1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Vì sao Malaysia không thể theo dấu MH370?

(Dân trí) - Chính phủ Malaysia đã mở một cuộc điều tra giới chức hàng không dân sự cũng như quân đội để tìm hiểu vì sao họ lại không thể xác định và lần theo dấu của chiếc máy bay MH370 trong vòng vài giờ hỗn loạn sau khi mất tích.

Vì sao Malaysia không thể theo dấu MH370?

Hơn 1 tháng sau khi MH370 mất tích, nỗ lực tìm kiếm của quốc tế vẫn chưa có kết quả.

Cuộc điều tra nội bộ ban đầu được tiến hành khi giới chức quân đội và dân sự đổ lỗi trách nhiệm cho nhau cho những sai lầm và lúng túng ban đầu trong vụ mất tích máy bay MH370, dẫn đến việc tìm kiếm MH370 ở nhầm vùng biển suốt một tuần liền.

Phe đối lập ở Malaysia đã yêu cầu quốc hội tiến hành điều tra những gì đã diễn ra dưới mặt đất vài giờ đầu tiên sau khi MH370 mất tích. Tuy nhiên, giới chức chính phủ cho rằng không nên tiến hành điều tra chính thức cho đến khi hộp đen máy bay được tìm thấy.

Chiếc Boeing (BA.N) 777 chở theo 227 hành khách và 12 phi hành đoàn đã biến mất khỏi màn hình radar vào ngày 8/3, khi đang trên chặng từ Kuala Lumpur tới Bắc Kinh. Malaysia tin rằng máy bay đã đổi hướng khỏi đường bay đã định và đã rơi xuống nam Ấn Độ Dương. Một cuộc tìm kiếm khổng lồ hiện đang được tiến hành ở ngoài khơi thành phố Perth, Úc, nhằm tìm mảnh vỡ cũng như hộp đen máy bay.

Trong cuộc phỏng vấn với một nguồn tin chính phủ và 4 quan chức quân/dân sự của Malaysia, hãng thông tấn Reuters cho hay, các nhà điều khiển không vận và giới chức quân sự tin rằng sau khi biến mất khỏi màn hình radar dân sự vào 1h21’ ngày 8/3, MH370 đã quay trở lại một sân bay ở Malaysia vì trục trặc kỹ thuật.

Giả thuyết này vẫn được tính đến mặc dù không có cuộc gọi cấp cứu nào và cũng không có liên lạc nào khác từ buồng lái máy bay – dấu hiệu cho thấy máy bay có thể đã bị cướp hoặc bị chuyển hướng có chủ ý.

“Giả thuyết ban đầu là máy bay có thể đã chuyển hướng do trục trặc kỹ thuật và sau đó bị rơi. Đó là những gì chúng tôi đang điều tra”, một nguồn tin dân sự cấp cao của Malaysia cho hay.

Một quan chức quân sự cấp cao cho biết, trạm điều khiển không vận đã thông báo cho quân đội về vụ máy bay mất tích vào khoảng 2h sáng ngày 8/3. Theo ông, quy trình thông báo chuẩn là phải trong vòng 15 phút. Một nguồn tin quân sự khác cũng cho biết quá trình thông báo của giới chức dân sự là chậm, nhưng không hé lộ thời gian. Trong khi đó, giới chức hàng không dân sự Malaysia lại khẳng định phản ứng của họ trong vụ máy bay MH370 phù hợp với chỉ dẫn.

Quan chức cấp cao trong quân đội cho hay, khi được thông báo, radar quân sự bắt được tín hiệu của một máy bay không xác định đang hướng về phía tây, bay ngang bán đảo Malaysia. Lực lượng không quân cho biết máy bay không xác định đó có thể là MH370 và lần cuối được phát hiện trên radar quân đội là vào 2h15’, cách tây bờ biển bang Penang, Malaysia, khoảng 320km.

Máy bay có được theo dõi liên tục?

Giới chức quân sự cấp cao của Malaysia đã từng công bố chiến đấu cơ của nước này đóng ở căn cứ không quân tại Penang và bờ biển miền đông bang Kuantan đã không được triển khai để chặn máy bay, do không xem máy bay là “thù địch”. Quân đội không công khai thừa nhận họ theo dõi liên tục máy bay khi nó bay trở lại và cắt ngang bán đảo Malaysia.

Theo các chuyên gia hàng không, mặc dù chiến đấu cơ không có đủ nhiên liệu để lần theo một chiếc Boeing 777 trong suốt thời gian dài và trong đêm tối, họ cũng có thể đã thấy MH370 bay cắt ngang bán đảo Malaysia hoặc rộng hơn nữa. Điều này có thể đã giúp Malaysia không bị lúng túng trong cuộc tìm kiếm ban đầu, và nhiều nước đã không phải uổng sức khi tìm kiếm máy bay ở bờ đông Malaysia, trên Vịnh Thái Lan và trên Biển Đông, nơi MH370 được thấy lần cuối trên radar dân sự.

Cũng theo các chuyên gia hàng không, lẽ ra phải triển khai chiến đấu cơ trong vòng vài phút. Ở châu Âu và Bắc Mỹ, các chuyên gia cho hay, nhân viên trạm điều khiển không vận được huấn luyện để phối hợp với các cơ quan dân và quân sự xuyên biên giới.

Ví dụ như trong vụ máy bay Helios Airways của Hy Lạp mất tích trên Biển Aegean sau khi buồng lái bị giảm áp suất đột ngột năm 2005 cùng 121 người trên khoang, chiến đấu cơ đã được triển khai từ một căn cứ không quân Hy Lạp. 2 chiếc chiến đấu cơ F16 có thể thấy ghế của cơ trưởng trống và cơ phó gục xuống bảng điều khiển. Máy bay sau đó bị rơi vì hết nhiên liệu. “Điều này làm dấy lên câu hỏi về việc phối hợp giữa quân và dân sự”, một cựu phi công ở London đánh giá về phản ứng đối với máy bay Malaysia.

Chậm chuyển dữ liệu?

Một vấn đề nữa được đặt ra là liệu quân đội có chậm trễ trong việc chuyển dữ liệu radar về máy bay lạ bay cắt ngang Malaysia hay không. 2 quan chức hàng không dân sự cho hay sự quan liêu của quân đội đã làm chậm tốc độ chia sẻ thông tin. Song họ không cho biết chi tiết thêm.

“Các lực lượng vũ trang đã biết khả năng máy bay quay đầu trở lại sớm hơn rất nhiều. Đó là lý do vì sao cuộc tìm kiếm được mở rộng sang Eo Malacca trong vòng 1 đến 2 ngày”, một nguồn tin dân sự cấp cao cho hay. “Nhưng quân đội không xác nhận điều này cho đến mãi sau này, do phản đối của các sỹ quan cấp cao. Chính phủ đã phải vào cuộc. Chúng tôi đã lãng phí thời gian ở Biển Đông”.

Các nguồn tin chính phủ cũng cho biết Thủ tướng Datuk Seri Najib Razak đã phải buộc quân đội chuyển dữ liệu radar thô của mình cho các nhà điều tra trong tuần đầu tiên máy bay mất tích.

Tuy nhiên giới chức quân sự cho biết họ không muốn gây ra sự nhầm lẫn khi chia sẻ thông tin mà chưa được chứng thực. Ngày 12/3, bốn ngày sau khi MH370 mất tích, người đứng đầu Không lực Malaysia, ông Razak, cho biết vẫn chưa có khẳng định máy bay lạ mà họ thấy có phải là MH370 hay không, song Malaysia sẽ chia sẻ thông tin với giới chức quân sự và dân sự quốc tế, trong đó có Mỹ.

Ngày 15/3, cuộc tìm kiếm trên Biển Đông được hủy bỏ khi ông Razak cho hay dữ liệu vệ tinh cho thấy máy bay có thể chuyển hướng tới trung Á hoặc tới nam Ấn Độ Dương.

Trong khi đó, tại cuộc phỏng vấn với đài truyền hình Trung Quốc CCTV, Bộ trưởng Quốc phòng kiêm quyền Bộ trưởng Giao thông Malaysia Datuk Seri Hishammuddin Hussein cho biết hãng hàng không Malaysia Airlines sẽ phải trả lời cho những sai lầm khi đối phó với vụ máy bay mất tích.

Vũ Qúy
Tổng hợp