1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Vì sao giới quân sự Ukraine liên tục đòi tấn công Nga?

Thời gian gần đây, giới chức lãnh đạo Ukraine đã liên tiếp đưa ra những đe dọa về quân sự đối với Nga. Điều này xuất phát từ nguyên nhân nào?

Vì sao giới quân sự Ukraine liên tục đòi tấn công Nga? - 1

Ukraine liên tiếp đe dọa tấn công quân sự vào Nga

Gần đây, Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko đã liên tiếp lên tiếng đe dọa tấn công quân sự vào Nga. Hôm 25/6, Ông này đã chỉ thị cho các quân nhân thuộc lực lượng không quân nước này chuẩn bị “răn đe” Nga, khi tới thăm và phát biểu tại Đại học Hàng không Kharkov.

Tuyên bố được trích dẫn trên trang web chính thức của Tổng thống Ukraine nhấn mạnh, với những ưu thế về trang bị vũ khí hiện đại và khả năng tấn công nhanh, quân chủng không quân của Ukraine cần phải là lực lượng nòng cốt trong các lực lượng vũ trang nước này.

Theo đúng chức năng, sức mạnh hỏa lực và phạm vi chiến đấu, cùng với các bộ phận khác của nền quốc phòng, không quân Ukraine cần đảm bảo ngăn chặn “tham vọng hiếu chiến” của Nga và có khả năng giáng đòn đích đáng vào "bất kỳ kẻ xâm lược" nào.

Ông ta cũng thông báo rằng, ngân sách trong năm 2016 dành cho việc hiện đại hóa hàng không Ukraine sẽ được phân bổ 2,5 tỷ grivna (khoảng 6,4 tỷ rúp, tương đương 100 triệu USD). Khoản kinh phí này cần rót vào khâu sửa chữa và hiện đại hóa máy bay và trực thăng.

Trước đó, Tổng thống Ukraina nhiều lần nói về sức mạnh của quân đội Ukraine, mà theo lời ông, là một quân đội có tinh thần chiến đấu tốt, lực lượng hùng mạnh, và đủ sức "chặn đứng quân đội lớn nhất trên lục địa" (chỉ Nga) và giành lại 2/3 lãnh thổ Donbass.

Giới chức Ukraine liên tiếp đe dọa quân sự với Nga
Giới chức Ukraine liên tiếp đe dọa quân sự với Nga

Mới cách đây 10 hôm, Tổng thống Petro Poroshenko tuyên bố nước này không cần phải triển khai lệnh tổng động viên toàn dân mà chỉ cần tiến hành những bước đi chuẩn bị cho việc triển khai phong trào chiến tranh du kích, trong trường hợp chiến tranh xảy ra với Nga.

Ông Poroshenko thể hiện quan điểm trên tại hội nghị khoa học-thực tiễn "Bài học từ cuộc chiến tranh lai" tại Bộ Tổng tham mưu Các lực lượng vũ trang Ukraine. Ông nói rằng, Kiev không tuyên bố tổng động viên vì quân đội đã thành công trong việc huy động binh lính phục vụ theo hợp đồng.

Hồi đầu tháng này, Thống đốc vùng Donetsk (do Kiev bổ nhiệm) là ông Pavel Zhebrivskyi tuyên bố rằng nước này cần lấy lại "nguồn cội Ukraine", tức là những vùng đất hiện nằm trong thành phần Liên bang Nga như Kuban, Voronezh và Bryansk…

Ông Zhebrivskyi tuyên bố rằng, sớm hay muộn thì nước này cũng cần phải lấy lại những mảnh đất “vốn của Ukraine”, bao gồm Kurschinu, Bryansk, vùng Voronezh, Rostov và Krasnodar. Theo ông này, “đó những nơi mang đậm bản chất Ukraine, đặc tính Ukraine".

Vì sao giới chức Ukraine liên tục chĩa mũi dùi vào Nga?

Các quan chức Nga giải thích rằng, những tuyên bố như vậy của Tổng thống và cả các quan chức quốc phòng nước này là nhằm che giấu thực trạng bi đát của nền kinh tế và sự rệu rã, yếu đuối của quân đội Ukraine, xuất phát từ những bê bối cá nhân và sai lầm trong chính sách của ông Poroshenko.


Một điều tra năm 2015 cho thấy, trong khi đất nước nghèo đi, khối tài sản của Tổng thống Poroshenko đã tăng lên 8 lần

Một điều tra năm 2015 cho thấy, trong khi đất nước nghèo đi, khối tài sản của Tổng thống Poroshenko đã tăng lên 8 lần

Thực trạng bi đát của nền kinh tế Ukraine và cáo buộc tham nhũng, trốn thuế của ông Poroshenko

Bản báo cáo của Viện Quốc tế Xã hội học Kiev (KMIS) hồi đầu tháng này đã chỉ ra thực trạng đáng buồn: Hiện tại Ukraine đang trên bờ vực vỡ nợ, đất nước đang ngày càng tăng nạn thất nghiệp, đồng tiền quốc gia đã mất giá hơn ba lần, đời sống nhân dân vô cùng khó khăn.

Đồng quan điểm với KMIS và Foreign Policy, một báo cáo của các chuyên gia kinh tế Anh chỉ đích danh Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko đã dung túng và bao che cho tệ nạn tham nhũng. Mức độ tham nhũng của chính quyền Ukraine đã đến cấp độ “chưa từng thấy”.

Ví dụ như là vừa qua, các nhà báo của Radio Svoboda Ukraine đã phát hiện thêm ít nhất 5 công ty offshore của Tổng thống Poroshenko lập ở nước ngoài để trốn thuế, gây thất thu lớn cho đất nước.

Đặc biệt, các nhà báo đã lật lại những sai phạm trong hồ sơ xử lý vụ án hình sự năm 2003, đối với một số công ty của nguyên thủ Ukraine bị nghi ngờ trốn thuế. Theo họ, ngân sách đất nước đã thất thu tới 25 triệu hryvnia do hành động trốn thuế của các công ty thuộc quyền ông Poroshenko.

Theo số liệu Bộ Tài chính, năm ngoái mức lương trung bình trong cả nước Ukraine chỉ đạt 160 USD. Gần một năm trước, khoảng 70% số người được khảo sát bày tỏ sự không hài lòng với cuộc sống của họ và cho rằng các sự kiện trong nước đang phát triển "theo hướng sai lầm".

Bản báo cáo của Viện Quốc tế Xã hội học Kiev đã cho thấy, có tới 76% số người được hỏi cho rằng giới lãnh đạo cấp cao đang dẫn dắt đất nước đi sai hướng, trong đó, 70,1% số người được hỏi đánh giá tiêu cực về các hoạt động của Tổng thống Petro Poroshenko.

Vào tháng 3 năm nay, Cơ quan Di trú Liên bang Nga cho biết, hiện có khoảng 4 triệu dân Ukraine đang sống ở Nga và từ khi cuộc nội chiến ở Donbass xảy ra, đã có thêm hàng trăm nghìn người chạy sang Nga, bởi cuộc sống khốn khó và chạy trốn bom đạn.

Chỉ tính riêng từ khi bắt đầu nổ ra cuộc nội chiến ở Donbass, có thêm khoảng 400.000 người Ukraine đã được nhận quy chế tỵ nạn tạm thời tại Nga. Ngoài ra, còn có gần 200 nghìn người khác được nhận quy chế thành viên của chương trình Nhà nước Nga về tái định cư kiều bào, trong 2 năm 2014 và 2015.

Thực trạng rệu rã và yếu đuối của quân đội Ukraine

Trưởng Công tố viên Quân sự Ukraine Anatoly Matios đã từng công bố rằng, có tới 16.000 binh lính nước này đào ngũ trong khu vực chiến sự ở miền Đông Ukraine - nơi mà chính quyền nước này đang thực hiện "hoạt động chống khủng bố" (ATO) và phần lớn số này đem theo cả vũ khí.

Ông Matios cũng đổ lỗi cho Bộ nội vụ nước này khi cho rằng trong số hàng chục nghìn binh lính đào ngũ mang theo cả vũ khí, cơ quan này chỉ bắt và đưa ra xét xử hình sự 1.000 người. Số còn lại không rõ là họ đã đi đâu, sang Nga hay trở về nhà mình?

Những binh lính Ukraine vượt biên sang Nga hồi đầu tháng 8-2014
Những binh lính Ukraine vượt biên sang Nga hồi đầu tháng 8-2014

Cũng ông Anatoly Matios hồi giữa tháng 8-2015 cho biết, theo điều tra của cơ quan quân sự, có khoảng hơn 8.000 nhân viên an ninh nước này đã đào tẩu sang chiến đấu cho/đã chạy sang phía kẻ thù (tức lực lượng dân quân Donbass), trong đó có 5.000 sĩ quan cảnh sát và khoảng 3.000 binh lính.

Còn ở khu vực miền nam, giáp với bán đảo Crimea, có 559 binh sỹ đã đào ngũ khỏi các đơn vị Hải quân Ukraine trong năm 2015. Sau đó, chỉ có 135 người quay trở lại, còn 155 sỹ quan hải quân đã tới Crimea đầu quân cho Hạm đội Biển Đen của Nga, song các chỉ huy hải quân đã giấu giếm tình trạng này.

Đáng chú ý là kể từ đầu năm 2016, con số đào ngũ ghi nhận đã gần 90 trường hợp. Ngoài ra, khoảng 50 binh sỹ Lữ đoàn 10 Không quân của Hải quân Ukraine, rời Crimea năm 2014, đã quay trở lại đó phục vụ trong Hạm đội Biển Đen không rõ vào thời điểm nào.

Một số chuyên gia cho rằng, tính đến thời điểm đầu năm 2016 thì con số binh lính Ukraine chạy sang Nga đã vào khoảng gần 10.000 người.

Ngoài ra, còn có khoảng 27.000 thanh niên Ukraine đã trốn nghĩa vụ trong đợt Tổng động viên lần thứ 6 (hồi tháng 8/2015), chiếm đến hơn 50% số người được gọi nhập ngũ trong đợt tuyển quân này. Trong đó, một số lượng không ít đã chạy qua miền Đông để sang Nga.

Với thực trạng như vậy mà giới chức lãnh đạo Ukraine vẫn liên tiếp đe dọa quân đội Nga thì rõ ràng đây chỉ là hành động "chuyển lửa" từ trong nước ra bên ngoài mà thôi!

Theo Huy Bình

Đất Việt