1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024
  4. Chiến sự Israel - Hamas

Vì sao gia đình Trung Quốc "mua chỗ" cho con trong đại học Mỹ chưa bị truy tố?

(Dân trí) - Gia đình của Sherry Guo, một sinh viên Trung Quốc theo học tại đại học danh giá Yale của Mỹ, đã chi 1,2 triệu USD để đảm bảo con của họ sẽ chắc suất vào được trường. Tuy nhiên, khi sự việc vỡ lở, họ chưa bị pháp luật “sờ gáy” như những cặp cha mẹ vi phạm khác.

Vì sao gia đình Trung Quốc mua chỗ cho con trong đại học Mỹ chưa bị truy tố? - 1

Đại học Yale (Ảnh: Washington Post)

Guo đến California 5 năm trước khi cô là một thiếu niên người Trung Quốc với ước mơ được theo học tại một dại học danh giá của Mỹ.

Luật sư của Guo, James Spertus, không tranh cãi về việc thân chủ của ông đã vào được Yale bằng một kế hoạch gian lận bài bản và có chủ đích, do William “Rick” Singer chỉ đạo. Singer, dưới danh nghĩa một chuyên gia tư vấn về tuyển sinh đại học, đã dùng mọi thủ đoạn từ can thiệp vào kết quả bài thi tiêu chuẩn xét đầu vào, hối lộ các huấn luyện viên thể thao để đưa ra những thư giới thiệu giả mạo nhằm qua mặt hệ thống tuyển sinh tại nhiều đại học danh giá ở Mỹ trong suốt khoảng gần 8 năm qua.

Đường dây mang lại cho Singer 25 triệu USD đã khiến nước Mỹ chấn động. Bộ Tư pháp nước này thậm chí gọi đây là “đường dây gian lận đại học lớn nhất trong lịch sử”.

Singer đã làm giả hồ sơ của Guo vào kỳ tuyển sinh năm 2017, mô tả cô là một vận động viên bóng đá xuất sắc. Sau đó, Singer đã đút lót cho huấn luyện viên của Yale 400.000 USD nhằm có được tờ thư giới thiệu. Nhờ bản lý lịch đã được chỉnh sửa, Guo đã được nhận vào Yale và gia đình cô đã chi 1,2 triệu USD cho Singer cũng như quỹ từ thiện đối tương này dùng để hợp lý hóa các khoản hối lộ.

Tuy nhiên, khác với các cặp cha mẹ bị cáo buộc trong vụ việc, gia đình của Guo lại chưa bị các công tố viên liên bang cáo buộc vì tội trả tiền cho Singer.

Luật sư Spertus của Guo đã đưa ra lời giải thích cho việc này. Ông nói rằng cha mẹ của cô gái trẻ chỉ đơn giản là chi 1,2 triệu USD với mong muốn cho con vào được đại học danh giá nhưng không có ý đồ phạm pháp. Họ bị “lừa” bởi đối tượng xấu, kẻ đã lợi dụng rào cản ngôn ngữ và sự thiếu kiến thức của gia đình Guo về hệ thống đại học của Mỹ, để khiến họ không hiểu rõ điều mình làm.

Cha mẹ của Guo không nói tiếng Anh và “hoàn toàn tin tưởng rằng khoản tiền họ bỏ ra đơn thuần để ủng hộ từ thiện”, luật sư Spertus nói. Hiện phía công tố chưa đưa ra bất cứ lý giải nào về việc vì sao gia đình Guo không bị cáo buộc tham gia đường dây lừa đảo.

Ngoài gia đình Guo, hồi đầu tuần một gia đình Trung Quốc khác bị nghi đã chi 6,5 triệu USD để “chạy” cho con vào Stanford. Phía công tố cũng chưa đưa ra cáo buộc với cha mẹ của sinh viên này.

Tính tới lúc này, có 33 cha mẹ đã bị vướng cáo buộc rửa tiền, âm mưu lừa đảo. Một số đã thừa nhận tội, số khác vẫn khẳng định họ vô tội.

Để có thể cáo buộc bất cứ ai vi phạm, các công tố viên phải tin họ có thể đưa ra bằng chứng cụ thể rằng những phụ huynh có ý định lừa đảo khi chi tiền.

Chính vì vậy, theo các chuyên gia luật, nếu các công tố viên không có bằng chứng gia đình Guo cố tình lừa Yale khi chi 1,2 triệu USD, thì việc cáo buộc họ không có ý nghĩa.

Trong trường hợp của Guo, cô gái trẻ đã sang Mỹ học trung học và đạt được thành tích tốt cũng như có triển vọng nghệ thuật. Với điểm số khá cao, Guo hướng tới đại học Colombia và Oxford và dự tính sẽ vào những trường này bằng kết quả thực sự của cô. Tuy nhiên, Singer lại định hướng cô tới Yale. Guo tin rằng Singer, với tư cách một nhà tư vấn, đưa ra cho cô sự lựa chọn tốt nhất.

Tới khi sự việc vỡ lở, Yale đã yêu cầu Guo thôi học. “Cô ấy có thể đã có những trải nghiệm đại học tuyệt vời. Hãy tưởng tượng nỗi khổ và dằn vặt mà cô ấy phải chịu đựng suốt cuộc đời còn lại vì sự việc này”, luật sư Spertus nói.

Đức Hoàng

Theo SCMP