1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Vì sao Không quân Mỹ mạnh nhất thế giới?

(Dân trí) - Tạp chí National Interest đã đăng tải bài phân tích của chuyên gia quân sự Dave Majumdar chỉ ra 5 hệ thống “xương sống” của Không quân Mỹ, giúp lực lượng này có thể trở nên “bất khả chiến bại” trong mọi cuộc giao tranh.

Tên lửa đạn đạo liên lục địa Boeing LGM-30G Minuteman III

Chiêm ngưỡng tên lửa đạn đạo liên lục địa LGM-30G Minuteman III của Mỹ

Mặc dù năng lực răn đe hạt nhân chiến lược đã không còn quá cấp thiết từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc nhưng việc duy trì năng lực này vẫn là nhiệm vụ hàng đầu đối với Không quân Mỹ .

Nòng cốt của hệ thống này là tên lửa Minuteman III từ những năm 1960. Có khoảng 450 tên lửa loại này vẫn đang trong biên chế quân đội Mỹ, tạo nên lực lượng mặt đất thuộc “bộ ba hạt nhân” của Mỹ.

Trong nhiều năm qua, Minuteman III đã được Mỹ tập trung cải tiến, nâng cấp với động cơ rocket mới và các hệ thống dẫn đường hiện đại. Ban đầu, tên lửa này chỉ được thiết kế để mang 3 đầu đạn hạt nhân dẫn đường độc lập nhưng phiên bản hiện tại của Minuteman III chỉ mang được 1 đầu đạn có sức công phá 300 kiloton.

Mỹ đang có kế hoạch tiếp tục nâng cấp tên lửa Minuteman nhưng trong tương lai, nó sẽ được thay thế hoàn toàn bằng một loại tên lửa đạn đạo liên lục địa hoàn toàn mới.

Máy bay ném bom tàng hình Northrop Grumman B-2 Spirit

Ngắm siêu máy bay ném bom tàng hình chiến lược B-2 Spirit

Phi đội máy bay ném bom tàng hình B-2 Spirit là phương tiện tấn công tầm xa duy nhất trong biên chế Không quân Mỹ . Hiện chưa có máy bay nào của Mỹ ngoài B-2 có khả năng xuất phát từ lục địa Mỹ bay qua bên kia bán cầu để thực hiện các nhiệm vụ tấn công trong vùng không phận phức tạp.

Tầm tấn công của B-2 khi không được tiếp nhiên liệu giữa chừng là 11.112 km, khi được tiếp nhiên liệu trên không là 18.520 km.

B-2 cũng là vũ khí duy nhất của Không quân Mỹ có thể xuyên qua được hệ thống phòng không dày đặc của đối phương, khiến cho máy bay này có thể không chịu bất cứ tổn thất nào khi tấn công mọi mục tiêu nào trên trái đất.

Ngoài ra, B-2 thậm chí còn rất khó bị các hệ thống radar tần số thấp phát hiện, vượt trội so với khả năng tàng hình dưới radar tần số cao của các máy bay chiến đấu F-35 và F-22.

Một khó khăn là Không quân Mỹ hiện tại chỉ sở hữu 21 máy bay dạng này, trong đó có 1 máy bay đã hỏng. Ngoài ra, lớp phủ lên B-2 rất nhạy cảm và chi phí duy trì rất đắt đỏ.

Hiện Không quân Mỹ đang phát triển máy bay thế hệ mới có tên máy bay ném bom tấn công tầm xa (LRSB), dự kiến vào biên chế không quân năm 2020, có giá khoảng 550 triệu USD, rẻ hơn 1/4 so với máy bay B-2.

Máy bay chiến đấu tàng hình Lockheed Martin F-22 Raptor

Xem màn nhào lộn ngoạn mục của máy bay chiến đấu F-22 Raptor

Với khả năng bay cao và bay nhanh, F-22 là mẫu máy bay chiến đấu vượt trội nhất vào thời điểm hiện tại. F-22 có khả năng tàng hình xuất sắc và được trang bị hệ thống điện tử tiên tiến. F-22 có khả năng bay với tốc độ siêu âm, đạt hơn 2.200 km/h và đạt độ cao lên tới 18.000m.

Sự kết hợp giữa tốc độ, cao độ, khả năng tàng hình và cảm biến mạnh đã khiến “chim sắt” F-22 trở thành một vũ khí có sức sát thương lớn.

Không quân Mỹ hiện tại sở hữu 186 máy bay loại này, trong đó chỉ 120 sẵn sàng chiến đấu.

Máy bay chiến đấu Boeing F-15E Strike Eagle

Máy bay chiến đấu Boeing F-15E phô diễn sức mạnh trên không

F-15E Strike Eagle là máy bay chiến đấu hạng nặng tầm xa, được coi là phiên bản thay thế mẫu General Dynamic F-111. Hiện có 213 chiếc F-15E trong kho vũ khí của Không quân Mỹ. Khác với biến thể F-15C/D tập trung vào nhiệm vụ chiếm ưu thế trên không, F-15E có vai trò chính là tấn công.

F-15E có phạm vi hoạt động và trọng tải lớn hơn bất cứ máy bay chiến đấu nào của Mỹ vào thời điểm hiện tại. Ngay cả thực hiện tấn công không-đối-đất, F-15E vẫn là một “thế lực” trên bầu trời, đặc biệt là các nhiệm vụ tấn công ngoài tầm nhìn.

Hiện tại, F-15E vẫn còn có thể phục vụ tới những năm 2030. Chúng đang được Không quân Mỹ nâng cấp bằng radar quét mảng pha điện tử chủ động mới Raytheon APG-82 và hàng loạt vũ khí hiện đại.

Máy bay tiếp dầu Boeing KC-135

Máy bay tiếp dầu Boeing KC-135 trong một nhiệm vụ (Ảnh: Millitary Today)
Máy bay tiếp dầu Boeing KC-135 trong một nhiệm vụ (Ảnh: Millitary Today)

Mặc dù không được quá chú ý nhưng điều làm nên sự khác biệt của không quân Mỹ với phần còn lại của thế giới là khả năng tác chiến trên toàn cầu. Các máy bay tiếp dầu KC-135 chính là “linh hồn” giúp không những Không quân Mỹ mà còn Hải quân và Thủy quân lục chiến Mỹ có thể thực hiện các nhiệm vụ trên.

Tuy nhiên, các máy bay KC-135 hiện đã cũ và cần được thay thế. Không quân Mỹ đã tiến hành một số nỗ lực để cơ cấu lại một phần phi đội máy bay tiếp dầu trong hơn 20 năm qua, như việc phát triển máy bay tiếp dầu KC-46.

Dù 179 chiếc KC-46 sẽ được tăng cường cho đến năm 2028, phần lớn phi đội máy bay tiếp dầu của Không quân Mỹ vẫn là KC-135. Không quân Mỹ đang có tham vọng sớm tìm được phiên bản thay thế phần còn lại của phi đội này.

Đức Hoàng

Theo National Interest