1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Vì sao NATO sốt sắng bênh vực Ukraine trong cuộc khủng hoảng với Nga?

Lo ngại tàu quân sự bị cản trở khi đi qua Biển Avoz và khuyến khích Ukraine đẩy nhanh quyết tâm gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) là những nguyên nhân chính khiến tổ chức quân sự này đi đầu phản đối Nga trong vụ va chạm với Ukraine trại Eo biển Kerch.


Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko (Ảnh: Reuters)

Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko (Ảnh: Reuters)

Ngay sau sự cố giữa Ukraine và Nga tại Eo biển Kerch, NATO lập tức đưa ra thông báo yêu cầu Nga thả toàn bộ thủy thủ Ukraine.

Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg khẳng định, không có lý lẽ bào chữa cho hành động của Moscow.

Phát biểu tại cuộc họp khẩn của NATO theo đề nghị của Ukraine, một nước không phải thành viên của NATO, Tổng thư ký Stoltenberg nêu rõ: “Nga đã sử dụng sức mạnh quân sự chống lại Ukraine một cách công khai và trực tiếp. Tất cả đồng minh NATO đều bày tỏ ủng hộ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine. Không có bất kỳ lý lẽ nào bào chữa cho việc sử dụng sức mạnh quân sự chống lại tàu và thủy thủ Ukraine. Chúng tôi kêu gọi Nga lập tức thả các tàu và thủy thủ Ukraine mà phía Nga đã bắt giữ hôm 25/11”.

Ông Stoltenberg cũng kêu gọi Nga cho phép toàn bộ tàu thương mại được tiếp cận các cảng của Ukraine.

Các nước thành viên chủ chốt khác của NATO cũng ngay lập tức lên tiếng thể hiện sự ủng hộ đôi với Kiev.

Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo gọi hành động của Moscow là "leo thang nguy hiểm và vi phạm luật pháp quốc tế", đồng thời kêu gọi hai bên kiềm chế và yêu cầu Nga trả tàu cho Ukraine.

Bộ Ngoại giao Séc cũng ra thông báo chỉ trích Nga về vụ Biển Azov. Trong một tuyên bố đăng trên trang mạng Twitter ngày 26/11, Ngoại trưởng Séc Tomas Petricek cho rằng việc Nga chiếm đoạt Biển Azov là không thể chấp nhận được. Hành động này của Nga giống như việc nước này sáp nhập Crimea hồi năm 2014.

Ẩn ý của NATO

Các nhà phân tích cho rằng, lo ngại tàu quân sự bị cản trở khi đi qua Biển Avoz và khuyến khích Ukraine đẩy nhanh quyết tâm gia nhập NATO là những nguyên nhân chính khiến NATO đi đầu phản đối Nga trong vụ va chạm với Ukraine tại Eo biển Kerch .

Việc NATO lên tiếng bênh vực Ukraine và phản đối Nga trong sự kiện trên còn giúp liên minh quân sự này có cái cớ để bố trí căn cứ quân sự trên Biển Azov, tăng cường các cuộc diễn tập áp sát sườn Nga và sự hiện diện ở Biển Đen, mục tiêu mà NATO theo đuổi bao lâu nay.

Về mặt pháp lý, biển Azov là vùng nội thủy của Nga và Ukraine, hai bên cùng bảo đảm tự do hàng hải song phương, kể cả cho tàu quân sự. Tàu của nước thứ ba muốn qua lại khu vực này phải có sự đồng ý của cả hai nước. Do đó, tàu quân sự của NATO muốn đi lại tại khu vực Biển Azov phải được sự đồng thuận của cả Nga và Ukraine.

Trong khi đó, Nga luôn lấy lý do an ninh và địa-chiến lược để từ chối cho phép tàu quân sự của NATO đi lại tại khu vực này. Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov từng khẳng định Nga sẽ không cấp phép đi lại cho tàu của NATO.

Đây chính là lý do tại sao NATO lại mạnh mẽ phản đối các hành động “gây hấn” của Nga tại khu vực này.

Theo Đức Thức

Tiền phong

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm