1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Vì sao Dmitry Medvedev được lòng giới trẻ Nga?

(Dân trí) - Giới trẻ Nga xem Tổng thống Vladimir Putin và người được ông “chọn mặt gửi vàng”, Dmitry Medvedev, là chìa khoá cho sự phồn thịnh của họ.

Ngay trước thềm cuộc bầu cử tổng thống ngày 2/3, sự nhiệt tình tuổi trẻ tràn ngập trường luật St. Petersburg State University. Lý do là: Ngay bên trong toà nhà, chân dung của các cựu sinh viên xuất sắc như nhắc nhở sinh viên rằng họ cũng nằm trong nhóm những người tài năng. Bức ảnh Tổng thống Putin, cùng với bức chân dung của Lenin, được treo ở vị trí nổi bật, cao hơn tất cả những bức ảnh khác. Một bức ảnh của Phó thủ tướng thứ nhất Dmitry Medvedev - người được Putin chọn làm người kế nhiệm cũng - cũng treo gần đó.

 

Anastasia Miryotina, một sinh viên 20 tuổi, nói: “Chắc chắn tôi sẽ đi bầu cử. Phần lớn người Nga sẽ ủng hộ Dmitry Medvedev và tôi nghĩ điều đó là đúng đắn”.

 

Đừng kiếm những bạn trẻ bất mãn và hoài nghi tại St. Petersburg - quê nhà của Putin và Medvedev. Các cử tri trẻ tại đây lớn lên trong sự ổn định và thịnh vượng dưới thời vị Tổng thống sắp mãn nhiệm - trái ngược hẳn với cuộc cải cách kinh tế và dân chủ hỗn hoạn thời Boris Yeltsin những năm 1990.

 

Trên khắp cả nước, giới trẻ Nga cho biết họ sẽ ủng hộ Medvedev và vị thủ tướng của ông: Vladimir Putin. Các cuộc thăm dò dư luận dự báo, khoảng 2/3 số lượng cử tri sẽ đi bỏ phiếu, 70% trong số này sẽ ủng hộ cho Medvedev.

 

“Bỏ phiếu cho sự ổn định”

 

Với một nước Nga ngày càng giàu lên nhờ dầu mỏ, không có gì là ngạc nhiên khi các sinh viên ủng hộ sự lựa chọn của Putin. Thanh niên Nga xem Putin và Medvedev là những người đảm bảo cho viễn cảnh kinh tế tươi sáng của họ. Alexander Siderov, sinh viên ngành lập trình máy tính từ St. Petersburg, nói: “Tôi sẽ bỏ phiếu cho sự ổn định”.

 

Kể từ khi Putin trở thành tổng thống năm 2000, nền kinh tế Nga đã tăng trưởng trung bình 7% mỗi năm. Các cửa hàng tràn ngập hàng hoá xa xỉ, đường phố tràn ngập xe hơi đời mới và nguồn đầu tư nước ngoài vẫn đang rót vào.

 

Những công ty đa quốc gia như Ford Motor, Mars, và Citibank đã đầu tư hàng triệu USD, cùng với đó là tạo ra hàng nghìn việc làm mới. Thậm chí, hãng dầu Royal Dutch Shell của Anh-Hà Lan, hãng đã bị gây áp lực để nhượng lại quyền kiểm sát công ty khí đốt lớn là Sakhalin II cho chính phủ Nga, cũng đang muốn đầu tư thêm hàng tỉ USD vào các khu khai thác ở vùng Siberia. Tất cả đều là những thông tin tốt lành cho thế hệ trẻ của đất nước.

 

Elena Lipchenko, 21 tuổi, sinh viên Trường Quản lý thuộc đại học St. Petersburg State University, nơi có nhiều sinh viên được các công ty như Coca-Cola, Gillette, và Procter & Gamble tuyển dụng, nói: “Tôi mong muốn được làm việc tại Nga chứ không phải ở nước ngoài”.

 

Những người tuyển dụng đã nhận ra một quan điểm mới trong giới trẻ Nga: Không giống như cha mẹ họ, hầu hết các sinh viên đều cảm thấy nỗ lực của chính họ, chứ không phải chính sách của chính phủ, sẽ giúp họ tiến bộ. “Đất nước cho chúng tôi rất nhiều cơ hội”, Lipchenko nói.

 

Chắc chắn không phải bạn trẻ Nga nào cũng có những hi vọng như vậy. Đối lập với các thành phố đang phát triển rất nhanh, các thị trấn nhỏ phải đối mặt với các điều kiện xã hội và kinh tế khắc nghiệt hơn. Tuy nhiên, giới trẻ là nhóm lạc quan nhất tại Nga hiện nay. Theo báo cáo của Viện Xã hội học Nga, 64% trong độ tuổi 17-26 nói rằng họ thích cuộc sống tại Nga, tăng 46% so với 10 năm về trước. Trong khi đó, chỉ 45% số người trong độ tuổi 40 trở lên đồng ý với quan điểm này.

 

Tuy nhiên, cũng có nhiều nhận định cho rằng truyền thông đã quá ưu ái Medvedev, vì Kremlin kiểm soát truyền hình. Theo trung tâm tâm thăm dò dư luận Levada tại Matxcơva, có tới 80% người Nga chỉ biết thông tin chính trị qua 2 kênh truyền hình quốc gia. Mỗi tối, các chương trình tin tức đều chiếu cảnh Medvedev - một cựu giảng viên luật 42 tuổi, thăm các bệnh viện, trường học, nhà máy, nông trường. Các thành phố trên khắp nước Nga treo đầy những chiếc bảng lớn có hình Putin và Medvedev với khẩu hiệu: “Bên nhau, chúng ta sẽ thắng”.

 

Sergei Karasev, 21 tuổi, nói: “Có người nói các nhà chức trách rất cay nghiệt và có sự kiểm duyệt truyền thông nhưng tôi không cảm thấy thế. Là một công dân ngoan ngoãn, tôi hoàn toàn cảm thấy hài lòng với cuộc sống và đất nước của tôi”.

 

Phần lớn người Nga tin tưởng rằng tương lai của họ sẽ tươi sáng hơn thời Xô-viết. Yulia Dudchenko, 21 tuổi, sinh viên St. Petersburg, nói: “Chúng tôi đang có những thay đổi tích cực”.

 

VTH

Theo Businessweek

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm