1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Vì sao Mỹ và phương Tây "sợ" Nga chiến thắng tại Syria?

(Dân trí) - Kể từ khi Nga triển khai chiến dịch không kích tại Syria đến nay, Mỹ và phương Tây không ngừng lên tiếng chỉ trích và cho rằng Mátxcơva “chắc chắn thất bại”. Phải chăng họ sợ một chiến thắng của người Nga tại Syria?

Tiêm kích Sukhoi của Nga hoạt động tại Syria

 

Theo tờ Russia Today, Mỹ và các đồng minh muốn chiến dịch quân sự của Nga tại Syria thất bại thảm hại, bởi thành công của Nga sẽ là một thất bại lớn cho nỗ lực thay đổi chính quyền tại Syria của phương Tây. Đồng thời, nó cũng báo hiệu cho sự dịch chuyển cán cân quyền lực ra xa khỏi thế bá quyền của Mỹ.

Các cuộc không kích của Nga tại Syria đang khiến phương Tây tức giận (Ảnh: RT)
Các cuộc không kích của Nga tại Syria đang khiến phương Tây tức giận (Ảnh: RT)

Hồi tuần trước, Bộ trưởng quốc phòng Mỹ Ashton Carter đã dự báo một viễn cảnh đen tối rằng Nga sẽ phải chịu những tác động ngược từ chiến dịch can thiệp vào Syria, với các vụ khủng bố diễn ra trên “đất Nga”. Trước đó hôm 30/9, khi Nga bắt đầu các cuộc không kích, người đứng đầu Lầu Năm Góc cũng khẳng định chiến dịch của Nga “chắc chắn thất bại”.

Chỉ vài ngày sau cảnh báo mới nhất của ông Carter, giới chức Nga đã bắt giữ một nhóm phần tử jihad tại Mátxcơva có âm mưu đánh bom khủng bố. Tuần này, đại sứ quán Nga tại Damascus đã bị trúng 2 quả rocket, trong vụ tấn công bị Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov nhanh chóng lên án là hành động khủng bố.

Ngay từ khi triển khai các cuộc không kích chống khủng bố tại Syria, Washington và phương Tây đã không ngừng tìm mọi cách chỉ trích và làm chệch hướng hành động can thiệp này. Tổng thống Obama tuyên bố chiến dịch “chắc chắn thất bại”, trong khi Thủ tướng Anh David Cameron gọi bước đi của Nga là “sai lầm nghiêm trọng”.

Tuần này, ngoại trưởng các quốc gia EU cũng có chung tuyên bố với Mỹ rằng Không quân Nga đang nhắm vào “các phần tử đối lập ôn hòa” thay vì nhóm Hồi giáo cực đoan IS, và kêu gọi Mátxcơva chấm dứt chiến dịch, trừ khi các mục tiêu là IS và “các mạng lưới khủng bố khác do Liên Hợp Quốc xác định”. Các tuyên bố của Mỹ và châu Âu đều bị giới chức Nga bác bỏ.

Mưu đồ lật đổ chính phủ Syria

Nhưng vấn đề ở đây đó là, ngày càng rõ ràng rằng Washington và các đồng minh muốn gây khó dễ hết mức có thể cho hoạt động can thiệp quân sự của Nga vào Syria. Vì sao phương Tây lại muốn ngăn cản sự can thiệp của Nga?

Như những gì đã được ghi nhận, khái niệm “phe đối lập ôn hòa” tại Syria là một điều hư cấu mà chính phủ các nước phương Tây và truyền thông của họ rêu rao, nhằm tạo vỏ bọc cho những hậu thuẫn của phương Tây cho các nhóm đánh thuê nước ngoài chiến đấu phi pháp tại Syria nhằm lật đổ chính phủ nước này.

Tổng thống Nga Putin (trái) được đánh giá đang trên tay ông Obama trong chiến lược Syria (Ảnh: AFP)
Tổng thống Nga Putin (trái) được đánh giá đang "trên tay" ông Obama trong chiến lược Syria (Ảnh: AFP)

Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov hồi tuần trước đã tuyên bố cái được gọi là “Quân giải phóng Syria” ôn hòa như phương Tây tuyên bố, chỉ là hão huyền. Quan điểm này cũng được cựu đại sứ Anh tại Syria Peter Ford chia sẻ. Trong một cuộc phỏng vấn tuần này, ông Ford nói “hầu như toàn bộ các nhóm vũ trang đối lập tại Syria là các phần tử Hồi giáo cực đoan, là IS hoặc những kẻ tương tự IS”.

Một trong những lí do phương Tây muốn thấy Nga thất bại tại Syria đơn giản bởi quyết định can thiệp của Tổng thống Putin đang chứng tỏ hiệu quả trong việc phá hủy các mạng lưới khủng bố, cho dù chúng có liên quan tới IS hay các chiến binh có liên hệ với Al-Qaeda.

Trong đó, các nhóm có liên hệ với Al-Qaeda bao gồm cả những lực lượng đến từ cái gọi là Quân giải phóng Syria, những kẻ vẫn đang chia sẻ vũ khí và các chiến binh với các nhóm có liên hệ với Al Qaeda như Al-Nusra, Ahrar al-Shams và Jaish al-Fatah.

