1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Vì sao Ecuador dang tay bảo vệ ông chủ WikiLeaks?

(Dân trí) - Quyết định của Ecuador cho phép ông chủ trang WikiLeaks Julian Assange được tị nạn, tạm tránh lệnh dẫn độ sang Thụy Điển để đối mặt với cáo buộc hãm hiếp, đã đặt quốc gia này vào căng thẳng ngoại giao với Anh quốc. Nhưng thực chất của sự việc này là gì?

Vì sao Ecuador “giang tay” bảo vệ ông chủ WikiLeaks?

Nhiều nước châu Mỹ Latinh theo quan điểm cánh tả ủng hộ quyết định bảo vệ ông chủ WikiLeaks của Ecuador.
 

Giới phân tích cho rằng những gì diễn ra ở Anh thực chất không mấy liên quan đến mối quan hệ Ecuador-Anh, mà liên quan đến chính trị khu vực châu Mỹ Latinh và của Ecuador với nửa tây bán cầu. Và nó cũng không mấy liên quan đến việc bảo vệ quyền có một phiên tòa công bằng hay quyền tự do ngôn luận của ông Assange. Thay vào đó là nỗ lực của Tổng thống Ecuador Correa muốn “dằn mặt” Mỹ, qua đó cũng tiếp thêm sức mạnh cho ông trong cuộc chạy đua tổng thống Ecuador vào năm tới. Vụ việc cũng là nơi chứng tỏ vai trò của giới lãnh đạo cánh tả ở châu Mỹ La-tinh.

 

Không ai biết chắc khi tiết lộ hàng loạt những công điện ngoại giao bí mật năm 2010, WikiLeak có đặc biệt nhắm tới Mỹ. Nhưng Assange rõ ràng không có thiện cảm với các quan chức Mỹ, đặc biệt là khi Mỹ đã giam giữ người bị cáo buộc tiết lộ các công điện mật cho WikiLeaks là Bradley Manning. Bản thân Assange cũng lo ngại nếu bị dẫn độ về Thụy Điển, ông sẽ bị trao cho giới chức Mỹ. “Tôi đã bị Mỹ tấn công, từ phó tổng thống trở xuống, xem tôi là kẻ khủng bố công nghệ cao”, Assange tuyên bố hồi tháng 6.

 

Mặc dù theo quan điểm cánh tả, chính phủ của tổng thống Correa trong những năm đầu đã duy trì mối quan hệ khá thân thiết với Mỹ. Bản thân ông Correa, người lên nắm quyền vào đầu năm 2007, đã lấy bằng tiến sỹ kinh tế tại đại học Illinois, Mỹ. Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton đã được đón chào nồng nhiệt trong chuyến thăm chính thức Ecuador hồi tháng 6/2010.

 

Song mối quan hệ đó đã bị xấu đi vào đầu tháng 4/2011, khi chính phủ Ecuador trục xuất đại sứ Mỹ, Heather M. Hodges, vì bình luận mà bà đưa ra trong các công điện mật được WikiLeaks tiết lộ. Trong công điện bà cáo buộc ông Correa đã bổ nhiệm một cảnh sát trưởng tham nhũng nhằm có ai đó ở vị trí “mà ông có thể dễ dàng điều khiển”.

 

Chủ đề của bức điện đặc biệt nhạy cảm vào thời điểm ông Correa vừa mới thoát khỏi thách thức lớn nhất trong nhiệm kỳ của mình và một âm mưu ám sát, trong một cuộc nổi dậy của cảnh sát, sau khi thông qua luật tiêu chuẩn hóa lương dành cho công chức. Luật này cắt bớt lương và trợ cấp cho ngành cảnh sát.

 

Mỹ đáp trả bằng cách tuyên bố không công nhận đại sứ Ecuador ở Washington. Trong cuộc phỏng vấn được tiến hành với ông Assange hồi tháng 6/2012, ông Correa cũng bày tỏ sự tức giận đối với “thái độ đế quốc” của bà Hodges, người đã từ chối xin lỗi hoặc rút lại bình luận của mình.

 

Và khi hai nước đã có đại sứ mới trên đất của nhau, vết thương cũ vẫn chưa lành. Vì vậy, vụ Assange được xem là là cơ hội để ông Correa “phục thù”.

 

Assange sẽ tìm thấy được sự đồng cảm ở Tổng thống Ecuador Correa, người đã thiết lập mối quan hệ đồng minh và thương mại với Cuba, Iran và Venezuela. Bản thân ông Correa đã hủy kế hoạch của một thỏa thuận thương mại với Mỹ, cấm quân đội Mỹ sử dụng một căn cứ không quân trên bờ biển Thái Bình Dương của Ecuador cho máy bay do thám chống buôn lậu ma túy và trục xuất hai nhà ngoại giao Mỹ ra khỏi nước này do bất đồng về một chương trình viện trợ. Trong cuộc nói chuyện với Assange hồi tháng 5, ông Correa đã ca ngợi trang web này và nhấn mạnh: “WikiLeaks đã khiến chúng tôi mạnh mẽ hơn”.

 

Quan điểm của ông cũng được các nhà lãnh đạo cánh tả châu Mỹ Latinh như Tổng thống Hugo Chavez ở Venezuela, Evo Morales ở Bolivia, và cựu chủ tịch Cuba Fidel Castro ở Cuba ủng hộ. Ông Morales khẳng định các công điện bị rò rỉ cho thấy nỗ lực của “đế quốc” can thiệp vào các nền kinh tế, chính trị và chân giá trị của châu Mỹ La tinh bằng cách “do thám”. Trong khi đó Tổng thống Chavez hoanh nghênh sự “dũng cảm và kiên cường” của WikiLeaks, yêu cầu Ngoại trưởng Mỹ từ chức sau khi WikiLeaks tiết lộ chiến lược Mỹ cô lập Venezuela. Còn cựu chủ tịch Cuba Fidel Castro đã gọi vụ rò rỉ công điện ngoại giao mật là “bê bối lớn khác thường” của Mỹ và ví vụ việc như là “Deep Throat của internet” (Deep Throat mật danh của tiết lộ thông tin trong vụ bê bối nghe nén điện thoại Watergate tại Mỹ, dẫn đến việc Tổng thống Nixon phải từ chức).

 

Tại một diễn đàn của các nhà lãnh đạo châu Mỹ Latinh cánh tả ở Sao Paulo hồi tháng 7, họ đã ra tuyên bố chung ủng hộ “quyền tự do thông tin toàn cầu” và “bảo vệ của Ecuador đối với Julian Assange”.

 

Như vậy, việc Ecuador dang tay bảo vệ ông chủ WikiLeaks, thực chất ít liên quan đến mối quan hệ với Anh, mà sâu xa hơn là mối quan hệ của Ecuador cùng các nước châu Mỹ Latinh cánh tả với Mỹ.

 

Vũ Quý

Theo FP, NYTimes