Vì sao Iraq không “tiếp” bộ binh Mỹ vào đánh IS?
Thủ tướng Iraq Haider al-Abadi hôm qua đã khước từ đề nghị triển khai các lực lượng đặc biệt của Mỹ tới Iraq để hỗ trợ chiến đấu chống lại IS, trong khi Iraq vẫn hoan nghênh việc Mỹ đào tạo và hỗ trợ quân đội của họ chiến đấu trong nước.
Lực lượng đặc nhiệm của Mỹ ở Iraq
“Chúng tôi không cần lực lượng chiến đấu mặt đất nước ngoài trên đất Iraq”, ông Abadi tuyên bố sau khi Washington nói bóng gió rằng họ có kế hoạch mở rộng hoạt động quân sự trên bộ chống lại IS ở cả Iraq và Syria.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ, Ashton Carter tuyên bố rằng Mỹ sẽ triển khai một lực lượng viễn chinh đặc biệt đến Iraq và ám chỉ rằng các lực lượng mặt đất có thể được gửi đến Syria để hỗ trợ trong cuộc chiến quốc tế chống lại IS.
Mỹ đã có khoảng 3.500 quân ở Iraq để “đào tạo và tư vấn cho” lực lượng địa phương; với các quan chức ở Washington, một điều chắc chắn rằng quân đội Mỹ sẽ không tham gia trong cuộc chiến trên bộ tại Iraq.
Tuy nhiên, đã có suy đoán rằng quân đội Mỹ đã tham gia vào chiến đấu chống lại hoạt động IS ở Iraq. Các chiến binh người Kurd trao đổi với tờ The Guardian rằng lực lượng mặt đất của Mỹ đã tích cực đấu tranh chống lại các nhóm phần tử khủng bố trong nhiều tháng.
Các quan chức Mỹ từ chối giải thích, tuy nhiên điều này đã dấy lên lo ngại ở Baghdad rằng: Washington có thể sẽ tăng cường việc tham gia các nhiệm vụ đặc nhiệm bí mật bằng cách từ từ gia tăng sự hiện diện của họ tại nước này.
Nhiều người ở Baghdad rất thận trọng với sự gia tăng can thiệp của Mỹ, sau cuộc chiến Iraq năm 2003; hiện tại, rất nhiều người Iraq vẫn còn rất hoài nghi về ý định của Washington trong khu vực.
Bất kỳ việc triển khai các sĩ quan quân đội Mỹ nào tại Iraq sẽ phải đối mặt với sự phản đối từ lực lượng dân quân Shia mà chính phủ Iraq cho là hợp pháp, những người đã cảnh báo rằng họ sẽ chống lại sự hiện diện của Mỹ trên toàn Iraq.
Jafaar Hussaini, phát ngôn viên của nhóm Kata'ib Hezbollah, nói với Reuters rằng: “Chúng ta sẽ truy đuổi và chống lại bất kỳ lực lượng Mỹ nào triển khai tại Iraq. Bất kỳ lực lượng Mỹ nào cũng sẽ trở thành mục tiêu chính của chúng tôi. Chúng tôi đã chiến đấu cho họ trước kia và chúng tôi đã sẵn sàng để tiếp tục chiến đấu”.
Muen al-Kadhimi, một phụ tá cao cấp cho nhà lãnh đạo dân quân tự vệ của Tổ chức Badr, cho biết: “Tất cả người dân Iraq chỉ coi Mỹ là những vị khách qua đường chứ không phải là người đáng tin cậỵ”.
Cũng giống như Syria, quân Chính phủ Iraq hiện nay cũng đang phải vật lộn để chống lại làn sóng như triều dâng của IS trên lãnh thổ nước này. Trong những tháng gần đây, chính phủ nước này có những hành động xích lại gần Nga và Syria trong cuộc chiến chung chống IS và dần dần thể hiện sự xa lánh với người đồng minh Mỹ trong thời buổi các cuộc không kích của Nga ở Syria ngày càng thu về những hiệu quả đáng kể.
Theo Tiến Đạt/Sputniknews
PetroTimes