1. Dòng sự kiện:
  2. Xung đột leo thang tại Trung Đông
  3. Ukraine tấn công tỉnh Kursk
  4. Xung đột leo thang ở Trung Đông

Vì sao Mỹ rất chú ý tới căn cứ hải quân tại Campuchia?

Thanh Thành

(Dân trí) - Mỹ được cho là luôn chú ý tới căn cứ hải quân Ream, cũng như bất kỳ cơ sở quân sự nào khác có sự hiện diện của Trung Quốc trên lãnh thổ của Campuchia vốn có thể đón tàu cỡ lớn và máy bay quân sự.

Vì sao Mỹ rất chú ý tới căn cứ hải quân tại Campuchia? - 1

Căn cứ Ream ở tỉnh Preah Sihanouk, Campuchia (Ảnh: Khmer Times).

Trong chuyến thăm Campuchia ngày 1/6, Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Wendy Sherman bày tỏ thẳng thắn bày tỏ quan ngại về việc nước này phá công trình do Washington tài trợ tại căn cứ hải quân Ream tại thành phố Sihanoukville và để Bắc Kinh hiện diện quân sự ở đây. Trong cuộc gặp với Thủ tướng Hun Sen, bà Sherman kêu gọi nhà lãnh đạo Campuchia "duy trì chính sách đối ngoại độc lập và cân bằng, vì lợi ích tốt nhất của người dân Campuchia".

Đây không phải lần đầu tiên Washington lên tiếng quan ngại về căn cứ quân sự này. Và câu hỏi đặt ra là điều gì khiến Mỹ luôn lo ngại về căn cứ quân sự của Trung Quốc ở Campuchia?

Theo trang tin Khmer Times, có 4 lý do cho lo ngại của Mỹ.

Thứ nhất, Mỹ rất lo ngại về sức mạnh của Trung Quốc và lo lắng về việc Bắc Kinh vượt mặt. Lo ngại thất bại trước Trung Quốc trong cuộc cạnh tranh vị thế và tầm ảnh hưởng trên toàn cầu đã khiến Mỹ luôn sẵn sàng "săn đón" bất kỳ quốc gia nào, dù lớn hay nhỏ, đang muốn xích lại gần Trung Quốc.

Thứ hai, Mỹ đang áp dụng chính sách tiếp cận "chặn mọi thứ của Trung Quốc" để kiềm chế ảnh hưởng của Bắc Kinh ở Campuchia và các nơi khác.

Ông Kurt Campbell, quan chức hàng đầu phụ trách các chính sách đối ngoại châu Á của Tổng thống Mỹ Joe Biden, đã nói rằng thời kỳ Mỹ "bắt tay thỏa thuận" với Trung Quốc đã qua và giờ là lúc bùng nổ "cạnh tranh gay gắt". Dựa trên cách tiếp cận đó, Washington nỗ lực cạnh tranh các hoạt động kinh tế và đầu tư tư nhân của Bắc Kinh vào Campuchia.

Thứ ba, Mỹ có thể muốn bí mật điều gì đó trong tòa nhà công trình mà Washington tài trợ tại căn cứ Ream. Và một khi Campuchia có ý định làm điều gì đó khác với tòa nhà này, Washington cảm thấy lo lắng.

Thứ tư, Mỹ muốn có căn cứ trên đất Campuchia. Washington không hề che giấu mong muốn mở rộng thêm các căn cứ quân sự để hỗ trợ chiến lược Ấn Độ-Thái Bình Dương nhằm kiềm chế Trung Quốc. Chẳng hạn, có thông tin cho rằng, Palau đã mời Mỹ xây một căn cứ quân sự trên lãnh thổ để đối phó với Trung Quốc sau khi Pakistan từ chối lời mời này.

Cũng theo tờ Khmer Times, Campuchia liên tục phải giải thích rằng, họ sẽ không bao giờ chấp nhận bất kỳ căn cứ quân sự nước ngoài nào trên đất của mình, kể cả của Trung Quốc hay Mỹ. 

Ream là căn cứ hải quân lớn nhất của Campuchia, nằm ở phía đông nam thành phố cảng Sihanoukville.

Hồi năm 2019, Mỹ cũng đã từng gây sức ép mạnh mẽ yêu cầu Campuchia giải thích rõ ràng sau khi Phnom Penh hủy bỏ hợp đồng sửa chữa một cơ sở huấn luyện và bến tàu tại căn cứ Ream. Washington lúc đó lo ngại Phnom Penh có thể cho phép Bắc Kinh lập căn cứ quân sự trên lãnh thổ nước này. Giới chức quốc phòng Campuchia lúc đó ngay lập tức bác bỏ những hoài nghi của Washington.

Mối lo ngại của Washington lại bùng lên hồi tháng 10/2020 sau khi Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS) của Mỹ công bố các hình ảnh vệ tinh cho thấy một cơ sở quốc phòng do Mỹ tài trợ ở căn cứ Ream đã bị phá hủy. Các chuyên gia CSIS lo ngại Campuchia phá hủy cơ sở quốc phòng này để phục vụ thỏa thuận ngầm với Trung Quốc.

Thủ tướng Campuchia Hun Sen lên tiếng bác bỏ nghi vấn trên, khẳng định Trung Quốc không bao giờ có quyền tiếp cận căn cứ hải quân Ream bất kể Bắc Kinh tài trợ dự án nâng cấp căn cứ này. Theo Thủ tướng Hun Sen, hiến pháp Campuchia cấm bất kỳ căn cứ quân sự nước ngoài nào tại nước này.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm