1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Vì sao Mỹ bất ngờ điều tàu chiến tuần tra ở Hoàng Sa?

(Dân trí) - Cuộc tuần tra tự do hàng hải của Mỹ tại quần đảo Hoàng Sa mới đây có lý do pháp lý khác hẳn so với cuộc tuần tra ở Trường Sa hồi năm ngoái - và gây ra phản ứng cũng rất khác từ phía Trung Quốc.

 


Tàu chiến USS Curtis Wilbur của Hải quân Mỹ (Ảnh: Wiki)

Tàu chiến USS Curtis Wilbur của Hải quân Mỹ (Ảnh: Wiki)

Ngày 30/1, Hải quân Mỹ đã điều tàu khu trục USS Curtis Wilbur vào vùng 12 hải lý quanh đảo Tri Tôn tại quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép. Cuộc tuần tra hàng hải này nhằm khẳng định quyền đi qua vô hại trong lãnh hải mà không phải thông báo trước.

Ngay sau đó, Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã phản ứng giận dữ đối với cuộc tuần tra này, nói rằng “tàu hải quân Mỹ vi phạm luật pháp Trung Quốc và vào lãnh hải mà không được phép”.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc ngang ngược nói rằng “theo luật của Trung Quốc, các tàu nước ngoài phục vụ mục đích quân sự phải xin phép chính phủ Trung Quốc trước khi đi vào lãnh hải của Trung Quốc”. Luật này yêu cầu phải xin phép trước, dù là đi qua vô hại, và đó là điều mà hoạt động tuần tra hàng hải của Mỹ muốn bác bỏ.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ash Carter tuyên bố: “Hoạt động này thách thức các nỗ lực của Trung Quốc nhằm hạn chế quyền và tự do hàng hải quanh các thực thể họ tuyên bố chủ quyền bằng các chính sách yêu cầu sự cho phép hoặc thông báo trước về các cuộc di chuyển trong lãnh hải. Những tuyên bố quá đáng này liên quan tới đảo Tri Tôn là không phù hợp luật pháp quốc tế chiếu theo Công ước về Luật Biển”.

Theo Diplomat, cuộc tuần tra của tàu khu trục USS Lassen gần bãi Xu Bi tại Trường Sa hồi tháng 10 năm ngoái và của USS Curtis Wilbur tại Hoàng Sa tuần trước đều được gọi là hoạt động tự do hàng hải nhưng lý do pháp lý đằng sau mỗi cuộc tuần tra là khác nhau. USS Lassen đã đi qua vùng 12 hải lý quanh đá Xu Bi, nơi Trung Quốc bồi đắp thành đảo nhân tạo, để chứng tỏ quan điểm của Mỹ rằng thực thể này về mặt pháp lý vẫn bị xem là bãi nửa chìm nửa nổi, chứ không phải một hòn đảo.

Vì thế, phản ứng chính thức của Trung Quốc đối với cuộc tuần tra của Mỹ ở Trường Sa cũng mơ hồ một cách cố ý. Trên thực tế, Trung Quốc đã chỉ trích Mỹ vi phạm vùng 12 hải lý quanh Xu Bi nhưng không khẳng định rõ ràng rằng Xu Bi gắn với một vùng lãnh hải.

Trái lại, phản ứng của Trung Quốc về hoạt động tự do hàng hải quanh Triton gay gắt hơn, vì Bắc Kinh đã trái phép tuyên bố vùng lãnh hải quanh Hoàng Sa. Cuộc tuần tra của Mỹ trong khu vực nhằm phản đối 2 khía cạnh mà Trung Quốc đòi hỏi: các tàu chiến nước ngoài phải xin phép trước khi đi qua gần Tri Tôn, và đường cơ sở (đường ranh giới phía trong của lãnh hải và phía ngoài của nội thủy) được thiết lập quanh Hoàng Sa. Giáo sư James Kraska, từ Trường Chiến tranh Hải quân Mỹ, đã khẳng định: “Trung Quốc đã thiết lập các đường cơ sở trái phép quanh tất cả Hoàng Sa - điều này là bất hợp pháp”.

Cuộc tuần tra tại Hoàng Sa mang thông điệp mạnh mẽ hơn, rằng Mỹ phản đối các các tuyên bố của Trung Quốc, xem chúng là “quá đáng” và “không phù hợp luật pháp quốc tế”. Và không giống bãi Xu Bi, Trung Quốc đã rõ ràng tuyên bố trái phép một vùng lãnh hải quanh Hoàng Sa, vì vậy có thể phản ứng gay gắt hơn với cuộc tuần tra của Mỹ mà Bắc Kinh xem là xâm nhập (dù cho tới nay không có dấu hiệu cho thấy Bắc Kinh sẽ làm căng thêm).

Cuộc tuần tra của tàu USS Curtis Wilbur sẽ không phải là hoạt động tự do hàng hải cuối cùng của Mỹ trong khu vực. Đô đốc Harry B. Harris, Tư lệnh Bộ chỉ huy Thái Bình Dương của Mỹ, gần đây phát biểu tại một sự kiện ở thủ đô Washington rằng “khi chúng tôi tiếp tục hướng đi tự do hàng hải, các bạn sẽ nhìn thấy nhiều hoạt động như vậy, và các bạn sẽ nhìn thấy sự gia tăng về độ phức tạp vào quy mô tại các khu vực thách thức”.

An Bình

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm