1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Vì sao Nga liên tiếp tập kích dữ dội vào Kiev?

Minh Phương

(Dân trí) - Giới chức Mỹ cho rằng, Nga đang tìm cách phá hủy các tổ hợp phòng không Patriot của Ukraine bằng những cuộc tập kích quy mô lớn dồn dập, trong đó có sự tham gia của tên lửa siêu vượt âm.

Vì sao Nga liên tiếp tập kích dữ dội vào Kiev? - 1

Phòng không Ukraine bắn hạ một tên lửa trên bầu trời Kiev hôm 16/5 (Ảnh: Reuters).

Quân đội Ukraine hôm nay thông báo bắn hạ toàn bộ 18 tên lửa trong vụ tập kích "dữ dội bất thường" của Nga vào thủ đô Kiev ngày 16/5. Trong số này có 6 tên lửa siêu vượt âm Kinzhal.

Đây là vụ tấn công thứ 8 của Moscow nhằm vào Kiev kể từ đầu tháng 5 và là một trong những cuộc tập kích lớn nhất kể từ khi Nga mở chiến dịch quân sự ở Ukraine hồi tháng 2 năm ngoái.

Giới chức Mỹ cho rằng, tần suất và quy mô tấn công của Nga vào Kiev tăng bất thường và dường như nhằm phá hủy tổ hợp phòng không hiện đại Patriot mà phương Tây viện trợ cho Ukraine.

Để đạt được mục tiêu này, Nga sử dùng nhiều tên lửa siêu vượt âm hơn và thậm chí tăng mức độ phức tạp của cuộc tập kích bằng cách tấn công từ nhiều hướng khác nhau gần như cùng một lúc.

"Lần này, đối phương đã đồng thời phát động một cuộc tấn công phức tạp từ nhiều hướng khác nhau, sử dụng cả UAV, tên lửa hành trình và có thể cả tên lửa đạn đạo. Cuộc tấn công này gây chú ý về cấp độ khi đối phương sử dụng số tên lửa tấn công tối đa trong khoảng thời gian ngắn nhất", ông Serhii Popko, lãnh đạo ban chỉ huy quân sự thành phố Kiev, cho biết.

Theo giới quan sát, năng lực phòng không của Ukraine đã tăng đáng kể sau khi được tiếp nhận ít nhất hai tổ hợp Patriot từ Mỹ và Đức hồi cuối tháng 4. Ngày 4/5, Không quân Ukraine tuyên bố lần đầu tiên đánh chặn thành công một tên lửa siêu vượt âm Kinzhal của Nga trên bầu trời Kiev bằng hệ thống Patriot mà Mỹ cung cấp. Người phát ngôn Lầu Năm Góc Patrick Ryder cũng xác nhận thông tin này của Kiev.

Các quan chức Mỹ tin rằng, quân đội Nga đã bắt được các tín hiệu phát ra từ Patriot, cho phép họ nhắm mục tiêu vào hệ thống này bằng tên lửa siêu vượt âm.

Hệ thống tên lửa Patriot có một radar cực mạnh để phát hiện các mục tiêu đang lao tới ở tầm xa, khiến nó trở thành một nền tảng phòng không mạnh có khả năng đánh chặn tên lửa đạn đạo và hơn thế nữa. Tuy nhiên, tín hiệu radar phát ra để phát hiện các mối đe dọa từ khoảng cách xa cũng khiến tổ hợp Patriot dễ bị đối phương định vị.

Không giống một số hệ thống phòng không tầm ngắn cung cấp cho Ukraine có khả năng di động và khó nhắm mục tiêu hơn, khẩu đội Patriot lớn là một hệ thống cố định, dễ bị phát hiện và nhắm mục tiêu hơn.

Theo giới chức Mỹ, có nhiều cách để ngụy trang những tín hiệu đó ở một mức độ nào đó, nhưng quân đội Nga rõ ràng có thể tìm ra vị trí sơ bộ của Patriot đóng bên ngoài Kiev. Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov từng cảnh báo, các hệ thống Patriot của phương Tây cấp cho Ukraine chắc chắn sẽ trở thành mục tiêu tấn công thích đáng của quân đội Nga.

Những cuộc tập kích dồn dập của Moscow nhằm phá hủy hoặc làm suy yếu năng lực phòng không của Ukraine trước khi Nga được cho là tiến hành một cuộc tấn công quy mô lớn.

Theo Guardian, Reuters