1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Vì sao Mỹ "lưu luyến" không muốn diệt al-Nusra?

Nga cho rằng, Mỹ đang lần chần không muốn diệt nhóm khủng bố al-Nusra, mặc dù trước đó đã khẳng định với Nga rằng, IS và al-Nusra là khủng bố.

Mỹ lừng chừng không muốn diệt al-Nusra?

Đặc phái viên của Bộ Quốc phòng Nga trong các nhóm tập trung điều phối lệnh ngừng bắn và vấn đề nhân đạo tại Geneva, Đại tá Alexandr Zorin cho biết, phía Nga đã nhận được tập tài liệu về việc xác định đâu là các nhóm "đối lập ôn hòa" ở Syria, trong thời gian cuộc họp với các đại diện của Lầu Năm Góc và tình báo Mỹ tại Geneva.

Bộ Quốc phòng Nga khẳng định, Hoa Kỳ lần đầu tiên giao cho Nga dữ liệu triển khai các nhóm đối lập ở Syria dưới sự kiểm soát của Mỹ. Tuy nhiên, phân tích sơ bộ của Nga cho thấy rằng, sự phân biệt ranh giới giữa các phe đối lập ôn hòa và bọn khủng bố chưa được thực hiện.

"Tập tài liệu chúng tôi nhận được hôm nay liên quan đến các tổ chức có vũ trang do Mỹ kiểm soát trong những khu vực chiến sự, đang được nghiên cứu. Nhưng phân tích sơ bộ cho thấy rằng, họ đã không chia tách phe đối lập ôn hòa và "Dzhebhat al-Nusra" - ông Zorin nói.

Ngày 14/9, Trung tướng Victor Poznihir - Phó cục trưởng cục tác chiến Bộ tham mưu Quân đội Nga báo cáo, quân đội chính phủ Syria đã ngừng bắn hoàn toàn (trừ những khu vực hoạt động của khủng bố IS và al-Nusra. Nhưng một số nhóm vũ trang "đối lập ôn hòa" trong vòng một ngày đã thực hiện 23 vụ tấn công vào các khu dân cư và địa điểm đóng quân của quân đội Syria.

Ngoại trưởng Nga Lavrov tuyên bố rằng, Mỹ dường như đang lưỡng lự trong việc không kích nhóm thánh chiến Jabhat al-Nusra - chi nhánh al-Qaeda Syria, mới đây đã tuyên bố ly khai và đổi tên thành Jabhat Fatah al-Sham, đồng thời đề nghị được trở thành một phe đối lập ôn hòa.

Tuy nhiên, Nga tuyên bố sẽ tiếp tục đánh al-Nusra, bất chấp là nhóm này đổi tên thành cái gì và thay đổi tôn chỉ ra sao. Đồng thời, trong cuộc hội đàm tiến tới thỏa thuận ngừng bắn với Nga, phía Mỹ cũng đã nhất trí vẫn coi IS và al-Nusra là 2 tổ chức khủng bố.

Thế nhưng, Mỹ lại không chịu vào cuộc tiêu diệt al-Nusra, thậm chí còn lảng tránh việc chỉ ra địa điểm đóng quân của chúng, dường như Washington đang muốn che giấu hành tung của nhóm khủng bố này, không để Nga tiêu diệt chúng.

Nga thúc giục Mỹ thực hiện nghiêm túc thỏa thuận ngừng bắn
Nga thúc giục Mỹ thực hiện nghiêm túc thỏa thuận ngừng bắn

Thỏa thuận hòa bình mong manh

Hôm 9/9, Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Lavrov và Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã đạt được thỏa thuận ngừng bắn ở Syria sau cuộc hội đàm liên tục kéo dài tới 15 giờ tại Geneva -Thụy Sĩ. Thỏa thuận này đã được sự chấp thuận của chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad.

Tính chung có năm tài liệu đã đạt được sự đồng thuận, mỗi văn kiện trong số đó được xây dựng với một nội dung để tạo điều kiện nối lại các bước đi theo giải pháp hòa bình ở Syria và chuyển đổi chính trị tại Syria, mang lại những thay đổi tích cực trên đất nước này.

Cụ thể, tương ứng với kế hoạch được công bố, Moscow và Washington đã đạt được 5 văn kiện thống nhất, trong đó tập trung vào 3 vấn đề cơ bản sau:

Thứ nhất là các bên tham chiến ở Syria bao gồm quân chính phủ và các phe nhóm được Liên Hiệp Quốc công nhận là “Đối lập ôn hòa” (được phép tham dự Hòa đàm Geneva) sẽ phải ngừng bắn toàn diện ở khu vực Aleppo, bắt đầu vào ngày 12/9 vì lí do nhân đạo.

Theo đó, 2 tổ chức al-Nusra (chi nhánh al-Qaeda Syria) và Nhà nước Hồi giáo IS vẫn bị coi là các tổ chức khủng bố, bất kể al-Nusra đã tuyên bố ly khai khỏi al-Qaeda và đổi tên thành Jabhat Fatah al-Sham. Do đó, cuộc ngừng bắn không có giá trị với 2 nhóm khủng bố này.

Vấn đề thứ 2 là các lực lượng vũ trang Syria sẽ không thể thực hiện các chuyến bay trên lãnh thổ do phe đối lập kiểm soát.

