1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Vì sao Indonesia muốn tăng mạnh chi tiêu quốc phòng?

Thanh Thành

(Dân trí) - Indonesia có kế hoạch tăng mạnh chi tiêu quốc phòng lên 125 tỷ USD, gấp 3 lần trong vòng 5 năm tới, trong bối cảnh Trung Quốc đẩy mạnh hoạt động ở Biển Đông.

Vì sao Indonesia muốn tăng mạnh chi tiêu quốc phòng? - 1

Một tàu khu trục FREMM của Pháp (Ảnh minh họa: AFP).

Theo báo SCMP, gần 2 tháng sau vụ chìm tàu ngầm KRI Nanggala bị chìm ngoài khơi đảo Bali trong khi đang tập trận, Indonesia đã bắt đầu hiện đại hóa lực lượng quốc phòng bằng cách đặt mua 8 tàu khu trục của Italia.

Các nhà phân tích cho rằng, thỏa thuận trên cũng nêu bật mối lo ngại của Jakatar về năng lực bảo vệ lợi ích quốc gia với đội tàu già nua hiện tại, và sau khi các tàu Trung Quốc bị cáo buộc xâm phạm lãnh hải nước này.

Theo một tài liệu bị rò rỉ, Bộ Quốc phòng Indonesia sẽ đề xuất ngân sách trị giá 124 tỷ USD, được phân chia trong 5 năm, một động thái cho thấy mức tăng "khủng". Năm năm trước, con số này chỉ ở mức 38,8 tỷ USD.

Trang web của công ty đóng tàu Fincantieri (Italia) xác nhận, Jakarta đã ký hợp đồng mua 6 tàu khu trục đa năng FREMM mới và 2 tàu khu trục MaStrale đã qua sử dụng. Hai tàu MaStrale sẽ được bàn giao sau khi chúng được "nghỉ hưu". Tuy nhiên, Fincantieri không tiết lộ giá trị của hợp đồng.

Muhamad Haripin, nhà nghiên cứu tại Trung tâm Nghiên cứu Chính trị tại Viện Khoa học Indonesia, cho biết thỏa thuận tàu khu trục phản ánh sự gia tăng quan tâm của các quốc gia châu Âu với khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương.

Nhà nghiên cứu tại Trung tâm nghiên cứu chính trị thuộc Viện Khoa học Indonesia, ông Muhamad Haripin, nhận định: "Thỏa thuận tàu khu trục cho thấy các nước châu Âu đang tăng cường can dự vào khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương. Các nước châu Âu ngày càng đi theo các chính sách đối ngoại của nước Mỹ dưới Tổng thống Mỹ Joe Biden nhằm chống lại sự trỗi dậy của Trung Quốc trong khu vực".

Theo ông Haripin, Indonesia cũng thật sự đang rất cần thêm tàu tuần tra để giám sát 54.000 km bờ biển và vùng lãnh hải rộng lớn.

"Indonesia lo ngại về sự quyết đoán ngày càng tăng của Trung Quốc ở Ấn Độ - Thái Bình Dương. Jakatar nhận ra rằng cuộc cạnh tranh giữa Trung Quốc và Mỹ có thể ảnh hưởng đến sự ổn định của khu vực, nhưng không muốn tham gia trực tiếp", ông Haripin nhận định.

Dù Indonesia không tuyên bố chủ quyền chồng lấn nào với Trung Quốc ở Biển Đông, các lực lượng hàng hải của họ thường xuyên đụng độ với phía Trung Quốc ở khu vực gần quần đảo Natuna của Indonesia thuộc phía nam Biển Đông. Ngoài ra, Trung Quốc cũng tuyên bố có quyền đánh cá ở vùng biển Bắc Natuna, vì thế các tàu đánh cá và tuần duyên Trung Quốc thường xuyên đến khu vực này.

Thỏa thuận với Fincantieri được công bố sau khi một tài liệu bị rò rỉ gần đây cho thấy Bộ Quốc phòng Indonesia có kế hoạch chi 1.700 nghìn tỷ rupiah (124,9 tỷ USD) từ năm 2020-2024 để hiện đại hóa quân đội. Theo nội dung tài liệu, nỗ lực này được rót vốn hoàn toàn bằng tiền nợ từ nước ngoài, khoản nợ kéo dài đến năm 2044 và sẽ chỉ chịu mức lãi suất rất thấp.

Indonesia chịu nhiều áp lực phải hiện đại hóa lực lượng hải quân già cỗi sau vụ chìm tàu ngầm KRI Nanggala hồi tháng 4 khiến tất cả 53 thủy thủ đoàn thiệt mạng, đánh dấu thảm họa tàu ngầm tồi tệ nhất trong lịch sử nước này.

Tuy nhiên, khoản ngân sách được đề xuất đã làm dấy lên tranh cãi vì nền kinh tế Indonesia vẫn đang quay cuồng với đại dịch. Hồi tháng 11/2020, nền kinh tế nước này chính thức ghi nhận lần suy thoái đầu tiên trong hơn 20 năm qua. Nền kinh tế giảm 2,07% vào năm 2020, so với năm 2019. Trong quý 1 năm nay dù tăng 0,96% so với quý 4/2020, nhưng vẫn thấp hơn 0,74% so với quý 1/2020.

"Việc tăng ngân sách quốc phòng mức cao như vậy trong bối cảnh đại dịch và khủng hoảng kinh tế, chắc chắn sẽ tạo gánh nặng cho người dân và ảnh hưởng đến nền kinh tế", một đại diện từ cơ quan giám sát nhân quyền Imparsial có trụ sở tại Jakarta cho biết. Theo chuyên gia này, dù đây là tiền đi vay, chính phủ nên phân bổ ngân sách phù hợp nhằm đảm bảo sức khỏe cộng đồng và phục hồi kinh tế.

Tuy nhiên, Bộ Quốc phòng cho biết ngân sách này hiện vẫn chưa được thông qua. "Chúng tôi vẫn đang thảo luận và xem xét kỹ lưỡng đề xuất ngân sách. Đây vẫn chưa phải là con số cuối cùng. Chúng tôi thật tiếc khi tài liệu bị rò rỉ và nó bị biến thành công cụ chính trị để gây lòng thù hận vì mục đích chính trị", một người phát ngôn của Bộ trưởng Quốc phòng Prabowo Subianto nói.

Người phát ngôn trên cho biết, Bộ đã chuẩn bị đề xuất ngân sách theo "chỉ thị của Tổng thống Joko Widodo đối với Bộ trưởng Prabowo" và Tổng thống đã yêu cầu nêu chi tiết danh sách các thiết bị quốc phòng có thể mua trong vòng 5 đến 25 năm tới.

"60% thiết bị quốc phòng của chúng tôi thực sự cũ, lỗi thời và đáng lo ngại. Đó là lý do tại sao Bộ Quốc phòng đệ trình kế hoạch hiện đại hóa thông qua việc tổ chức lại việc mua sắm trang thiết bị quốc phòng và cấp vốn", ông nói thêm.