1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Vì sao Mỹ tăng cường cung cấp vũ khí chiến đấu chủ chốt cho Ukraine?

Thanh Thành

(Dân trí) - Sự xuất hiện của các phương tiện bọc thép của Mỹ và các đồng minh trên chiến trường Ukraine được cho là nhằm tạo động lực cho Kiev, cũng như củng cố hệ thống phòng thủ của nước này.

Vì sao Mỹ tăng cường cung cấp vũ khí chiến đấu chủ chốt cho Ukraine? - 1

Xe chiến đấu bộ binh Bradley của Mỹ (Ảnh: AFP).

Việc Mỹ và các nước đồng minh phương Tây tăng cường cung cấp xe chiến đấu bọc thép cho Ukraine diễn ra giữa lúc các quan chức Nhà Trắng dự đoán Nga sẽ mở một cuộc tấn công quy mô lớn khác khi mặt đất tan băng.

Gói viện trợ mới nhất, được chính quyền Tổng thống Joe Biden công bố hôm 6/1, cũng là gói viện trợ lớn nhất từ trước đến nay dành cho Ukraine, trị giá 3,75 tỷ USD.

Gói hỗ trợ an ninh mới nhất này bao gồm xe chiến đấu Bradley, pháo tự hành, Humvee, xe thiết giáp và xe bánh xích hạng nhẹ, các tên lửa đất đối không, đạn dược và các thiết bị khác.

Các quan chức Mỹ cho biết, các loại phương tiện, pháo binh và vũ khí mà nước này hỗ trợ Ukraine cho thấy Washington ngày càng tin tưởng vào khả năng đào tạo, vận hành và bảo dưỡng hiệu quả của Kiev.

Sự xuất hiện của khoảng 50 chiếc Bradley, loại xe này được trang bị súng mạnh, là phương tiện chủ yếu của quân đội Mỹ để chở quân đi khắp các chiến trường kể từ giữa những năm 1980.

Loại phương tiện này có thể giúp các lực lượng Ukraine tiến hành các hoạt động phức tạp hơn nhằm vào các vị trí của Nga, bao gồm cả xe tăng Nga vì chúng sẽ giúp Kiev có thêm hỏa lực trên chiến trường cũng như tăng cường khả năng chiến đấu trong chiến hào.

Việc triển khai Bradley một lần nữa đặt ra câu hỏi về lý do tại sao chính quyền ông Biden khá chậm chạp trong việc gửi vũ khí và các thiết bị quân sự khác đến Ukraine trong thời gian gần đây.

Việc Mỹ tuyên bố sẽ không thể gửi xe tăng Abrams mà Ukraine đề nghị cũng khiến Kiev không thỏa mãn. Ukraine đã nhiều lần yêu cầu các đồng minh phương Tây cung cấp các phương tiện chiến đấu hạng nặng hơn như Abrams và xe tăng Leopard do Đức sản xuất.

"Đây là thời điểm thích hợp để Ukraine tận dụng năng lực của chính họ để thay đổi cục diện trên chiến trường. Trong suốt thời gian qua, Ukraine đã chứng tỏ trình độ ngày càng tăng của mình", chuyên gia chính sách cấp cao tại Lầu Năm Góc, bà Laura Cooper, nói với các phóng viên hôm 6/1.

Khi chiến sự đang diễn ra và quân đội Nga đã rút quân ra khỏi Kiev, Kherson, Mỹ và các đồng minh đã cung cấp vũ khí sát thương và tân tiến nhất cho Ukraine, và thường đáp ứng các yêu cầu chưa giải quyết lâu này của Kiev.

Các quan chức Nhà Trắng cho biết Ukraine đang có được những gì họ cần vào lúc này.

Mỹ cũng đang đưa ra quyết định dựa trên những gì họ tin rằng, lực lượng Ukraine có thể huấn luyện và duy trì các vũ khí quân sự hiện đại này, cũng như bảo đảm chi phí vận hành.

Khi các lực lượng Ukraine có năng lực tốt hơn trong việc duy trì thiết bị quân sự, Mỹ có xu hướng cung cấp nhiều hơn các thiết bị quân sự hiện đại như vậy, các quan chức Nhà Trắng cho biết thêm.

Theo chuyên gia Cooper, vì các lực lượng Ukraine sẽ yêu cầu Mỹ tập huấn hướng dẫn vận hành xe chiến đấu Bradley, nên họ có thể sẽ không tham chiến trong "vài tháng".

Trong khi đó, các quan chức Ukraine và một số cựu quan chức Mỹ cho rằng các đồng minh phương Tây đã quá chậm chạp trong việc cung cấp vũ khí tiên tiến cho Kiev.

Cựu tướng Ben Hodges, người từng là Chỉ huy quân đội Mỹ tại châu Âu, cho biết: "Họ bị mất quá nhiều thời gian. Ukraine có năng lực hơn nhiều so với những gì giới chức Mỹ công nhận".

Châu Âu tăng cường gửi vũ khí

Khi Mỹ quyết định gửi thêm nhiều thiết bị quân sự tiên tiến mới cho Ukraine, nhiều quốc gia đồng minh châu Âu có hành động như vậy.

Sau khi Mỹ cho biết họ sẽ gửi các hệ thống pháo binh, Đức quyết định cung cấp các khẩu pháo hiện đại cho Ukraine. Và khi Mỹ gửi bệ phóng tên lửa, Đức có tuyên bố tương tự.

Đức thậm chí đã chuẩn bị xe tăng chiến đấu chủ lực Leopard để có thể chuyển đến cho Ukraine, nhưng đang chờ xem Mỹ cuối cùng có gửi xe tăng Abrams cho Kiev hay không. Một quan chức hàng đầu của Đức cho biết: "Chúng tôi sẽ hành động theo những gì chính quyền ông Biden thực hiện".

Sau khi chính quyền Tổng thống Biden thông báo gửi xe chiến đấu Bradley cho Ukraine thì Thủ tướng Đức Olaf Scholz cam kết cung cấp xe chiến đấu Marder tương đương cho Ukraine. Cả hai nước đều có kế hoạch huấn luyện lực lượng Ukraine sử dụng các hệ thống tương ứng.

Trong những tuần gần đây, các nhà ngoại giao châu Âu và Ukraine dự đoán về một cuộc tấn công mới của Nga trong những tháng tới, bao gồm cả chiến dịch giành quyền kiểm soát thủ đô Kiev.

Các nhà phân tích quân sự cho biết, các phương tiện chiến đấu mới có thể đóng một vai trò quan trọng giúp Ukraine đối phó với các cuộc tấn công trong tương lai của Nga.

Ông Ben Barry, cựu chỉ huy xe tăng Anh hiện làm việc tại Viện Chiến lược Quốc tế ở London, cho biết các xe chiến đấu Bradley và Marder có thể là yếu tố mang tính quyết định nếu Ukraine nhận đủ số lượng như cam kết.

"Những xe Bradley đó sẽ giúp cải thiện đáng kể hiệu quả của lực lượng bộ binh cơ giới của Ukraine và hơn hẳn bất kỳ phương tiện chiến đấu bộ binh nào khác mà Nga có ở Ukraine. Quân đội Nga sẽ thực sự lo lắng về điều này", chuyên gia Barry nhấn mạnh.

Theo Wall Street Journal