Mỹ và Nga sẽ làm việc cụ thể với nhau về những khu vực nào được coi là của quân đối lập, khu vực nào là thuộc lực lượng khủng bố. Để từ đó, không quân Nga-Mỹ sẽ thực hiện các cuộc không kích khủng bố thay cho quân đội chính quyền Syria, tránh đụng độ lẫn nhau.

Vấn đề thứ 3 là hai bên phải phân định cụ thể giữa phe đối lập ôn hòa và các tay súng khủng bố, để nhóm thứ nhất (đối lập) không che giấu cho nhóm thứ hai (khủng bố).

Ông Kerry lập luận rằng, phân tách là việc không dễ dàng, nhưng hai bên sẽ cố gắng làm việc cụ thể. Nga và Mỹ đang đối chiếu danh sách các nhà đối lập ôn hòa hiện có và những nhóm vũ trang nhỏ hơn đang bày tỏ nguyện vọng trở thành các phe nhóm đối lập ở Syria.

Vì sao Mỹ muốn giữ al-Nusra?

Liên Hiệp Quốc đã công bố, al-Nusra và Nhà nước Hồi giáo là 2 tổ chức khủng bố quốc tế hiện đang hoạt động ở Syria cần phải bị diệt trừ. Tuy nhiên, Mỹ vẫn o bế al-Nusra và tìm mọi cách biến tổ chức khủng bố rất mạnh này thành phe đối lập để chống chính quyền Assad.

al-Nusra được thành lập năm 2012 bởi một số lãnh đạo là người của IS nhưng sau đó tổ chức này đã đi theo lý tưởng và chịu sự lãnh đạo của tổ chức khủng bố al-Qaeda. al-Nusra bắt đầu nổi lên khi chiếm được các vùng lãnh thổ quan trọng tại miền bắc Syria vào năm 2014.

Với chiến lược liên kết với hàng loạt các nhóm nổi dậy khác, al-Nusra đã nhanh chóng trở thành một trong những nhóm khủng bố có sức mạnh ghê gớm nhất ở Syria.

Hiện al-Nusra có khoảng gần 15.000 quân tinh nhuệ, được sự liên kết và chi viện của các nhóm đối lập mạnh như Quân đội Syria tự do (FSA) có quân số lớn nhất trong các nhóm đối lập là khoảng gần 35.000 quân, Ahrar al-Sham có gần 15.000 quân.

Vào hồi tháng 3/2015, 3 tổ chức này đã thành lập một liên minh có tên gọi là Jaish al-Fatah, tiếng Arab có nghĩa là “Đội quân Chinh phục” (tiếng Anh là Army of Conquest), được sự ủng hộ về tiền bạc và vũ khí của Mỹ và các nước Thổ Nhĩ Kỳ, Saudi Arabia và Qatar.

al-Nusra đã tuyên bố tách ra khỏi tổ chức khủng bố al-Qaeda
al-Nusra đã tuyên bố tách ra khỏi tổ chức khủng bố al-Qaeda

Ngoài ra, còn có hơn chục tổ chức khủng bố nhỏ lẻ khác dưới trướng 3 tổ chức lớn này. Đa số chúng đều theo dòng Sunni, chống chính phủ người Alawite của Tổng thống Bashar al-Assad (một nhánh dòng Shia của người Shiite).

Trước đây, Mỹ và một số quốc gia vùng Vịnh mà đầu tàu là Qatar và Saudi Arabia đã hối thúc al-Nusra tách ra khỏi al-Qaeda, nhằm biến nhóm khủng bố này trở thành một phe đối lập rất mạnh ở Syria, có khả năng lãnh đạo các nhóm phiến quân đánh bại quân chính phủ.

Theo thông tin được đưa ra trong báo cáo phát hành ngày 20/12/2015 của Trung tâm Tôn giáo và Địa chính trị do cựu Thủ tướng Anh Tony Blair thành lập, 15 nhóm khủng bố của “Đội quân Chinh phục” đang lên kế hoạch thành lập một quốc gia riêng biệt và sẵn sàng thay thế IS nếu chúng bị tiêu diệt.

Báo cáo cho biết, tại Syria hiện có trên 65.000 tay súng thánh chiến của 15 tổ chức không thuộc IS, trong đó chỉ cần 48.000 tên thuộc 3 tổ chức khủng bố lớn như al-Nusra, Ahrar al-Sham, FSA…, đã đủ sức để kiểm soát lãnh thổ và xây dựng nhà nước Hồi giáo riêng biệt.

Trong bối cảnh Mỹ đang đánh mất sự ủng hộ của người Kurd, các thế lực khủng bố trên đất Syria đang dần bị suy yếu, các nhóm đối lập ôn hòa không đủ lực chống đối, nếu mất đi “sự hỗ trợ” của al-Nusra, rất có thể quân đội trung thành với ông Assad sẽ giành thắng lợi trong thời gian tới.

Do đó, Mỹ đang tìm cách biến al-Nusra thành “đối lập ôn hòa” hoặc chí ít là cũng đưa người và vũ khí của chúng chuyển sang biên chế phe đối lập. Bởi vậy, việc Mỹ lần chần không tách al-Nusra ngay thời điểm này là nhằm mục đích “thoát thai hoán cốt” cho chúng.

Theo Huy Bình

Đất Việt