nguyên tử Liên bang Nga “Rosatom” sẽ thanh lý hai tàu ngầm hạt nhân dự án 941 (Project 941, mã hiệu "Akula") mang tên "Arkhangelsk" và "Severstal".
Cựu chỉ huy Hạm đội biển Đen, Đô đốc Vladimir Komoedov nói rằng, ông rất tiếc nuối khi hải quân Nga loại biên hai phương tiện răn đe hạt nhân không lồ này. Theo ông, các tàu ngầm đó là những con tàu mạnh nhất trên thế giới, được chế tạo bằng công nghệ cao nhất.
Vị đô đốc này đã từng lặn xuống đáy biển với chiếc tàu ngầm này khi là phó chỉ huy đầu tiên của Hạm đội Biển Bắc nên ông cho biết rằng, tàu ngầm rất dễ điều khiển tiện nghi phục vụ đời sống của thủy thủ đoàn rất dễ chịu.
Theo ông, các tàu ngầm hạt nhân đó có thể nâng cấp bằng tên lửa đạn đạo liên lục địa thế hệ mới R-30 "Bulava" (hiện được sử dung trên tàu ngầm Project 955 lớp Borei) hoặc tên lửa hành trình hiện đại Kalibr, như tàu ngầm hạt nhân chiếm lược lớp "Ohio" của Mỹ vừa được hiện đại hóa.
Cựu Phó tổng tư lệnh Hải quân Nga, Đô đốc Igor Kasatonov cũng phản đối việc thanh lý hai tàu "Arkhangelsk" và "Severstal". Theo ông, đây là sự lãng phí lớn về tài nguyên tàu ngầm, bởi 2 con tàu này vẫn còn hoạt động tốt và có thể trở thành phương tiện răn đe hạt nhân trong hàng chục năm nữa, trong khi các tàu ngầm hạt nhân chiến lược thay thế thuộc Project 955 lớp Borei vẫn chưa chế tạo đủ và khả năng tác chiến vẫn chưa thành thục.
Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng, do kinh phí duy trì hoạt động của những tàu ngầm siêu lớn này rất đắt đỏ, thêm nữa là việc nâng cấp, hiện đại hóa và trang bị vũ khí mới cho các tàu này cũng sẽ tốn tới hàng tỷ USD.
Do điều kiện ngân sách quốc phòng hạn hẹp nên trong thời gian qua Nga đã quyết định chuyển hướng sang chế tạo các tàu mặt nước cỡ nhỏ vài nghìn tấn và các tàu ngầm hạt nhân có lượng giãn nước trên dưới 10.000 tấn, đồng thời loại biên các tàu ngầm siêu khủng nhưng tốn kém này.
Theo Nguyễn Ngọc
An ninh Thủ đô