Nếu xem cuộc xung đột kéo dài 4 năm tại Syria là hệ quả của cuộc chiến được phương Tây hậu thuẫn nhằm lật đổ chính quyền Syria, thì cũng có thể xem các nhóm đánh thuê nước ngoài đang tham chiến tại Syria là những “tài sản” của phương Tây. Có thể khẳng định điều này, bởi mới đây cựu lãnh đạo Cơ quan tình báo quân đội Mỹ, tướng Michael Flynn đã tiết lộ rõ ràng rằng chính quyền ông Obama đã có “quyết định có chủ đích” sẽ tài trợ các nhóm cực đoan nhằm phục vụ mục tiêu thay đổi chế độ.

Do đó chiến dịch chống khủng bố hiệu quả của Nga, hoàn toàn trái với cuộc chiến chống IS kém hiệu quả một năm qua của Mỹ và đồng minh, đang khiến Washington và đồng minh tức giận khi Mátxcơva đang giúp phá hủy những tài sản giúp phương Tây thay đổi chế độ.

Cũng cần nhớ rằng hàng tỷ USD đã được “đầu tư” bởi Mỹ, Anh, Pháp, Thổ Nhĩ Kỳ, Arập xê út và Qatar để lật đổ chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad, trong đó một phần nhằm làm suy yếu liên minh của ông Assad với Nga và Iran.

Putin được tung hô tại Trung Đông

Một lí do khác để phương Tây chống lại sự can thiệp của Nga tại Syria đó là nó đang phơi bày sự gian lận và tội ác của các cường quốc phương Tây và chính quyền khu vực. Nga tiến hành các cuộc không kích một cách hợp pháp theo luật pháp quốc tế, được chính quyền Syria chấp thuận hoàn toàn, trong khi liên minh do Mỹ dẫn đầu tiến hành không kích Syria khi chưa được phép.

Tổng thống Vladimir Putin đã chỉ ra rõ ràng những khác biệt quan trọng về pháp lý này. Và từ quan điểm của phương Tây, sự phơi bày này là không thể chấp nhận. Nó phần nào giải thích cho việc vì sao Washington và các nước châu Âu đang không ngừng hạ thấp chiến dịch của Mátxcơva tại Syria. Dù vậy có vẻ nỗ lực đó đến nay không thành công.

Ngay cả truyền thông phương Tây gần đây cũng đã đưa tin về sự ủng hộ ngày một tăng dành cho Nga tại Trung Đông. Tờ Washington Post tuần này đăng hàng tít: “Giữa lúc Nga không kích, sự hâm mộ Putin bao trùm Trung Đông”. Bài báo cho biết khắp đường phố các nước Arập, từ Syria tới Ai Cập, Iraq và Lebanon – đang tung hô Putin như người hùng do chiến dịch chống khủng bố quyết đoán của Nga.

“Những bức ảnh Putin đang xuất hiện trên ô tô và bảng quảng cáo ở nhiều nơi tại Syria và Iraq, ca ngợi sự can thiệp của quân đội Nga tại Syria như hành động sẽ cân chỉnh lại cán cân bằng quyền lực trong khu vực”, Washington Post viết.

“Nhà lãnh đạo Nga đang giành được sự ghi nhận từ nhiều người tại Iraq và Syria, những người xem các cuộc không kích của Nga tại Syria như bước ngoặt sau hơn một năm nỗ lực hầu như không hiệu quả của liên minh do Mỹ dẫn dắt nhằm đẩy lùi các chiến binh IS, những kẻ đã chiếm đóng nhiều vùng lãnh thổ rộng lớn ở hai nước”.

3 ngày sau khi Nga khởi động chiến dịch không kích tại Syria, ông Obama đã gửi tới Putin một đề xuất. Hôm 3/10, kênh CNN cho biết ông chủ Nhà Trắng nói rằng sẵn sàng hợp tác với Nga “nhưng chỉ khi kế hoạch đó bao gồm việc phế truất Tổng thống Syria Bashar al-Assad”.

Putin từ đó đến nay vẫn khẳng định rõ ràng rằng ông Assad là tổng thống hợp pháp của Syria, và cuộc can thiệp của Nga là nhằm ủng hộ chính phủ của ông Assad.

Đến tuần này, tờ New York Times đưa tin các chiến binh tại Syria “lần đầu tiên đang nhận được những tiếp viện hào phóng, trong đó có tên lửa chống tăng do Mỹ sản xuất”. Bài báo nhận định: “Với sức mạnh được tăng cường của phe đối lập và với số cuộc kích không ngừng tăng của Nga nhắm vào các lực lượng chống chính phủ, cuộc xung đột Syria đang tiến gần hơn đến một cuộc chiến ủy nhiệm tổng lực giữa Mỹ và Nga”.

Washington muốn và cần Nga thất bại tại Syria. Những thành công của Nga sẽ là mối đe dọa cho tham vọng bá quyền của Washington, RT bình luận.

Thanh Tùng

Theo RT

 

Vì sao Mỹ và phương Tây "sợ" Nga chiến thắng tại Syria? - 3